Khu vực ASEAN tiếp tục là điểm đến thu hút FDI

Khu vực ASEAN tiếp tục là điểm đến thu hút FDI

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu có nhiều gam màu xám do xung đột địa chính trị và nhiều thách thức khác, khu vực Đông Nam Á vẫn tiếp tục là điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

30 năm qua, ASEAN đã chứng kiến nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dồi dào nhờ vào tiềm năng tăng trưởng to lớn, cùng nhiều hiệp định thương mại được ký kết và quá trình chuyển đổi cơ cấu đang diễn ra…. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là những đãi ngộ mà các nước Đông Nam Á dành cho nhà đầu tư. Chính phủ các nước này luôn dành sự quan tâm cho việc thu hút các dòng vốn đầu tư, trong đó hướng ưu tiên vào các lĩnh quan trọng như: chuyển đổi năng lượng, nền kinh tế kỹ thuật số, thương mại bán buôn và bán lẻ.

Năm 2022, dòng đầu tư FDI đổ vào khu vực ASEAN đạt mức kỷ lục 224 tỷ USD - chiếm 17% vốn FDI toàn cầu. Đặc biệt, thành tựu này càng đáng nể hơn khi đến trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang suy thoái trầm trọng, với việc dòng vốn FDI toàn cầu chứng kiến mức giảm 12% do vô vàn những thách thức như: xung đột địa chính trị, giá lương thực và năng lượng tăng...

Trong khi Singapore, Malaysia và Việt Nam là ba quốc gia có thành tích vượt trội ở lĩnh vực công nghệ, Indonesia và Thái Lan là hai quốc gia được hưởng lợi chính ở lĩnh vực xe điện; Malaysia hiện chiếm 45% thị phần toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn. Ngoài lĩnh vực sản xuất, ngành dịch vụ tài chính của ASEAN cũng có những khởi sắc nhưng vẫn tập trung chủ yếu ở Singapore.

Những năm qua, Singapore luôn dẫn đầu khu vực về khối lượng FDI thu hút được từ nhà đầu tư nước ngoài, bởi hệ thống pháp luật của quốc gia này vô cùng tiến bộ, hoàn thiện, công bằng và minh bạch. “Đảo quốc sư tử” xác định ba lĩnh vực trọng tâm thu hút vốn đầu tư, bao gồm ngành sản xuất mới, xuất khẩu và lao động.
Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) công bố số liệu cho thấy, năm 2023 nước này thu hút FDI ở mức 18,5 tỷ USD, tăng 72% so với cùng kỳ. Thái Lan đã có nhiều ưu đãi về thuế, như: miễn, giảm thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; miễn, giảm thuế thu nhập DN; miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu thiết yếu được sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu.

Công ty TNHH công nghệ điện tử Chee Yuen Việt Nam, 100% vốn Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất các loại sản phẩm nhựa và linh kiện điện tử ngành máy in, hiện đang hoạt động ở Khu công nghiệp An Dương, huyện An Dương, tỉnh Hải Phòng. Ảnh: TTXVN

 Trước đó, giải ngân vốn FDI vào Indonesia đã đạt 45,6 tỷ USD trong năm 2022, mức cao nhất trong lịch sử của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này. 
Theo dự báo của IMF,  với mức tăng trưởng GDP 6,1% trong năm 2024, Campuchia sẽ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Nước này đã tăng cường mối quan hệ hợp tác qua các hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc và Hàn Quốc. 
Mỹ là nhà đầu tư hàng đầu vào các dự án ở Đông Nam Á, kế đến là Trung Quốc, nội khối ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản… đã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực xương sống của khu vực.

Việt Nam cũng là một điểm sáng trong khu vực. “Việt Nam vẫn là thỏi nam châm thu hút FDI nhờ mức lương thấp, lực lượng lao động dồi dào, được đào tạo, dân số trẻ, vị trí địa lý gần Trung Quốc cùng sự chuyển dịch sang chuỗi giá trị kinh tế công nghệ cao”, Lawrence Yeo, CEO AsiaBIZ Strategy (Singapore), nhận định.
Đáng chú ý, các xu hướng chuyển sản xuất/chuỗi cung ứng về gần nhà hơn hoặc sang khối đồng minh sẽ càng rõ nét hơn trong năm 2024 và các năm tiếp theo khi giới đầu tư tìm sự an toàn cho các khoản đầu tư của mình.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thu hút dòng vốn FDI đối với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội, các quốc gia Đông Nam Á sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài, hướng tới việc xây dựng một môi trường kinh doanh ổn định, hệ thống pháp luật công bằng và hiệu quả, không phân biệt đối xử./.

  • Bài: Báo ảnh Việt Nam
  • Ảnh: TTXVN
  • Kỹ thuật, đồ họa: Trang Nhung

 



Top