Lộng lẫy điện Kiến Trung – nơi ở của hai vị vua cuối cùng triều Nguyễn

Lộng lẫy điện Kiến Trung – nơi ở của hai vị vua cuối cùng triều Nguyễn

 

Toàn cảnh điện Kiến Trung nhìn từ hướng chính Nam Hoàng Thành Huế. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam.

Sau hơn 70 năm tồn tại dưới hình hài của một phế tích, mùa xuân năm Giáp Thìn – 2024, điện Kiến Trung, một trong 05 công trình kiến trúc lớn nằm trên trục thần đạo trong Tử Cấm Thành (Huế) và cũng chính là nơi làm việc và sinh hoạt của hai vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã được trả lại dáng vẻ bề thế, lộng lẫy như xưa để tiếp tục kể những câu chuyện thú vị về nội cung nhà Nguyễn và các sự kiện mang dấu ấn lịch sử của nước nhà.

Vẻ đẹp lộng lẫy của điện Kiến Trung. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Điện Kiến Trung không chỉ là công trình kiến trúc lớn và có ý nghĩa quan trọng trong Tử Cấm Thành (Huế) mà nơi đây còn gắn liền với nhiều dấu ấn lịch sử của đất nước. Đây chính là nơi làm việc và sinh hoạt của hai vị vua cuối cùng của triều Nguyễn là vua Khải Định và vua Bảo Đại. Điện Kiến Trung còn được biết đến là nơi vua Khải Định băng hà (ngày 06/11/1925), nơi Hoàng hậu Nam Phương (vợ vua Bảo Đại) hạ sinh Thái tử Bảo Long (04/01/1936). Đặc biệt, đây cũng chính là nơi chứng kiến một sự kiện mang tính lịch sử. Đó là vào ngày 29/08/1945, chính tại nơi đây vua Bảo Đại đã có cuộc tiếp xúc đầu tiên với phái đoàn Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để họp bàn việc thoái vị, trong đó có việc thảo luận về nội dung bản tuyên cáo thoái vị mà vua Bảo Đại đã đọc vào chiều 30/08/1945 trước hàng vạn người dân xứ Huế, đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại hàng nghìn năm của chế độ phong kiến, mở ra một kỉ nguyên mới độc lập, tự do trước khí thế thắng lợi hào hùng của Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân. Đáng tiếc là chỉ 24 năm sau, tức vào năm 1947, do chiến tranh, công trình này đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng.

 

Vườn hoa Tử Cấm Thành nhìn từ ban công tầng hai điện Kiến Trung. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Lịch sử hình thành điện Kiến Trung trải qua nhiều giai đoạn. Ban đầu, tại địa điểm này đã từng có hai công trình, đó là lầu Minh Viễn, rồi đến lầu Du Cửu. Lầu Minh Viễn được xây dựng vào năm 1827 dưới thời vua Minh Mạng. Đây là tòa nhà làm bằng gỗ khá to lớn, gồm có 3 tầng, cao 15,80m, là nơi dành cho nhà vua lên ngắm cảnh và hóng mát. Đến thời Thiệu Trị, vua đã cho trùng tu lầu Minh Viễn và cho đặt trên nóc lầu một viên dạ minh châu đêm đêm tỏa sáng. Lầu Minh Viễn đã được vua Thiệu Trị xếp là cảnh đẹp đầu tiên trong “Thần Kinh nhị thập cảnh” (20 thắng cảnh của đất Thần Kinh). Tuy nhiên, công trình kiến trúc này đã bị triệt giải dưới thời vua Tự Đức. Đến năm 1913, vua Duy Tân đã cho xây dựng trên nền cũ tòa nhà này một tòa lầu khác theo kiểu mới và đặt tên là lầu Du Cửu. Tòa lầu mới này chỉ có 2 tầng với kiến trúc tương đối đơn giản.

 

Vẻ đẹp độc đáo của điện Kiến Trung thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Sau khi lên ngôi vào năm 1916, vua Khải Định đã đổi tên lầu Du Cửu thành lầu Kiến Trung, nhưng sau đó (từ năm 1921 đến năm 1923) vua đã cho xây mới lại toàn bộ lầu Kiến Trung với phong cách pha trộn giữa kiến trúc Pháp, kiến trúc phục hưng của Ý và kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Toàn bộ công trình điện Kiến Trung mới được vua Khải Định cho xây dựng bằng kĩ thuật tân thời và với các loại vật liệu bền vững như xi măng, sắt thép, mảnh sành, sứ, thủy tinh... Vì thế công trình này có khá nhiều vật dụng hiện đại như: đèn điện, nước máy, vòi phun nước, cột thu lôi, cửa sắt...

 

Sự pha trộn hài hòa giữa hai trường phái kiến trúc Á-Âu của điện Kiến Trung. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Sau khi vua Khải Định băng hà, vua Bảo Đại đã cho tu sửa lại cung điện, lắp đặt thêm các tiện nghi của phương Tây. Từ đó điện Kiến Trung trở thành nơi ăn ở chung của cả gia đình nhà vua, bao gồm: vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương, Hoàng tử Bảo Long, Hoàng nữ Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung và Hoàng tử Bảo Thăng.

 

Không gian bài trí ấn tượng bên trong nội cung điện Kiến Trung. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Sau 72 nằm tồn tại dưới hình hài một phế tích, năm 2019 Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khởi công dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung với tổng mức kinh phí đầu tư hơn 123 tỉ đồng. Công trình được thực hiện trên diện tích hơn 3,800m2. Các đơn vị thi công đã giữ nguyên cấu trúc nền móng hiện còn, hạn chế can thiệp yếu tố gốc của di tích. Dự án gồm các hạng mục như: tu bổ phục hồi tòa nhà chính điện Kiến Trung gồm 2 tầng, cao khoảng 14m, diện tích xây dựng khoảng 975m2; gia cố, phục hồi hệ thống tường bao, hệ thống lan can, sân khuôn viên trước và sau, các bậc cấp... Ngoài ra, dự án còn tu bổ các công trình nhỏ xung quanh như đôn gạch, đài phun nước, súng thần công, nhà canh, hệ thống cây xanh, bảo tồn nền móng Đông Cung Lâu, Ngự Thư Phòng, Võ Hộ Giá Phòng và Ngự Phê Phòng...

 

Nét tinh xảo trong nghệ thuật khảm sành sứ của điện Kiến Trung. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Sau 5 năm phục hồi và tôn tạo, di tích điện Kiến Trung đã hoàn thiện và chính thức đưa vào khai thác, giới thiệu đến nhân dân và du khách nhân dịp Tết Giáp Thìn năm 2024. Theo các chuyên gia, bên cạnh những giá trị lịch sử, điện Kiến Trung còn mang những giá trị to lớn về kiến trúc và mĩ thuật vì nó có đầy đủ những đặc điểm của một công trình phong cách Đông Dương, đặc biệt là nghệ thuật khảm sành sứ đặc trưng tạo nên diện mạo tiêu biểu cho kiến trúc cung đình triều Nguyễn.

Với những giá trị kiến trúc, lịch sử độc đáo, kể từ khi mở cửa cho khách tham quan nay, điện Kiến Trung đã thu hút hàng vạn người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm không gian văn hóa hoàng gia nhà Nguyễn. Trong thời gian tới, bên cạnh các không gian trưng bày cổ vật cung đình trong nội cung, đây còn là điểm tổ chức nhiều sự kiện văn hóa hấp dẫn, độc đáo để phục vụ nhu cầu của khách tham quan./.

  • Bài và ảnh:  Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Top