Người Tày ở Bắc Hà giữ nghề làm nón lá cọ

Người Tày ở Bắc Hà giữ nghề làm nón lá cọ

Những phụ nữ người Tày tại Bản Liền, Bắc Hà, Lào Cai đã làm quen với việc đan nón từ khi còn nhỏ. Ảnh: Công Đạt/ Báo ảnh Việt Nam

Nón lá cọ là một loại nón truyền thống của người Tày ở Bắc Hà, Lào Cai. Nón được làm từ lá cọ rừng, phơi khô và đan thành hình chóp. Nón lá cọ có thể che mưa, che nắng và là một phần trang phục truyền thống của phụ nữ Tày ở Bắc Hà. Ngày nay, người Tày vẫn giữ gìn nghề truyền thống làm nón để phục vụ cuộc sống. 

Nón lá cọ được làm từ lá cọ rừng. Lá cọ được phơi khô và chẻ thành những sợi nhỏ. Sau đó, người ta dùng những sợi cọ này để đan thành nón. Việc đan nón lá cọ đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo. Nón lá cọ có thể đan theo nhiều kiểu khác nhau, nhưng phổ biến nhất là kiểu nón chóp với vành nón rộng vành cong xuống.

Nón lá cọ là một phần trang phục truyền thống của phụ nữ Tày ở Bắc Hà. Nón thường được đội khi đi làm đồng, đi chợ phiên hoặc tham gia các lễ hội. Nón lá cọ không chỉ có tác dụng che mưa, che nắng mà còn là một biểu tượng của văn hóa dân tộc Tày ở Bắc Hà.

Nón có vai trò quan trọng trong nghi lễ cưới hỏi của phụ nữ dân tộc Tày, ngoài các lễ vật như chăn, màn, chiếu, thì chiếc nón được cô dâu đem theo về nhà chồng với mong muốn cô dâu là người con hiếu thảo, một lòng thương yêu chồng con.

Bên cạnh là vật trao duyên, chiếc nón lá còn thể hiện sự khéo tay, duyên dáng của cô gái Tày. Theo truyền thống, phụ nữ người Tày từ nhỏ đã phải học cách đan lát và làm nón.


Để làm được một chiếc nón phải mất từ 4 - 6 ngày. Cách làm cũng công phu hơn so với nón của người Kinh, từ khâu chọn lá, tạo khuôn, đan nón đều phải đúng tiêu chuẩn mới có được một chiếc nón đẹp.

Để làm ra nguyên liệu đan nón, người ta phải vào rừng chọn những cây giang bánh tẻ mọc được 1 năm, có đốt dài từ 60cm trở lên, không bị sâu bệnh, không bị cụt ngọn và tốt nhất lấy giang vào mùa sương giáng (sau ngày Đông chí) để chẻ nan. Mùa này hanh khô, cây giữ ít nước cho nên nan ít bị co ngót và cũng ít bị mọt.



Công đoạn đan khuôn nón đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật đan thành thục. Bởi khi đan, người thợ phải sử dụng đến kỹ thuật đan mắt cáo, tức là đan ba đôi lại với nhau tạo thành hình lục giác, các mắt được đan càng nhỏ thì chiếc nón sẽ càng bền.

Nếu là nón đi chơi, đi hội, các bà, các chị thường thêu trang trí bằng chỉ ngũ sắc hình bông hoa, con bướm, ngôi sao… lên phần khung của nón rồi mới lợp lá cọ.

Khâu khó nhất khi làm nón là bẻ cuống sao cho 2 chiếc lá ráp khít vào nhau rồi khâu lại. Ảnh: Công Đạt/ Báo ảnh Việt Nam

Xong phần đan khuôn nón đến phần chọn lá cọ lợp bên ngoài. Những người phụ nữ Tày sẽ lên rừng cọ chọn những lá cọ bánh tẻ rồi đem về hong qua lửa phần cuống, khoét phần thịt bên trong chỉ để phần vỏ cứng bên trên, đem phơi 2 ngày nắng, 3 đêm sương rồi cất vào nơi thoáng mát, lá cọ khô và phai hết màu xanh. Bởi lá càng trắng làm nón càng đẹp. Trong các công đoạn làm nón, thì công đoạn chọn lựa và làm phẳng lá đòi hỏi công phu, cẩn thận nhất, để chiếc nón làm ra không bị giòn và rách.

Một số khách du lịch tới Bản Liền được hướng dẫn trải nghiệm làm nón lá. Ảnh: Công Đạt/ Báo ảnh Việt Nam

Sau khi làm xong, những chiếc nón lá sẽ được tiếp tục hong khô trên gác bếp, để chống mối mọt, trời nắng không bị cong vênh, trời mưa không bị thấm nước.

Người Tày dùng nón che nắng, che mưa trong sinh hoạt hằng ngày. Ảnh: Công Đạt/ Báo ảnh Việt Nam

 Ngày nay, nón lá cọ không còn được sử dụng phổ biến như trước đây. Tuy nhiên, nón lá cọ vẫn là một biểu tượng văn hóa của người Tày ở Bắc Hà. Nón lá cọ thường được dùng trong các dịp lễ hội hoặc biểu diễn nghệ thuật. Nón lá cọ cũng là một món quà lưu niệm độc đáo được nhiều du khách yêu thích./.

 

 Bài, ảnh: Công Đạt/ Báo ảnh Việt Nam


Top