Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Chúng tôi theo chân cán bộ dự án Plan International tại Hà Giang đến thăm hộ chị Cháng Thị Chẳm (xã Tả Nhìu, huyện Xín Mần). Chị Chẳm cho biết trước kia chị đi làm công nhân ở xa nhà nhưng vì điều kiện gia đình chồng đi làm xa nên chị Chẳm đã quay trở về nhà để làm kinh tế. Giữa lúc quay về vẫn loay hoay còn chưa biết sẽ làm gì để kiếm thêm thu nhập kinh tế, chị Chẳm đã được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt của dự án của Tổ chức Plan International. Chị Chẳm cho biết: “Ngày trước thì hầu hết rau trồng của nhà đều để dùng chăn nuôi nhưng bây giờ tôi đã làm theo kỹ thuật canh tác mới bằng việc làm đất và dùng các phế phụ phẩm như cây cỏ, cây ngô nghiền rồi ủ vi sinh để tưới cho các cây rau nên rau cũng mọc tốt hơn rất nhiều nên đem bán cho mọi người mua về ăn.”. Không chỉ được hỗ trợ về việc canh tác trồng trọt, chị Chẳm còn được Tổ chức Plan International hỗ trợ  trang thiết bị máy móc như máy xay thịt và khuôn để làm giò bán tại nhà với giá bán 200k/kg. Từ việc phải xa nhà để làm kinh tế, đến nay chị Cháng Thị Chẳm đã không còn lo lắng việc gia đình không đủ thu nhập sinh sống như xưa nữa.

 
Anh Dương Văn Tuy- Giám đốc dự án vùng Hà Giang cho biết để thực hiện chương trình dự án có hiệu quả văn phòng Plan tại Hà Giang và các đối tác đã tổ chức theo lộ trình chặt chẽ từ khâu tuyển sinh đến tổ chức hoạt động tập huấn. Sau 3 năm triển khai từ 3/2021 đến 2/2024, dự án đã triển khai hỗ trợ cho 1920 thanh niên từ 15 đến 30 tuổi tại 8 xã gồm xã Nàn Ma, Tả Nhìu, Nấm Dẩn của huyện Xí Mần và xã Tân Tiến, Pố Lồ, Bản Luốc, Chiến Phố, Tụ Nhân của huyện Hoàng Su Phì bằng việc tổ chức 96 lớp tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi, 4 lớp tập huấn về chế biến thực phẩm đậu phụ, giò chả, thịt treo, mật ong và tinh dầu gừng, 24 cuộc thăm quan các mô hình để học tập kinh nghiệm nâng cao kỹ năng trong sản xuất, tăng thu nhập.
Cán bộ dự án tổ chức Plan International tập huấn về tìm hiểu kỹ thuật sản xuất và phát triển thị trường tìm đầu ra cho sản phẩm.
 

Rời Xín Mần chúng tôi di chuyển sang xã Pố Lồ, huyện Hoàng Su Phì. Anh Lù Tuấn Thành- Phó Chủ tịch UBND xã Pố Lồ cho biết xã Pố Lồ nằm ở biên giới, tỷ lệ hộ nghèo chiếm cao nên việc đảm bảo chế độ chính sách cho người dân và sinh kế phát triển cho các hộ gia đình góp phần rất lớn về an ninh chính trị và đảm bảo đường mốc giới. Những thanh niên được tham gia hưởng lợi từ dự án sẽ được hỗ trợ về cây giống, con giống, vật tư thiết bị và kỹ năng marketing để quảng bá các sản phẩm cũng như giúp kết nối với các trường học để tiêu thụ. 

Gia đình chị Lù Thị Liên trước kia chủ yếu làm nương rẫy và làm đậu theo kỹ thuật thủ công gia truyền của bố mẹ. Từ khi được tham gia dự án của tổ chức Plan International tập huấn về làm đậu và hỗ trợ về máy làm đậu cũng như kết nối tiêu thụ cho các trường học của xã nên có thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Cũng gần đó, gia đình chị Ly Thị Lỳ khi được tham gia tập huấn và marketing sản phẩm của dự án, từ việc trang trải kinh tế gia đình bằng cây rau mang ra chợ bán mỗi phiên đến nay đã trồng đến 7000 cây dâu với diện tích gần 2000m2 đem lại thu nhập mỗi vụ thu hoạch khoảng 40 triệu đồng nhờ vào việc bán hàng trên mạng.

 
Ngoài những kỹ năng cải thiện về làm sinh kế cho thanh niên tại Hà Giang, dự án còn hỗ trợ xây dựng 6 trung tâm học tập cộng đồng tại các xã với trang thiết bị đầy đủ để các thanh niên dân tộc thiểu số kết nối chia sẻ, tìm kiếm thông tin trên thị trường, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm về nông nghiệp làm ra./.  

Thực hiện: Ngân Hà - Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam 


Top