Nghệ thuật

"Những mảnh lụa bay" tạo bước đột phá trong tranh lụa truyền thống

Nhóm sinh viên chuyên ngành tranh lụa đầu tiên của Đại học Mỹ thuật Việt Nam cùng hội tụ trong một triển lãm mang tên "Những mảnh lụa bay". Đây là món quà của người thầy tâm huyết dành cho học trò một phương pháp đào tạo mới giúp các em tạo nên nhiều tác phẩm thấm đẫm hơi thở cuộc sống về những vấn đề nóng của xã hội.
Giảng viên Nguyễn Thế Sơn là người trực tiếp hướng dẫn nhóm sinh viên tranh lụa, anh say mê kể cho tôi nghe về ý tưởng của "Những mảnh lụa bay" được anh ấp ủ từ lâu, anh muốn tạo ra bước đột phá mới trong cách đào tạo sinh viên ngành Lụa khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Vốn là một giảng viên đã chu du học tập tại nhiều quốc gia lớn như Trung Quốc, Mỹ hay các nước châu Âu. Với 20 năm kinh nghiệm, anh Sơn đã đưa ra một giáo án đào tạo ngành tranh lụa một cách chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp sinh viên không chỉ là vẽ tranh mà còn có thể nghiên cứu, thâm nhập thực tế các làng lụa của Việt Nam để có vốn sống văn hóa cũng như kỹ năng thuyết trình, tạo nên những tác phẩm tranh lụa vừa nắm bắt xu thế của hội họa đương đại vừa là bản tổng hòa của hai trường phái vẽ tranh là đồ vật và chân dung con người một cách sống động.

20 tác phẩm trưng bày là thành quả sau hơn một năm nhóm sinh viên tranh lụa được học tập, rèn luyện, trải nghiệm thực tế và cùng nhau làm việc nhóm để khẳng định khả năng làm chủ chất liệu của những nghệ sĩ trẻ, những người sẽ tiếp bước lớp đàn anh làm giàu thêm các tác phẩm tranh lụa được công chúng yêu thích.


Giảng viên, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn hướng dẫn nhóm sinh viên thực hiện dự án “Những mảnh lụa bay”. Ảnh: Tư liệu


Nhóm sinh viên K60 chuyên ngành Lụa khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam chọn chất liệu tranh lụa truyền thống để thực hành nghề.


Sinh viên chuyên ngành Lụa khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đi thực tế tại một xưởng lụa truyền thống. Ảnh: Tư liệu


Sinh viên Ngô Nhật Thanh là một trong các sinh viên có tác phẩm trưng bày tại Triển lãm lần này.


Nhóm sinh viên K60 chuyên ngành Lụa khoa Hội họa đang thực hành vẽ tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Tư liệu


Phần lớn những sáng tác của các sinh viên đi sâu khai thác vào những vấn đề trăn trở của mỗi cá nhân và trau dồi kỹ thuật vẽ tranh lụa.


Một góc trưng bày các tác phẩm ấn tượng trong lần mở xưởng đầu tiên của sinh viên K60 chuyên ngành Lụa.

Trần Két, Ngô Nhật Thanh, Nguyễn Cẩm Nhung, Hoàng Việt Hương, Rin Vương, Trịnh Hoài Thu và Kim Thị Hải Linh là những sinh viên có tác phẩm trưng bày được thầy giáo Nguyễn Thế Sơn tuyển chọn trong 40 bạn tham gia học chương trình chuyên ngành lụa đầu tiên của trường Đại học Mỹ thuật. Các em đã có cách tiếp cận và tư duy hoàn toàn mới để nghiên cứu, thuyết trình trước thầy giáo tại sao lại vẽ chủ đề này. Cách học hiện đại của phương Tây đã được giảng viên Nguyễn Thế Sơn áp dụng và thể hiện trên chất liệu tranh lụa truyền thống của Việt Nam. Thể loại vẽ chân dung và đồ vật được triển khai sinh động không theo tư duy cũ đã tạo ra sự khác biệt cho tác phẩm mà công chúng xem tranh ít ai nghĩ rằng đó chỉ là bài tập của sinh viên.

Từ ý tưởng của thầy đến sự sáng tạo của trò đã làm nên thành công cho triển lãm. Những mảnh lụa không gò bó tĩnh lặng mà bắt đầu bay bổng trên bầu trời nghệ thuật. Với những cá tính khác nhau, mỗi sinh viên đi sâu khai thác vào những vấn đề trăn trở của xã hội như chủ đề môi trường, các quan hệ xã hội...Thay vì những chân dung thiếu nữ kiêu sa, đài các được miêu tả trên thớ lụa óng ả hay các miêu tả các đồ vật tĩnh lặng, những họa sĩ trẻ đã khai thác đề tài mang tính xã hội và họ đang chứng tỏ, lụa không bó buộc người họa sĩ trong những đề tài mang tính khuôn mẫu mà có thể tự do bộc lộ quan điểm và cảm xúc cá nhân.

Một số các tác phẩm ấn tượng tại Triển lãm "Những mảnh lụa bay":
















Ngành tranh lụa tại Đại học Mỹ thuật vốn kén sinh viên. Để có thể đào tạo được những tân họa sĩ ngành này sống được với nghề và tự tin khẳng định nghệ thuật của cá nhân là khỗng dễ dàng, đòi hỏi một giáo trình đào tạo hiện đại và thực tiễn hơn. Các tác phẩm trong triển lãm "Những mảnh lụa bay" được nhiều người nước ngoài yêu thích và công chúng Việt Nam đặt mua đã góp phần động viên, nuôi dưỡng tình yêu với nghề, với tranh lụa truyền thống của thế hệ hoạ sỹ tương lai giúp họ tự tin tạo lập một lối đi độc đáo trong hành trình sáng tạo hết sức khắc nghiệt nhưng cũng đầy sự đam mê của nghệ thuật.

Người xem rất thú vị khi chiêm ngưỡng những tác phẩm này trong một phòng tranh lụa sinh động và đa sắc màu. Lụa vẫn giữ được dáng vẻ mỏng manh nhưng quyết liệt, mạnh mẽ trong bút pháp. Lụa không đứng một mình mà kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác tạo nên sức sống của từng câu chuyện đưa vào tác phẩm.

Em Trần Két một sinh viên trong nhóm của "Những mảnh lụa bay" cho biết, em đã được học một phương pháp đào tạo mới của thầy Sơn và rất thú vị khi có cơ hội thể hiện cảm xúc và tư duy nghệ thuật trong tác phẩm. Cùng với các thành viên trong nhóm em hi vọng sau lần "mở xưởng"  lụa này, các em sẽ có một hành trang kiến thức tự tin để tốt nghiệp và trở thành những tân họa sĩ gìn giữ phát huy giá trị văn hóa bản sắc tranh lụa Việt.

 
Bài: Bích Vân   Ảnh: Việt Cường


Top