Đời sống Việt

Ngân hàng mô và bước tiến mới của ngành y tế Việt Nam

Cuối năm 2018, Việt Nam thành lập Ngân hàng mô đầu tiên theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là dấu hiệu cho thấy, nền y học Việt Nam đã bắt đầu có những bước tiến để bắt nhịp với kỷ nguyên mới của y học thế giới. Đó là kỷ nguyên của y học tái tạo và tái sinh, nơi con người có thể chủ động hoàn toàn trong việc điều trị cho người bệnh.
Chân trời mới của y học Việt Nam
 
Ngày 16/10/2018, Ngân hàng mô đầu tiên của Việt Nam đã được khai trương tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Sự kiện này đã được Thông tấn xã Việt Nam và nhiều cơ quan báo chí trong nước bình chọn là 1 trong 10 sự kiện nổi bật nhất của Việt Nam trong năm 2018.

Việc ra đời Ngân hàng mô được đánh giá là có ý nghĩa lịch sử với ngành y tế Việt Nam và quan trọng hơn, như lời phát biểu của GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: “Mục tiêu cuối cùng của tiến bộ y học đó là trả lại được ngày càng nhiều chức năng cho cơ thể và cơ hội cứu sống con người sẽ ngày càng nhiều hơn”.

Theo đó, thế giới hiện nay đã và đang bước vào kỷ nguyên của y học tái tạo và tái sinh với hơn 300 ngân hàng mô được thành lập ở 46 quốc gia. “Với việc ra đời ngân hàng mô đầu tiên này, một chân trời mới rộng lớn sẽ được mở ra cho ngành y học Việt Nam”, GS Giang nói về ý nghĩa việc thành lập Ngân hàng mô đầu tiên của Việt Nam.



GS.TS.Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh Viện Việt Đức cho rằng
việc thành lập Ngân hàng mô sẽ mở ra một chân trời mới cho y học Việt Nam.


Người nhà của bệnh nhân được các bác sỹ của Ngân hàng mô tư vấn về lợi ích và quy trình của việc lưu trữ mô tại ngân hàng.


Các mẫu mô được lưu trữ tại ngân hàng đều theo một quy trình chuẩn quốc tế, đảm bảo thông tin chuẩn xác và nghiêm ngặt.

Cũng theo GS Trần Bình Giang, Bệnh Viện Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa hạng siêu đặc biệt tuyến cuối cùng của ngành ngoại khoa khu vực miền Bắc. Bởi mỗi năm, trung bình, bệnh viện thực hiện từ 67–68.000 ca phẫu thuật.

Do đó, nguồn cung mô, tạng tại Bệnh viện đến từ những trường hợp người cho chết não, những phần chi thể cắt cụt của người hiến tặng không hề ít. Đồng thời, tại Bệnh viện, mỗi năm cũng có đến hàng nghìn ca bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng, ghép van tim, mạch máu, gân... Tuy nhiên, do từ trước không có ngân hàng bảo quản, nên nguồn nguyên liệu không có sẵn và chủ yếu nhập từ nước ngoài nên chi phí rất đắt đỏ.

Chính vì vậy, ngân hàng mô ra đời đã tận dụng được những lợi thế ưu việt của bệnh viện, mà theo chia sẻ của GS Giang “Đây là một trong những lợi thế mà ít bệnh viện nào trên thế giới có được”.

GS Giang lấy ví dụ về những trường hợp bệnh nhân phải thực hiện các ca ghép mảnh xương sọ não. Nhóm tuổi bệnh nhân cần mở hộp sọ giải áp chủ yếu ở nhóm tuổi từ 35- 60 tuổi (45,3%) và nhóm tuổi 18-35 tuổi (32,7%). Phần lớn các bệnh nhân nhập viện với chấn thương sọ não là do tai nạn lao động, tai nạn giao. Đặc biệt, đây lại là nhóm người trong độ tuổi lao động, là nguồn thu nhập chính của gia đình. Bởi vậy, theo GS Giang nhu cầu của việc lưu trữ, bảo quản mô tạng để thực hiện các ca ghép cho người bệnh là vô cùng cấp bách, có ý nghĩa vô cùng lớn với một đất nước có gần 100 triệu dân, lại đang trong quá trình đô thị hóa như hiện nay.

Cũng theo GS Giang, ngân hàng mô, ngoài việc bảo quản mô, thực hiện công nghệ mô ghép, còn có thể bảo quản tế bào gốc từ cuống rốn, là cơ sở cho việc hình thành ngành sản xuất tế bào gốc trong tương lai. 

GS Giang cho biết, trên thế giới công nghệ này đã trở thành một nền công nghiệp y học rất phát triển, tạo ra một tương lai mới về việc chủ động hoàn toàn trong điều trị cho người bệnh với hiệu quả điều trị cao nhất. Chính vì vậy, Ngân hàng mô ra đời với kỳ vọng y học Việt Nam đã sẵn sàng gia nhập kỷ nguyên mới của y học thế giới.

Thắp lên những hy vọng mới

Mục sở thị Ngân hàng mô, chúng tôi được tận mắt chứng kiến bác sỹ Trần Đình Nguyên đang thực hiện các công đoạn tách lọc gân, cơ và máu tụ trong các mảnh xương sọ của một bệnh nhân bị tai nạn giao thông, trước khi mẫu xương này được đưa vào bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ - 80.

