Khám phá văn hóa Mường ở Hòa Bình

Khám phá văn hóa Mường ở Hòa Bình

Thiếu nữ Mường tại Lễ hội Khai Hạ, huyện Tân Lạc. Ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam

Cách thành phố Hà Nội chừng 70km về phía Tây Nam, tỉnh Hòa Bình được biết đến là “miền đất sử thi”, nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Mường. Trải qua nhiều thế hệ, đồng bào Mường nơi đây đã tạo dựng nên một kho tàng văn hóa phong phú, đặc sắc, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Dấu ấn bản sắc văn hóa Mường

Tỉnh Hòa Bình được coi là cái nôi của dân tộc Mường, nổi tiếng với bốn vùng Mường lớn là: Mường Bi (huyện Tân Lạc), Mường Vang (huyện Lạc Sơn), Mường Thàng (huyện Cao Phong), Mường Động (huyện Kim Bôi).

Người Mường là cư dân bản địa, sinh sống ở Hòa Bình đã lâu đời. Trải qua tiến trình lịch sử lâu dài, văn hóa Mường được hình thành, phát triển và “ăn sâu bén rễ” trong đời sống của cộng đồng. Văn hoá Mường được thể hiện rõ nét trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ, ẩm thực, trang phục, lễ hội, tri thức dân gian,… Nhiều giá trị nghệ thuật, văn hóa đặc sắc của người Mường như dân ca, nghệ thuật chiêng, mo, sử thi “Đẻ đất - Đẻ nước”... đến nay vẫn còn và được đánh giá cao trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam. 

Quang cảnh lễ hội Khai Hạ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
Đoàn nghệ nhân dân gian chiêng dân tộc Mường tại Lễ hội Khai Hạ. Ảnh: Thanh Giang/ Báo ảnh Việt Nam 

Đầu năm 2024, chúng tôi có dịp được dự lễ hội Khai hạ của người Mường ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Đó là một lễ hội gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ với ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập Mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngày nay, lễ hội Khai hạ đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, một hoạt động tín ngưỡng không thể thiếu của người Mường tỉnh Hòa Bình.



Nói đến văn hóa Mường không thể không nhắc đến không gian sinh sống của họ, đặc biệt là văn hóa nhà sàn. Ở bản Giang Mỗ thuộc xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, người Mường sinh sống trong những nếp nhà sàn mang đậm kiến trúc truyền thống. Hiện cả bản có trên 100 ngôi nhà sàn đẹp và lâu đời. Ông Bùi Văn Mạnh, một người dân bản Giang Mỗ tâm sự: “Quê hương, bản làng, nhà sàn dân tộc là những gì tôi đã gắn bó gần hết cuộc đời. Bởi vậy, dù có làm gì đi chăng nữa thì những thứ đó tôi vẫn phải gìn giữ cho thế hệ tương lai.”

Người Mường ở Mường Bi sử dụng các loại nhạc cụ như chiêng, đàn, sáo, nhị ... trong các hoạt động văn hóa.
Ảnh: Hoàng Hà/Báo ảnh Việt Nam

 Sự độc đáo và sức hấp dẫn của văn hóa Mường đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu, văn nghệ sĩ. Nhiều người đã dày công nghiên cứu, tìm hiểu để phục vụ cho công việc nghiên cứu, sáng tác, sưu tầm và bảo tồn của mình.

Đến thăm Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường nằm trên đường Tây Tiến thuộc phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình, chúng tôi được khám phá một không gian văn hóa Mường độc đáo. Họa sĩ Vũ Đức Hiếu, chủ nhân của Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường - bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam về văn hóa Mường - chia sẻ: “Hòa Bình là cái nôi của văn hóa Mường cổ nên tôi muốn tạo dựng không gian văn hóa này ngay trên vùng đất Mường này. Tại đây, tôi tái hiện một xã hội Mường thu nhỏ từ hơn 100 năm trước qua các hiện vật gốc liên quan đến kiến trúc, đời sống, tập tục, ngôn ngữ. Các hiện vật trưng bày tại bảo tàng mặc dù không phải đẹp nhất, hay nhất, giá trị nhất nhưng lại thực nhất, bình dị nhất trong cuộc sống của người Mường.”.

