Những điểm sáng về tôn giáo nơi vùng cao Tây Bắc

Những điểm sáng về tôn giáo nơi vùng cao Tây Bắc

Năm 2022, Việt Nam lần thứ 2 (lần đầu tiên là năm 2013) được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Việc trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có vấn đề tôn giáo cho đồng bào vùng cao.

 

Mùa Giáng sinh 2023, ngôi nhà thờ nằm trên đỉnh núi cao của giáo họ Hầu Thào (thuộc bản Hang Đá, thôn Hầu Chư, xã Hầu Thào, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) bừng vui với ngày lễ trọng của năm.

Đúng 9 giờ sáng, đội kèn đồng của nhà thờ tấu lên những khúc nhạc tưng bừng mừng Giáng sinh. Đông đảo giáo dân với trang phục dân truyền thống rực rỡ sắc màu hòa vào không khí an vui, ấm áp đón Giáng sinh như xua tan cái tiết trời lạnh giá giữa mây ngàn.

Trong thánh đường, linh mục Phêrô Phạm Thanh Bình – đức cha quản xứ Sa Pa và phụ trách giáo họ Hầu Thào – đang say sưa với bài giảng về đức tin và cách biết sống tốt đời, đẹp đạo cũng như không quên gửi tới giáo dân những lời chúc Giáng sinh an lành và ấm áp.

Nhà thờ giáo họ Hầu Thào là ngôi thánh đường khang trang, xây dựng theo kiến trúc gothic có đan xen với nhiều nét văn hóa bản địa của người Mông. Đây là nơi sinh hoạt tôn giáo của hơn 700 giáo dân người dân tộc Mông theo đạo Công giáo ở Hầu Thào.


Đón chúng tôi với nụ cười ấm áp, anh Má A Sinh, 40 tuổi, giáo dân người Mông ở bản Hang Đá chia sẻ, ngày trước đường vào bản chưa có, phải đi qua các vách đá cheo leo và lội qua những con suối mất cả ngày trời. Thời điểm đó, để tổ chức các lễ lớn, giáo dân Hầu Thào phải ra tận ngoài thị xã Sa Pa để dẫn đường đưa linh mục của giáo xứ vào làm lễ. Ngày nay, nhờ sự quan tâm của Đảng và nhà nước mà đường nhựa liên thôn đã được mở đến tận nhà thờ nên rất thuận tiện cho đời sống và sinh hoạt tôn giáo của bà con nơi đây.

Giáo dân thuộc giáo họ Hầu Thào (thuộc bản Hang Đá, thôn Hầu Chư, xã Hầu Thào, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đến nhà thờ ngày lễ. Ảnh: Tất Sơn/Báo ảnh Việt Nam

Dự xong buổi lễ sáng tại Hầu Thào, chúng tôi theo chân linh mục Phêrô Phạm Thanh Bình xuôi về thị xã Sa Pa để kịp dự buổi thánh lễ Giáng sinh vào buổi tối ở nhà thờ đá Sa Pa.

Nhà thờ đá Sa Pa tọa lạc giữa trung tâm thị trấn và được coi là biểu tượng của thị trấn mờ sương Sa Pa. Năm 1902 Hội thừa sai Pari (Pháp) đã thành lập giáo xứ Sa Pa và năm 1925 họ cho xây dựng nên ngôi nhà thờ này. Sa Pa là nơi sinh sống lâu đời của người Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Tày, Dáy… Vì thế, trong lễ đón Giáng sinh 2023 nhà thờ đá Sa Pa hiện lên với khung cảnh vui tươi nhiều màu sắc bởi những bộ trang phục tuyệt đẹp của đồng bào các dân tộc trong vùng.

Đặc biệt, đây hiện còn là nơi sinh sống và học tập của các em nhỏ người dân tộc đến từ các giáo họ trong cụm Sa Pa. Trong thời gian sinh sống và học tập tại đây, các em được các cha, các sơ dạy cho kĩ năng sống nhằm giúp các em biết kính đạo, yêu đời và có được khả năng bắt kịp với nhịp sống của thời hiện đại.

Một buổi lễ Tổ chức trang trọng trong khuôn viên của nhà thờ đá Sa Pa. Ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam

 

Linh mục Phêrô Phạm Thanh Bình trò chuyện cùng các bạn nhỏ tại nhà thờ đá Sa Pa. Ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam

Cũng như nhiều địa phương khác vùng Tây Bắc, giáo xứ Sa Pa vốn là một vùng đất nghèo, giáo dân chủ yếu sống bằng nghề làm du lịch và canh tác nông nghiệp. Vì thế chính quyền địa phương đã chủ động triển khai nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước nhằm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa, sống tốt đời đẹp đạo và cùng nhau đoàn kết, phát triển vùng đất du lịch này ngày càng phồn vinh, an vui và hạnh phúc.

