“Điện Biên vẫy gọi” – tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng

“Điện Biên vẫy gọi” – tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Chiều 27-3, tại Nhà hát Quân đội (Mai Dịch, Hà Nội), Nhà hát Kịch nói Quân đội đã biểu diễn báo cáo công trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - vở diễn “Điện Biên vẫy gọi”.

Hình ảnh các chiến sĩ chiếm cứ được đỉnh đồi A1 với lá cờ Tổ quốc tung bay.


Vở kịch nói “Điện Biên vẫy gọi” được Nhà hát Kịch nói Quân đội đặt hàng đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng thực hiện. Ê kíp sáng tạo đã chuyển thể kịch bản vở diễn từ bút ký về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng của PGS, TS Nguyễn Tất Thắng. Gần 2 tháng qua, các nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát đã gấp rút ngày đêm tập luyện để vở diễn thực sự có giá trị nghệ thuật cao, kịp thời ra mắt phục vụ nhân dân và bộ đội chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Vở kịch "Điện Biên vẫy gọi" là một khúc tráng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tái hiện chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Vở kịch ca ngợi tinh thần dũng cảm, kiên cường của quân và dân ta, đồng thời thể hiện niềm tự hào dân tộc và ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc.



“Điện Biên vẫy gọi” lấy một lát cắt từ chân dung của nữ dân công, nữ cứu thương tên Nguyễn Thị Phong Lan. Bối cảnh đầu vở kịch mở ra không gian của làng Tề (làng bị quân Pháp chiếm đóng và kiểm soát trước năm 1954), khi có các đoàn bộ đội và dân công hướng lên Điện Biên đi qua đã được người dân và đặc biệt là các thanh niên như Vĩnh, Long và Lan giúp đỡ, dẫn đường tránh sự truy đuổi của địch. Trốn khỏi làng tề, Long đi theo cách mạng, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cùng lời hẹn ước với Lan sẽ gặp và cưới nhau trên mảnh đất Điện Biên sau ngày thắng trận. Lan sau khi thu vén công việc gia đình của cả nhà mình và nhà Long cũng đã băng rừng, vượt núi, qua sông để hòa vào những đoàn dân công tiến lên Điện Biên.


Gần 2 tháng, Lan lúc tham gia đoàn vận tải, khi phục vụ công tác cứu thương trong các trạm quân y… Dọc dài quãng đường theo hướng Điện Biên vẫy gọi Lan gặp, chứng kiến những con người đang ngày đêm góp sức lực, niềm tin của mình cho cuộc kháng chiến cứu nước tới ngày thắng lợi.

Đặc biệt là hình ảnh các cô dân quân từ khắp các vùng miền miệt mài gánh gồng những tải gạo, lương thực bất chấp hiểm nguy vượt qua mưa bom bão đạn quân thù kiên trì vận chuyển hàng hóa theo yêu cầu của chiến dịch. Suốt con đường đi, người ta vẫn nghe thấy tiếng hò, tiếng hát, tiếng cười của họ đẹp đến nao lòng.


Sân khấu hiện lên một Điện Biên Phủ nóng như chảo lửa ở những thời khắc cuối của cuộc giao tranh, tính chân thật trong thiết kế mỹ thuật cùng với sự đầu tư công phu và hiệu quả về âm thanh như tiếng súng, tiếng pháo rền vang... đã mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả.

Có thể nói, với tài năng diễn xuất rung động, chân thật, các nhân vật đã đưa khán giả đến những miền ký ức. Tuy vở diễn kết bằng sự hy sinh của Lan – cô gái dân công, cứu thương dũng cảm vượt qua mọi hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ của mình, nhưng cũng mở ra một tương lai tươi đẹp cho đất nước. Bên cạnh đó, vở diễn cũng chuyển tải một thông điệp nhân văn đến người xem: Dù có trải qua muôn vàn trắc trở, chông gai, nhưng tình người sẽ còn mãi, tình yêu sẽ xoa dịu mọi vết thương, nỗi đau…

Sau khi ra mắt công diễn tại Hà Nội, nhà hát sẽ lên kế hoạch đưa vở “Điện Biên vẫy gọi” đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân ở các đơn vị, địa phương. Hy vọng với tâm huyết của ê kíp nghệ sĩ sáng tạo cùng các nhân vật được phác họa trong vở diễn sẽ đưa khán giả quay ngược trở lại, khâm phục và cảm mến những con người với những đóng góp nhỏ bé để làm nên “chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”./.

 Bài, ảnh: Công Đạt/ Báo ảnh Việt Nam

 


Top