Một mâm cơm đầy đủ vào dịp lễ của người Mường ở vùng Mường Bi, Tân Lạc. Ảnh: Hoàng Hà/Báo ảnh Việt Nam

Chính nhờ công sức bảo tồn văn hóa Mường mà năm 2020 họa sĩ Vũ Đức Hiếu đã được trao Giải thưởng Jeonju International Award, giải thưởng do thành phố Jeonju (Hàn Quốc) tài trợ nhằm khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động quảng bá, giữ gìn và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể dành cho tất cả đối tượng trên khắp thế giới. Giải thưởng chính là sự ghi nhận công sức bền bỉ của một họa sĩ Việt Nam luôn theo đuổi đến cùng khát vọng bảo tồn văn hóa Mường.

Nhà Lang trong Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường - bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam về văn hóa Mường. 
Ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam

 Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Mường


Hiện nay, trước sự tác động của thời gian, cuộc sống, nhiều giá trị văn hóa của dân tộc Mường đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Trước tình hình đó, tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều biện pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa một cách hiệu quả.

Ông Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, cho biết mặc dù trong điều kiện tỉnh còn không ít khó khăn về nguồn lực song tỉnh vẫn sẽ coi đây là nhiệm vụ hết sức cấp bách, quyết liệt triển khai, huy động nguồn lực đầu tư, quản lí, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị, di sản văn hóa truyền thống, di sản văn hóa khảo cổ gắn với phát triển du lịch bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất cho nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa của dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình.



Những năm vừa qua, nhờ làm tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Mường, huyện Lạc Sơn đã xây dựng được một môi trường văn hóa lành mạnh, giàu bản sắc dân tộc, từ đó góp phần vào việc giáo dục truyền thống lịch sử cho người dân.

Ông Bùi Văn Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Sơn cho biết: “Hiện nhận thức của người dân về các giá trị văn hóa dân tộc đã được nâng cao. Vì thế huyện đặt mục tiêu đến năm 2025, 20% người Mường biết viết chữ Mường, 85% người Mường biết mặc trang phục truyền thống dân tộc Mường và sử dụng thường xuyên trong các dịp lễ, Tết, hội hè. Học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông mặc trang phục truyền thống dân tộc Mường ít nhất 2 ngày/tuần. Huyện Lạc Sơn sẽ mở rộng quy mô tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao, ngày hội Tết Độc Lập, đầu tư phát triển mô hình bảo tồn làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng…”.

Điển hình như trường Trung học Phổ thông Quyết Thắng của huyện Lạc Sơn. Ngay từ năm 2019, nhà trường đã thành lập câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa Mường, hoạt động ở 6 mảng nội dung chính là: dân ca, trang phục, nhạc cụ, ẩm thực, trò chơi, văn hóa dân gian. Ngoài ra, câu lạc bộ còn tổ chức triển khai dạy bộ chữ Mường cho các thành viên. Đến nay, câu lạc bộ đã thu hút trên 300 thành viên, thường xuyên biểu diễn trong các dịp lễ, Tết, ngày hội văn hóa của nhà trường, địa phương.

Các học sinh trường THPT Quyết Thắng (Lạc Sơn - Hòa Bình) trong một tiết học tìm hiểu về cồng chiêng Mường.
Ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
 

Chị Bùi Thị Hương, chủ nhiệm câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường của trường Quyết Thắng cho biết: “Câu lạc bộ được thành lập với mục đích giáo dục ý thức bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường. Qua đó nuôi dưỡng tình yêu, trách nhiệm của học sinh về công tác bảo tồn giá trị truyền thống”.

Được biết, năm 2023, tỉnh Hòa Bình đã ban hành Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030 để tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa và truyền thống tốt đẹp của người Mường; góp phần quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người Hòa Bình, xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Sắp tới tỉnh Hòa Bình sẽ tập trung tu bổ, tôn tạo cảnh quan di tích quốc gia Hang xóm Trại (xã Tân Lập) và Mái đá làng Vành (xã Yên Phú) ở huyện Lạc Sơn, là các di tích tiêu biểu của nền văn hóa Hòa Bình, để xây dựng hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, tiến tới trình UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa của nhân loại./.

 

Nội dung:  Hoàng Hà
Ảnh:  Hoàng Hà, Thanh Giang, Báo ảnh Việt Nam
Kỹ thuật, đồ họa:  Đăng Tiến

Top