 

Các tín hữu Tin Lành vận trang phục truyền thống làm lễ tại điểm nhóm Sin Suối Hồ. Ảnh: Tất Sơn/Báo ảnh Việt Nam

Bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) là nơi có 149 hộ gia đình đồng bào Mông với hơn 650 nhân khẩu, trong đó có hơn 500 người theo đạo Tin Lành. Đây là địa điểm du lịch hấp dẫn nhất của tỉnh Lai Châu. Năm 2023, tại diễn đàn Hội chợ Du lịch quốc tế ở Indonesia, điểm bản Sin Suối Hồ được vinh danh là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất ASEAN năm 2022.

Chúng tôi có mặt tại điểm nhóm Tin Lành Sin Suối Hồ đúng dịp cuối năm khi tiết trời trong xanh, mát mẻ. Các tín hữu Tin Lành người Mông trong bản vận những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất nô nức đến điểm nhóm để dự lễ mừng Giáng sinh. Trên bục giảng, bên cạnh những bài giảng về giáo lí, mục sư Hảng A Xà còn vận động bà con, tín đồ biết cách đoàn kết phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, không tin và nghe theo kẻ xấu xuyên tạc chủ trương, chính sách nhằm chống phá Đảng, Nhà nước.

 

Nói đến sự đổi thay của Sin Suối Hồ nhiều người thường nhắc đến những cụm từ như: “kì tích Sin Suối Hồ”, “phép lạ Sin Suối Hồ”, hay “chuyện lạ ở bản nghiện Sin Suối Hồ”… bởi trước đây Sin Suối Hồ là bản đói nghèo, chuyên trồng cây thuốc phiện và khoảng hơn 90% dân bản là người nghiện. Thuốc phiện đã làm cuộc sống của người dân trở lên mờ mịt, đói rách, khốn khổ, bệnh tật và nhiều tệ nạn khác.

Mục sư Hảng A Xà chia sẻ: “Gia đình tôi trước kia cũng có nhiều người nghiện thuốc phiện nhưng sau khi học giáo điều lí và được chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích về tác hại của thuốc phiện nên mọi người đã tự giác cai nghiện. Thời gian đầu việc cai nghiện rất khó khăn. Tôi phải đưa gia đình vào rừng cai nghiện trước để làm gương cho dân bản, sau thấy gia đình tôi cai nghiện thành công thì mọi người bắt đầu làm theo. Sau 10 năm nỗ lực, số người nghiện đã giảm dần, đến nay bản Sin Suối Hồ không còn người nghiện”.


Với những nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đoàn kết vươn lên phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong việc đóng góp công sức xây dựng bản Sin Suối Hồ trở thành bản du lịch cộng đồng nổi tiếng nhất ASEAN, năm 2023 mục sư Hảng A Xà vinh dự là một trong 75 gương điển hình tiên tiến toàn quốc được Thủ tướng tặng bằng khen.

Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, từ năm 2012, nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới mà những con đường vào bản Sin Suối Hồ đã được đổ bê tông, các chuồng bò, chuồng lợn, nhà vệ sinh cũng được di dời ra xa nơi ở giúp cho những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Mông trở nên gọn gàng, sạch sẽ và vệ sinh hơn trước, cùng với đó người dân còn phát triển thêm nghề trồng địa lan, đào, mận… để phát triển kinh tế nên bản làng giờ đây trông sạch đẹp, trù phú hơn xưa.

 

Đáng chú ý, nhiều người dân trong bản còn đi học tập kiến thức về làm du lịch để mở mô hình du lịch cộng đồng, phục vụ phát triển kinh tế gia đình và du lịch ở địa phương. Với những nỗ lực không ngừng, năm 2015, UBND tỉnh Lai Châu đã công nhận bản Sin Suối Hồ là bản du lịch cộng đồng. Kể từ đây dân bản Sin Suối Hồ có thêm cơ sở và động lực để theo đuổi nghề làm du lịch và trồng địa lan để phát triển kinh tế, nhờ đó tính sơ qua mỗi năm tất cả các hộ làm mô hình này cũng thu về hàng tỉ đồng.

Đến nay, bản Sin Suối Hồ có có hơn 10 hộ làm du lịch theo hình thức nghỉ dưỡng homestay. Nhiều hộ gia đình đã tự đầu tư xây mới hoặc nâng cấp nhà nghỉ để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của du khách. Đặc biệt, người dân còn thực hiện mô hình "6 không" đó là: không hút thuốc phiện, không hút thuốc lào hay thuốc lá, không đàn đúm rượu chè, không cờ bạc, không xả rác và không phá hoại thiên nhiên.

Chợ phiên Sin Suối Hồ được mở vào thứ 7 hàng tuần để người quanh vùng giao thương hàng hóa. Ảnh: Tất Sơn/Bảo ảnh Việt Nam

Bản Sin Suối Hồ nói chung và điểm nhóm Tin Lành Sin Suối Hồ nói riêng trong thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Điến hình như việc Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo tỉnh và chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện hướng dẫn người dân làm các thủ tục đăng kí sinh hoạt tôn giáo. Và vào những dịp lễ trọng của giáo dân, chính quyền các cấp luôn tới chúc mừng, khích lệ và động viên các tín hữu trong điểm nhóm./.

  • Bài: Tất Sơn  
  • Ảnh: Tất Sơn, Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
  • Kỹ thuật, đồ họa: Trang Nhung

 



Top