Nghệ thuật

Sự hồi sinh của phế liệu

Bằng nhãn quan mới, các họa sĩ nhóm G39 đã tái chế phế liệu thành các tác phẩm nghệ thuật. Triển lãm sắp đặt mang tên "Tái chế" được tổ chức tại Galler 39, Hà  Nội nhân kỷ niệm 14 năm hoạt động (2005-2019) và ghi dấu chặng đường hoạt động nghệ thuật phi lợi nhuận của nhóm.
Chia sẻ về ý tưởng tổ chức triển lãm các sản phẩm về tái chế, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, khi xã hội bị bủa vây bởi tiêu dùng bùng nổ sẽ kéo theo việc môi trường ngày càng ô nhiễm bởi những rác thải. Vì vậy, nghệ thuật là một liệu pháp để cân bằng, để tái tạo cuộc sống và thức tỉnh mọi người cần quan tâm đến những tác động của mình đối với môi trường và sự sống nói chung. Triển lãm "Tái chế" chính là dịp để mọi người hiểu thêm về những sản phẩm bỏ đi cũng có thể trở thành sản phẩm hữu dụng trong đời sống thường ngày và người nghệ sĩ tái chế một chất liệu bằng nghệ thuật cũng có nghĩa là tái chế chính mình dưới một nhãn quan mới.

Với sự tham gia của 14 họa sĩ trong triển lãm này, nhóm G39 đã đưa đến những bức tranh vẽ được tạo hình từ đủ các chất liệu như đàn guitar, vỏ chai rượu, hộp cigar, phim chụp X- quang, ván trượt, giấy bìa carton, túi vải bố, chai nhựa… Vốn là những vật liệu không còn hữu dụng, hoặc bị bỏ đi trở thành rác thải, nhưng dưới bàn tay sáng tạo của các nghệ sĩ những vật liệu này đã được làm mới lại và trở thành những tác phẩm nghệ thuật hết sức mới lạ, độc đáo, hấp dẫn.



Các nghệ sĩ giới thiệu về những tác phẩm của mình tham gia triển lãm.


Các bạn nhỏ xem và tìm hiểu sự hồi sinh của phế liệu trở thành các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ.


Họa sĩ Phạm Trần Quân ngẫu hứng vẽ ngay trên toan chính là chiếc phông của chương trình tái chế.

Là người có nhiều tác phẩm trưng bày tại triển lãm nhất, họa sĩ Nguyễn Minh mang đến 4 tác phẩm được anh làm trong vòng 2 tháng, gồm chiếc đèn lồng được chế tác lại từ đồng hồ bị hỏng, chai rượu cũ biến thành bức tranh, hộp để rượu biến thành 3 bức tranh nhỏ và chiếc đàn guitar cũ bị hỏng trở thành tác phẩm trang trí trong nhà.

Nói về các sản phẩm 
tái chế, anh cho biết: “Quan điểm của tôi khi làm tái chế là tái sinh đời sống mới cho tác phẩm, nhưng phải tìm hiểu câu chuyện mà nó đã trải qua để giữ lại vết thời gian trên tác phẩm đó. Vì vậy, trong 4 tác phẩm, chiếc đàn guitar là tác phẩm mà tôi ưng ý nhất vì khi tôi tái chế nó thì mặt đàn vẫn còn giữ được vết đập khi chơi của chủ nhân mà khi làm xong tôi mới biết đó là của anh Lê Thiết Cương. Và mặc dù khi xem nó mang một dáng vẻ mới trở thành đồ trang trí trong nhà nhưng vẫn khiến anh Cương nhớ về kỷ niệm trong những lần chơi nó ở những cuộc vui với bạn bè mình”.

Mang đến triển lãm không chỉ có các tác phẩm nghệ thuật tái chế của các họa sĩ Gallery G39 mà còn có khoảng 70 tác phẩm của các em học sinh Câu lạc bộ vẽ Sắc Xuân ghép thành hình cây xanh sinh thái. Trong vòng 1 tuần khoảng 40 bạn nhỏ của Câu lạc bộ vẽ Sắc Xuân đã sáng tạo thành các sản phẩm nghệ thuật độc đáo.

Khi ngắm nhìn các sản phẩm trên cây xanh sinh thái của cô trò câu lạc bộ vẽ Sắc Xuân mang đến triển lãm tái chế, có thể thấy trên mỗi sản phẩm đều có những chủ đề khác nhau. Đó là chai lọ, hộp cigar được dùng chất liệu sơn acrylic để vẽ phong cảnh hoa đào, hoa mận miền Bắc, những con sinh vật biển, nhân vật phim hoạt hình… Không chỉ có vậy, trên đó còn có những bể bơi được làm từ hộp xà phòng, chiếc giày đẹp tinh xảo được làm từ bìa cotton. Tất cả đã mang đến những câu chuyện khác nhau của nghệ thuật và tái sinh.



Từ những vỏ chai rượu các họa sĩ Phạm Trần Quân và Nguyễn Minh đã biến chúng thành tác phẩm nghệ thuật là những bức tranh nhỏ.


Phố mùa đông (acrylic vẽ trên chai rượu) của họa sĩ Nguyễn Minh.


Các tác phẩm túi nilông được tạo hình và vẽ lên đó những hình ảnh ngộ nghĩnh.


Đô Thị (Bao dứa, túi đựng đồ) của tác giả Võ Lương Nhi.


Tranh Che (tem thuốc cigar và bìa giấy cứng) của tác giả Lê Thiết Cương và Nguyễn Minh Hiếu.


Ván trượt thiên đường (acrylic trên ván trượt) của tác giả Lê Thị Minh Tâm.


Mỹ nhân (X quang trên đèn) của tác giả Doãn Hoàng Lâm.


Xúc xắc hộp cigar của tác giả Hân Di.


 Xanh lá (điêu khắc cao su) của tác giả Nguyễn Quốc Thắng.


Phố trên đ
àn guitar (acrylic) của tác giả Nguyễn Minh.


Đồng hồ đĩa than của tác giả Hoàng Thế Phượng.


Tác phẩm Cây sinh thái của các bạn nhỏ của CLB Sắc xuân.

Có thể nói, triển lãm tái chế các tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ Gallery G39 và các em học sinh Câu lạc bộ vẽ Sắc Xuân đã cho người xem có cách nhìn khác về nghệ thuật. Đó là nghệ thuật không chỉ là tạo ra những thứ chưa có mà còn là sáng tạo trên những gì sẵn có, nghệ thuật không phải là cái gì đó quá xa vời và khó tiếp cận mà nghệ thuật cũng rất gần với đời sống./.
 
Bài: Ngân Hà- Ảnh: Trần Thanh Giang


Top