Tin tức

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, làm việc tại Học viện Quân y


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, động viên người tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng Vaccine Nanocovax tại Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân y. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Chiều 10/6, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tới thăm, làm việc tại Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng.

Tham dự có: Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trưởng Lê Quang Huy; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Trung tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị… cùng tham dự.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Học viện Quân y là học viện hàng đầu về y tế không chỉ trong Quân đội mà còn cả nước. Trong 72 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện đã đạt nhiều thành tích xuất sắc. Học viện Quân y vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất và là đơn vị ba lần được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Các đơn vị trực thuộc Học viện cũng đạt được nhiều thành tích xuất sắc.

Thời gian qua, ngoài việc đào tạo, Học viện còn khám chữa bệnh cho nhân dân, trong Quân đội. Từ năm 2020 đến nay, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, cùng với các lực lượng tuyến đầu, Học viện còn trực tiếp nghiên cứu sản phẩm, thiết bị y tế xét nghiệm, cử cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế đi hỗ trợ các địa bàn trọng điểm.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chúng ta đang phải đối mặt với an ninh phi truyền thống, không chỉ đối với dịch COVID-19 mà trong tương lai còn những bệnh dịch truyền nhiễm khác. Các nước hiện nay xây dựng các trung tâm hàng đầu nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác. Lực lượng quân đội mà Học viện Quân y là nòng cốt cùng với Dân y cần xác định những định hướng trước mắt và lâu dài trong công tác này.

Học viện Quân y đang phối hợp với các tổ chức, đơn vị bên trong và ngoài Quân đội nghiên cứu thử nghiệm, sản xuất vaccine để có thể đáp ứng các yêu cầu trong phòng dịch COVID-19. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác này. Bên cạnh việc tiếp cận nguồn vaccine phòng COVID-19 đang khan hiến hiện nay, ở trong nước cũng cần chủ động, tự lực trong nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng COVID-19. Nếu không sớm đạt miễn dịch cộng đồng bằng tiêm chủng vaccine sẽ rất khó kiểm soát hoàn toàn dịch COVID-19 trên phạm vi trong nước, cũng như trên thế giới.

Đánh giá Học viện Quân y tích cực hoạt động đối ngoại Quốc phòng, hợp tác quốc tế, trong đó có tham gia bệnh viện dã chiến số 2 ở Nam Sudan..., Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Học viện là đơn vị tiêu biểu của Quân đội đi tiên phong, rất chủ động, tích cực tham gia theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, được sự tin tưởng giao nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế.

Ngay khi dịch bệnh mới xảy ra, Học viện đã bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo thành công “Bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro phát hiện RNA của virus corona (SARS-CoV-2)” và được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Sản phẩm này đã được sử dụng rộng rãi trong cả nước, hiện đã xuất khẩu; đã nghiên cứu thành công bộ kít xét nghiệm mới “Amphabio HT Hithoughput PCR COVID-19” và được Bộ Y tế cấp phép lưu hành (ngày 7/5/2021). Bộ kít có khả năng xét nghiệm nhanh, số lượng lớn mẫu cùng lúc và đang được triển khai tại CDC Bắc Giang...

Học viện cũng là đơn vị được Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tín nhiệm giao thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax, đã triển khai giai đoạn 1, 2, đang sang giai đoạn 3.

Chủ tịch Quốc hội nhất trí với định hướng phát triển giai đoạn 2021-2025 của Học viện, trong đó xây dựng Học viện thành trường Đại học định hướng nghiên cứu trong tốp đầu khối ngành sức khỏe của quốc gia, có uy tín trong khu vực; tập trung phát triển các kỹ thuật mũi nhọn đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bộ đội, nhân dân và các tình huống y học khẩn cấp, thảm họa… Theo hướng này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Học viện nghiên cứu có tầm nhìn xa hơn, đến năm 2030, năm 2045, có quy hoạch phát triển Học viện hơn nữa. Cùng với đó, Học viện cần đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng đào tạo ở các bậc học nhằm nâng cao năng lực của học viên khi ra trường, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, theo phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.

Học viện cần tiếp tục nâng cao công tác quản lý và nâng cao chất lượng điều trị; phát triển sản xuất các loại sinh phẩm, phát hiện các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và tối nguy hiểm, góp phần bảo vệ sức khỏe bộ đội, nhân dân, giữ vững an ninh, quốc phòng để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong giai đoạn hiện nay cần tiếp tục áp dụng 5K cộng thêm công nghệ, tức là ứng dụng công nghệ nhiều hơn.

