Tiềm năng địa phương

Trồng chuối xuất khẩu – hướng đi mới đầy tiềm năng của Gia Lai

Giống chuối tiêu hồng có nguồn gốc Nam Mỹ được đánh giá phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở Tây Nguyên. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam  

Trong chiến lược cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tìm kiếm loại cây mới có giá trị kinh tế cao để đa dạng hóa nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, Gia Lai đã mạnh dạn nghiên cứu đưa vào trồng giống chuối tiêu hồng có nguồn gốc Nam Mỹ và đã nhanh chóng gặt hái được thành công với nhiều thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng.

Vùng nguyên liệu chuối xuất khẩu của Cty Hưng Sơn ở Gia Lai. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có hơn 845.000 ha đất sản xuất nông nghiệp thích hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao thuộc nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đây là điểm mạnh thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài nước. 

Giống chuối tiêu hồng có nguồn gốc từ Nam Mỹ trồng ở Gia Lai đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Toàn tỉnh Gia Lai hiện đã thu hút được 50 dự án trồng trọt với quy mô hơn 8.500 ha, tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng; trong đó có 29 dự án đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, 5 dự án đang chờ phê duyệt chủ trương đầu tư, 4 dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư, được nhà đầu tư quan tâm và 12 dự án nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư.

Hiện một số dự án đã đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả cao như Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, Dự án trồng cây dược liệu kết hợp trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đăk Đoa, Trung tâm giống cây trồng chất lượng cao tại huyện Chư Pưh, Nhà máy chế biến trái cây Quicornac tại thành phố Pleiku, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco Gia Lai) tại huyện Mang Yang… 

Sử dụng máy bay không người lái trong quản lí và chăm sóc chuối. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Theo định hướng, Gia Lai tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với các loại cây trồng mang tính chủ lực để phục vụ xuất khẩu như: cà phê, hồ tiêu, chanh dây, rau, hoa, cây dược liệu… trong đó có cây chuối, một loại cây trồng mới rất có tiềm năng.

Việc đưa cây chuối vào danh mục các giống cây trồng xuất khẩu chủ lực được xem là một bước đi mạnh dạn của Gia Lai và nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, trong đó có Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Hưng Sơn.

Ông Nguyễn Quang Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Hưng Sơn, cho biếtchuối là loại cây trồng rất hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Gia Lai. Cách đây 10 năm, Công ty Hưng Sơn cũng đã đầu tư lĩnh vực này ở Campuchia. Tuy nhiên, việc vận chuyển sản phẩm về các cảng để xuất khẩu thì quá xa, tốn nhiều chi phí. Vì vậy, Công ty đã khảo sát và thấy Gia Lai là vùng rất thích hợp để trồng loại cây này.

Thu hoạch chuối ở Cty Hưng Sơn. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

“Chúng tôi đã có kế hoạch liên kết với nông dân mở rộng vùng nguyên liệu, đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu chính ngạch. Trong khi đất chủ yếu do nông dân sở hữu, nên liên kết là cách mà đôi bên cùng có lợi.” - ông Quang Anh cho hay.

Được biết, Công ty Hưng Sơn thành lập năm 2020 trên địa bàn huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, là doanh nghiệp đầu tư trồng chuối theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện doanh nghiệp này đã phát triển được 400 ha trồng chuối xuất khẩu kết hợp với trồng cây dược liệu.

Tận mắt chứng kiến vùng trồng chuối xuất khẩu của Hưng Sơn ở huyện Đắk Đoa chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước cảnh những cánh đồng chuối bạt ngàn xanh mướt trải rộng đến hút tầm mắt trên vùng đất bazan phì nhiêu, màu mỡ và bằng phẳng.

Quá trình sơ chế làm sạch chuối tại xưởng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Anh Lê Hoàng Linh, Giám đốc vùng nguyên liệu của Công ty Hưng Sơn cho biết, với vùng trồng chuối này, mỗi năm Công ty có thể thu hoạch được khoảng 12.000 tấn chuối, doanh thu đạt khoảng 350-400 tỉ đồng và giải quyết được công ăn việc làm cho hơn 800 người lao động ở địa phương mà chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở trong vùng.

Để quản lí và phát triển được vùng nguyên liệu chuối khổng lồ này, ngay từ đầu Công ty Hưng Sơn đã ứng dụng nhiều giải pháp nông nghiệp công nghệ cao như đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tiên tiến nhập khẩu từ Israel, sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc và quan sát, theo dõi tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng, lắp đặt hệ thống cáp treo ròng rọc liên hoàn và xuyên suốt các vùng trồng để phục vụ việc thu hoạch, vận chuyển chuối từ trang trại về nhà máy chế biến…

Dây chuyền khép kín từ sàng tuyển cho đến dán tem truy xuất nguồn gốc và đóng gói sản phẩm. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nên chất lượng chuối của Công ty tăng lên rõ rệt, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông, Singapore... Sắp tới, trong chiến lược phát triển của mình Hưng Sơn sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đồng thời nghiên cứu mở rộng diện tích và quy mô sản xuất ở địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và các tỉnh khác ở Tây Nguyên nói chung.

Có thể nói, bên cạnh các loại cây trồng truyền thống có thế mạnh đã được khẳng định từ lâu như cà phê, tiêu, cao su... thì chuối đang được kì vọng sẽ là một sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu mới đầy tiềm năng của Gia Lai./.

Công tác bảo quản và vận chuyển chuối đến nơi tiêu thụ luôn được đảm bảo. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
  • Bài, ảnh:  Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Người Tày ở Bắc Hà giữ nghề làm nón lá cọ

Người Tày ở Bắc Hà giữ nghề làm nón lá cọ

Nón lá cọ là một loại nón truyền thống của người Tày ở Bắc Hà, Lào Cai. Nón được làm từ lá cọ rừng, phơi khô và đan thành hình chóp. Nón lá cọ có màu nâu đen tự nhiên, vành nón rộng vành cong xuống. Nón lá cọ có thể che mưa, che nắng và là một phần trang phục truyền thống của phụ nữ Tày ở Bắc Hà.

Top