Những “báu vật” ở Cánh cung Bắc Sơn

Những “báu vật” ở Cánh cung Bắc Sơn

Giá trị đặc sắc về khảo cổ, lịch sử, văn hóa, địa mạo - địa chất ở Cánh cung Bắc Sơn không chỉ được giới khoa học ví “báu vật” mà còn là “chìa khóa” để tỉnh Lạng Sơn phát triển du lịch xung quanh công viên địa chất toàn cầu trong tương lai. 

Bình minh trên thung lũng Bắc Sơn. Ảnh: Trương Tuấn Anh (KKV 06)

Công viên địa chất Lạng Sơn nằm trong Cánh cung Bắc Sơn được thành lập ngày 13/12/2021 theo Quyết định số 2424/QĐ-UBND tỉnh Lạng Sơn. Đến cuối tháng 11/2022, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn khai quật tại Hang Dơi (thôn Kha Hạ, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn) thông báo tin vui không thể vui hơn. Đó là, trong quá trình khảo cổ đã thu được một di cốt trẻ em được mai táng ở tư thế nằm co bó gối. Di cốt này thuộc nền văn hóa Bắc Sơn. 
“Ngay trong đêm phát hiện ra mộ táng trẻ em, một ông thầy mo trong vùng rưng rưng cầm tay tôi rồi chỉ lên đại ngàn nói rằng, việc phát lộ di vật đặc biệt này là điềm lành đối với dân bản”, Tiến sỹ Phạm Thanh Sơn - Viện khảo cổ học kể lại. Tiến sỹ Phạm Thanh Sơn cho biết thêm, trong quá trình khai quật ở Hang Dơi đã thu thập được trên 600 hiện vật mang dấu ấn đặc trưng của văn hóa Bắc Sơn như: công cụ đá, rìu mài lưỡi, cuốc, gốm, đồ sành, sứ, dấu vết các mộ táng. Qua nghiên cứu hiện vật, xác định Hang Dơi thuộc văn hoá Bắc Sơn (thời kỳ đá mới) có niên đại 10.000 năm đến 7.000. “Điều này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh Lạng Sơn tiến hành xây dựng hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu”. Tiến sỹ Phạm Thanh Sơn khẳng định.

 

Cuối năm 2022, tỉnh Lạng Sơn đã mời các chuyên gia đến từ Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Mạng lưới Công viên địa chất Việt Nam để thống nhất phạm vi Công viên địa chất Lạng Sơn dự kiến gồm các huyện: Hữu Lũng, Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan và Chi Lăng, có diện tích trên 3.840 km2, dân số trên 380.000 người (khoảng 46,3% diện tích và 48,1% dân số toàn tỉnh) với tên gọi “Dãy núi đá vôi và thung lũng Bắc Sơn”. Như vậy, tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành phạm vi xây dựng hồ sơ nằm trên Cánh cung núi đá vôi Bắc Sơn. Đây là một khối núi đá vôi cổ, dài 60 km, rộng 50 km, cao trung bình 400-1200 m ôm trọn 5 huyện của miền biên viễn xứ Lạng. “Kết quả khảo sát sơ bộ bước đầu cho thấy 5 huyện của Lạng Sơn là địa bàn có địa chất khá khác biệt so với các vùng khác ở Việt Nam”. PGS.TS. Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Địa chất -Khoáng sản,  thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định.
Ngược thời gian, vào năm 1980, sau khi tham dự Hội thảo kỉ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, vị anh hùng dân tộc của Đại Việt, sử gia người Pháp, tiến sĩ Charler Faudier đã đến tham quan ải Chi Lăng, ông vô cùng ngạc nhiên, thốt lên: “Đó là một bảo tàng lịch sử ngoài trời lớn nhất thế giới”. 
Dãy núi Chi Lăng nằm trên cánh cung đá vôi Bắc Sơn. Hơn 10 thế kỷ, tại khu vực có có diện tích khoảng 20 cây số vuông này, đã diễn ra hàng trăm trận ác chiến với tầng tầng lịch sử, lớp lớp chiến công của cha ông: 2 lần chống Tống (năm 981 và 1077), 2 lần kháng chiến chống quân Nguyên (năm 1285 và 1287), chống quân

Núi Phja Pò cao 1.541 mét so với mực nước biển được coi là đỉnh "Everest" xứ Lạng, đường leo lên khá dốc, địa hình lạ với những hố sụt thành ốc đảo nhỏ với cây cối và khe nước nằm ngay trên đỉnh đồi, núi, xen lẫn là những vạt rừng đỗ quyên. Ảnh: Tư liệu Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Lạng Sơn
Minh (1427), đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Chi Lăng là nơi thể hiện tài thao lược, nghệ thuật quân sự của cha ông trong lịch sử, với tư duy chiến thuật tận dụng tối đa địa hình địa thế kết hợp nghi binh, địch vận, phục kích, tập kích, truy kích… Tác chiến trận địa tại Chi Lăng thể hiện gần như hết các nghệ thuật quân sự, chiến tranh nhân dân đặc sắc của Việt Nam. Tuy nhiên, tiến sĩ Charler Faudier còn chưa biết rằng, bên trong những dãy núi đá vôi trùng điệp kia còn ẩn chứa những giá trị khảo cổ học có niên đại từ 40.000 – 10.000 năm mà sau này mới phát hiện.
Trong nhiều năm qua, các nhà khảo cổ học đã phát hiện những nhiều hiện vật điển hình của người tiền sử như công cụ chặt thô sơ, gốm thô, chứng minh đất Chi Lăng đã có người tiền sử tới cư trú. Tiến sỹ Nguyễn Gia Đối, Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết, trên địa bàn huyện Chi Lăng hiện nay đã phát hiện khá nhiều di tích khảo cổ học tiền sử thuộc các giai đoạn khác nhau. Có thể kể đến Di tích hang Bó Nam, hang Lai Ta, hang Bằng Mạc, hang Bó Lấm (có niên đại từ 10.000 - 8000 năm).
 