Bác sỹ Nguyên cho biết, trước đây khi chưa có kỹ thuật bảo quản lạnh, các mảnh xương này thường phải vùi dưới da bụng của bệnh nhân. Lý do, mô xương sọ lấy ra trong các phẫu thuật giải áp không thể lắp lại ngay được mà phải chờ đợi một thời gian cho đến khi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cho phép, mảnh xương sẽ lắp lại cho chính bệnh nhân nhằm khắc phục tình trạng khuyết sọ.

Tuy nhiên kỹ thuật này mang đến nhiều bất lợi cho cả bệnh nhân và bác sỹ vì phải thực hiện thêm hai ca mổ phụ. Mặt khác, mảnh xương nằm dưới da bụng có thể làm cho bệnh nhân khó chịu, vết mổ có thể nhiễm trùng, bản thân mảnh xương có thể bị ăn mòn.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều những tiện ích cho người bệnh khi mô của họ được bảo quản trong ngân hàng mô. Cũng theo bác sỹ Nguyên, hãy hình dung cơ thể con người như một cỗ máy có cơ chế hoạt động rất nhịp nhàng. Khi cỗ máy đó bị trục trặc, thì sẽ có hai cách để xử lý.

Một là chúng ta tiến hành sửa chữa bộ phận đó. Hai là chúng ta tiến hành thay thế bộ phận mới nếu nó hỏng quá nặng mà không thể sửa được. Đó là trường hợp thường gặp ở những người bị mất một hay một vài bộ phận nào đó do tai nạn.



Máy hạ nhiệt độ theo chương trình, một loại máy liên quan đến bảo quản mô sống,
giúp giữ nước trong các mẫu mô không đóng băng bằng việc hạ dần nhiệt độ theo một chu trình đặc biệt.


Các mẫu mô được bác sỹ xử lý trước khi bảo quản.


Sau đó các mẫu mô được đóng gói và dán nhãn cẩn thận trước khi được đem đi bảo quản.


Hỗn hợp dung dịch được sử dụng để bảo quản mô.


Ngân hàng mô đều được trang bị các thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn của một ngân hàng mô quốc tế.


Các mẫu mô sống của bệnh nhân được bảo quản trong tủ lạnh có nhiệt độ - 80 độ c.


Các thông số trên tủ bảo quản mô sống luôn được kiểm tra và ghi chép chi tiết.


Các mẫu mô được các bác sỹ xử lý trước khi đưa vào bảo quản.

Với các bệnh nhân bị tai nạn phải cắt cụt chi, hay với các bệnh nhân bị ung thư xương cột sống, chân tay,… Nếu không có mảnh xương ghép thay thế thì người đó sẽ bị tàn tật suốt đời. “Đó sẽ không chỉ là bất hạnh với chính bản thân người đó, mà còn trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”, bác sỹ Nguyên cho biết. 

Nhưng nếu có Ngân hàng mô, các bộ phận của cơ thể người hiến tặng sẽ được lưu trữ. Và các bộ phận này sẽ được ghép lại cho người bệnh, giúp họ lại có được thân thể khỏe mạnh như một người bình thường.

Chính vì vậy, bác sỹ Nguyên cho biết, luật hiến mô tạng của nước Anh rất đặc biệt. Ngay khi một đứa trẻ được sinh ra thì hồ sơ của đứa trẻ đó đã được đăng ký mặc định là hiến mô tạng. Trừ khi gia đình có đơn đề nghị không hiến.

Luật hiến mô tạng này của nước Anh được ra đời dựa trên nguyên tắc sinh tồn, trách nhiệm với đồng loại trong việc duy trì nòi giống. Với họ, đây là trách nhiệm chung của mỗi công dân khi được sinh ra.

Cũng theo bác sỹ Nguyên, đó là nhìn về mặt tổng thể trách nhiệm chung, còn nhìn gần hơn thì việc hiến mô tạng đơn giản là hành động cứu sống chính mình và chính người thân xung quang của mình.

Theo những tính toán xác xuất thống kê, tỷ lệ người hiến mô tạng càng nhiều thì xác suất bản thân mình và những người thân của mình đang mắc bệnh sẽ được cứu sống càng cao. Do tỷ lệ phù hợp mô tạng sẽ tăng lên nếu có nhiều nguồn hiến.

“Biết đâu chính anh chị em mình lại đang cần nguồn mô đó của mình hay một người hiến khác. Và vì thế cơ hội cứu sống chính những người thân của mình là rất cao nếu càng nhiều người tình nguyện hiến mô tạng hoặc lưu trữ mô tạng của mình tại Ngân hàng mô”, bác sỹ Nguyên chia sẻ về chu trình tuần hoàn của sự sống trong vấn đề hiến mô tạng.

Ngân hàng mô đầu tiên của Việt Nam được kỳ vọng sẽ là một trung tâm nghiên cứu, đào tạo thực hành hàng đầu về bảo quản mô, công nghệ mô ghép và tế bào gốc. Đồng thời, Ngân hàng mô tại bệnh viện Việt Đức sẽ là viên gạch nền tảng quan trọng cho việc chuyển giao công nghệ với các ngân hàng mô khác sẽ được thành lập trong tương lai, góp phần giúp nền y học Việt Nam tiến nhanh và gần hơn với kỷ nguyên mới của y học thế giới./.


Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường

Nghề dệt của người Lự ở Bản Hon

Nghề dệt của người Lự ở Bản Hon

Từ bao đời nay, người Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu coi nghề dệt thổ cẩm truyền thống là thước đo đánh giá sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ. Vì thế khung cửi dệt thổ cẩm truyền thống là vật dụng quan trọng không thể thiếu trong gia đình người Lự.

Top