"Vaccine phòng COVID-19 hiện nay là vấn đề chiến lược, quyết định. Ngay từ tháng 2/2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành kết luận về chủ trương phòng, chống dịch COVID-19, trong đó nêu quyết tâm huy động tối đa các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các nguồn lực hợp pháp khác để tiếp cận sớm nguồn vaccine phòng COVID-19 để tiêm miễn phí, bao phủ trên toàn dân", Chủ tịch Quốc hội nói, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine ở trong nước, sau này tiến tới có thể xuất khẩu…

Chia sẻ về nguồn lực kinh phí cho hoạt động này, Chủ tịch Quốc hội cho biết: "Trong giai đoạn hiện nay đôi khi có kinh phí cũng không thể mua được vaccine phòng COVID-19 do khan hiếm trên thế giới. Do đó, trước mắt và lâu dài tự túc được nguồn vaccine phòng COVID-19 là hết sức quan trọng". Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Học viện Quân y phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đơn vị để khẩn trương đẩy nhanh thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine Nanocovax; phấn đấu có kết quả sớm để có vaccine phòng dịch cho cộng đồng.

Trên thế giới hiện có 287 tổ chức nghiên cứu vacccine phòng COVID-19, trong đó đã có một số sản phẩm vaccine có tác dụng với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Bên cạnh đó cũng đã xuất hiện những kịch bản độc quyền sản xuất, áp đặt giá cả, số lượng nhưng cũng là xuất hiện công nghệ chuyển giao theo hướng chia sẻ. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Học viện Quân y phải đẩy nhanh nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng bảo đảm vaccine có chất lượng cao, sản xuất hàng loạt, giá rẻ để cạnh tranh với các sản phẩm khác, nếu không Việt Nam sẽ mất cơ hội.

Theo đánh giá sơ bộ vaccine Nanacovax qua thử nghiệm đều sinh kháng thể, Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong nghiên cứu, sản xuất vaccine đại trà cần giảm thiểu tối đa tác dụng phụ, đặc biệt là đối với người có bệnh nền và thể trạng yếu, vaccine có tác dụng với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Chủ tịch Quốc hội gợi ý nên có một chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine phòng bệnh truyền nhiễm ở người; đồng thời ủng hộ Đề án xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển vaccine phòng bệnh truyền nhiễm ở người. Bộ Quốc phòng phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Bộ: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ… ưu tiên bố trí kinh phí, cơ chế, thể chế chính sách ưu đãi, đầu tư nguồn lực đối với các đơn vị trong nước đăng ký nghiên cứu sản xuất vaccine.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc tránh chồng chéo hoạt động này với các trung tâm khác; đồng thời nêu yêu cầu trước mắt, Học viện đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax phòng COVID-19 giai đoạn 3.

Được biết, giai đoạn 3 (bắt đầu từ 6/2021) sẽ được tiến hành đa trung tâm, trên 13.000 người tình nguyện đủ 18 tuổi trở lên, có sử dụng vaccine Nanocovax với liều 25 µg và giả dược. Các điểm nghiên cứu gồm: Phía Bắc do Học viện Quân y làm đầu mối triển khai tại Bệnh viện Quân y 103, phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên triển khai tại địa phương; phía Nam do Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh làm đầu mối triển khai, phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Long An và Tiền Giang triển khai tại địa phương. Học viện đã tiến hành phân chia các tổ, tổ chức tập huấn công tác thu thập thông tin người tình nguyện, bố trí khám tuyển, phân luồng đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch. Bắt đầu tổ chức khám sàng lọc và thu tuyển người tình nguyện từ ngày 6/6/2021.

Trước đó, chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác đã tham quan phòng thí nghiệm nghiên cứu, sản xuất vaccine Nanocovax tại tòa nhà Trung tâm nghiên cứu y dược học quân sự, thuộc Học viện Quân y. Chủ tịch Quốc hội ân cần thăm hỏi, động viên lực lượng trực tiếp tham gia nghiên cứu, sản xuất và người tình nguyện thử nghiệm vaccine Nanocovax phòng COVID-19./.

TTXVN/VNP


Top