Biểu diễn Hát Then - Đàn tính ở Bắc Sơn. Ảnh: Tư liệu Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Lạng Sơn
Hiện nay, huyện Bắc Sơn có khoảng 50 câu lạc bộ Hát Then - Đàn tính sinh hoạt và tập luyện hàng ngày sau những giờ lao động, sản xuất. Ảnh: TTXVN

Cũng trong tháng 11/2022, tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội và Quỹ FNF Việt Nam đồng chủ trì tổ chức Hội thảo quốc tế phát triển đối tác hợp tác công tư xây dựng Công viên địa chất Lạng Sơn. Tai hội thảo này, nhiều học giả, chuyên gia khẳng định rằng, về địa mạo, địa chất, lịch sử, giá trị khảo cổ học, khu vực cánh cung núi đá vôi Bắc Sơn hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu khắt khe về Công viên địa chất toàn cầu mà UNESCO đề ra. Nhưng để phát huy các giá trị văn hóa, để người dân khu vực có thể sống được bằng văn hóa và du lịch thì cần hơn một chiến lược dài hơi của tỉnh Lạng Sơn. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nơi đây hội tụ văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc cùng sinh sống như dân tộc Tày, Nùng, Dao, Hoa... với các lễ hội cổ truyền như Cấp sắc, Lễ hội Ná Nhèm, Lễ hội Phài Lừa…; các điệu hát cổ như hát Phongslư, hát Lượn cổ Tày - Nùng…; các điệu múa sư tử hay các điệu múa Xiêng tâng, múa Chầu… trong đó có “báu vật Hát Then”.

Làng du lịch văn hóa Quỳnh Sơn ở huyện Bắc Sơn sở hữu nhiều hang động trong lòng núi, và hệ thống nhà sàn cổ của người Tày ở thung lũng tạo nên phong cảnh tuyệt đẹp thu hút du khách tham quan. Ảnh: Tư liệu Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Lạng Sơn

Hát Then là một loại hình diễn xướng âm nhạc tín ngưỡng dân gian, có nội dung thuật lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu xin Then ban cho những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành. Hát Then của người Tày, Nùng phản ánh chuyện từ đời sống, bản mường, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi… Khi nghiên cứu các lễ Then cổ truyền, các nhà nghiên cứu thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào Tày, Nùng ở vùng Bắc Sơn.

Người Nùng ở huyện Lộc Bình còn lưu giữ được nhiều nhà trình tường truyền thống. Ảnh: Nguyễn Thắng/Báo ảnh Việt Nam

Qua các đợt khảo sát văn hóa ở huyện Bắc Sơn, Hữu Lũng các cơ quan chức năng đã nhận định rằng, Hát Then - Di sản phị vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận năm 2019 đã được các tộc người Tày -  Nùng (cùng với tộc người Thái là chủ nhân của Di sản này) giữ gìn và phát huy rất tốt. Thực tế sau 5 năm UNESCO công nhận Di sản này cho thấy, Hát Then đã tạo thành một phần cơ bản trong đời sống tinh thần của người Tày, Nùng sinh sống ở cánh cung núi đá vôi Bắc Sơn, phản ánh mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên và vũ trụ. Di sản Hát Then có tại 11 tỉnh ở Việt Nam, nhưng tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc. Riêng tỉnh Lạng Sơn có số nghệ nhân Then đông nhất với hơn 500 người.

Du khách tham quan các giá trị đặc sắc về địa mạo, địa chất ở xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng. Ảnh: Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam

 Đơn cư như tại huyện Bắc Sơn, từ năm 2019 đến nay, huyện đã có trên 50 câu lạc bộ, đội văn nghệ được thành lập để lưu giữ, truyền dạy di sản Hát Then. Cùng với du lịch cảnh quan Thung lũng Bắc Sơn, bản làng người Tày, Nùng, thưởng thức ẩm thực bản địa thì Hát Then đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo khi du khách đến nơi này. 

Du khách trải nghiệm hoạt động du lịch leo núi thể thao mạo hiểm tại xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng. Ảnh: TTXVN

Đối chiếu với yêu cầu UNESCO về tiêu chuẩn của Công viên địa chất toàn cầu thì di sản Hát Then là một điểm cộng lớn trong hành trình Cánh cung Bắc Sơn sớm được vinh danh.

Khu di tích Ải Chi Lăng là trận địa trong 10 thế kỷ chống quân xâm lược của cha ông. Nay khu vực này đã là khu dân cư đông đúc và trù phú.
Ảnh: Nguyễn Thắng/Báo ảnh Việt Nam

 

  • Bài: Thông Thiện
  • Ảnh: Nguyễn Thắng, Công Đạt, Thông Thiện, Tất Sơn, Trương Tuấn Anh, TTXVN và tư liệu
  • Kỹ thuật, đồ họa: Trang Nhung

 


Top