Du lịch

Lên thiên đường mây Tà Xùa

Tà Xùa (Bắc Yên – Sơn La) hấp dẫn du khách đến trải nghiệm với vẻ đẹp độc đáo mà thiên nhiên ban tặng vùng đất này là: Thiên đường mây, cây chè shan tuyết hàng trăm năm tuổi và văn hóa nguyên sơ của người Mông bản địa.

Tà Xùa cách thị trấn Bắc Yên chưa đầy 15km, nhưng phải vượt lên nhiều con dốc cao và những cua tay áo khá nguy hiểm, tỉnh lộ 112 cứ thế bám vào triền núi quanh co vượt lên đỉnh Tà Xùa. Nằm ở độ cao trên 1.500m so với mặt nước biển, Tà Xùa có núi non hùng vĩ, nơi đây còn nức tiếng với cảnh sắc của thiên đường mây tuyệt đẹp trong ánh nắng ban mai của mùa đông.

Từ tháng 10 đến tháng 4 hàng năm, hầu như ngày nào cũng có mây kéo về đỉnh Tà Xùa. Ảnh: Tất Sơn/VNP

Du khách check-in dòng sông mây tại một quán cà phê ở Tà Xùa. Ảnh Thanh Giang
Mây trắng bay trên nóc nhà truyền thống của người Mông được lợp bởi những tấm gỗ Pơ Mu. Ảnh: Nguyễn Thắng

Hàng năm, thời điểm từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau là thời gian Tà Xùa có nhiều mây, tuy nhiên, không phải ngày nào cũng có thể bắt gặp được cảnh mây trắng bồng bềnh ở dưới thung lũng. Theo chia sẻ của đồng bào Mông ở đây, để gặp được “mây” phải lựa những hôm trời có gió mùa về hay những ngày có mưa nhẹ vào đêm hôm trước, sáng sớm hôm sau khi trời hửng nắng là mây sẽ kéo về phủ kín thung lũng.

Trước đây, vài lần đến Tà Xùa với mục tiêu “săn mây”, nhưng chưa lần nào chúng tôi được ngắm những áng mây bồng bềnh. Trong chuyến đi gần đây, thật may mắn “Thiên đường mây” hiển hiện trước mắt. Những áng mây trắng muốt bồng bềnh, lững lờ trôi trên những ngọn đồi, tràn xuống quanh đường đèo, những ngọn núi lúc ẩn, lúc hiện sau những biển mây.

Người phụ nữ Mông hái chè Shan tuyết tại vườn chè cổ thụ hơn 200 năm tuổi ở Tà Xùa. Ảnh Hoàng Hà

Cùng với thiên đường mây, nằm sâu trên đỉnh Tà Xùa là những cây chè shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi gắn liền với lịch sử, văn hóa và nếp sống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Rừng chè phát triển tự nhiên, không có bất cứ sự tác động nào của người dân. Thân cây bám đầy rêu phong, vài ba người có thể cùng trèo lên hái chè một lúc, vì vậy du khách đến chiêm ngưỡng những cây chè cổ thụ có thể trải nghiệm hái chè cùng người dân địa phương.

Mùa Thị Tồng ( bên phải) đảo chè để đưa vào dây chuyền sao khô.Ảnh Thông Thiện

Chè shan tuyết Tà Xùa có búp màu trắng, lá to. Người dân nơi đây thường sao chè bằng phương pháp thủ công, vì cho rằng việc sao chè bằng tay sẽ cảm nhận được độ mềm của từng búp chè non và uống sẽ thơm ngon hơn. Chè Tà Xùa có màu vàng sánh như mật ong, khi uống, cảm nhận đầu tiên là vị chát, sau đó chuyển sang ngọt, hương vị chè thơm đặc biệt so với các sản phẩm chè khác. Hiện nay, tại Tà Xùa, Công ty TNHH trà và đặc sản Tây Bắc đã đầu tư dây chuyền chế biến chè đồng bộ, khép kín, áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại kết hợp với kinh nghiệm lâu năm của người Mông bản địa. Nhờ vậy, sản phẩm chè shan tuyết luôn giữ được hương vị tự nhiên rất đặc trưng.

Một góc trung tâm xã Tà Xùa. Ảnh: Trịnh Bộ/VNP
Trung tâm xã Tà Xùa hôm nay như một “Sa Pa” thu nhỏ, người dân bản địa bắt đầu mở các dịch vụ để phục vụ du khách. Ngay tại trung tâm xã, các gia đình bày bán các mặt hàng tạp hóa, đồ lưu niệm cùng một số hàng quán dịch vụ ăn uống phục vụ du khách... Điều đó cho thấy, người dân Tà Xùa bước đầu phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ du lịch.

Ngoài “Thiên đường mây” Tà Xùa, một trong những điểm ngắm mây tuyệt đẹp khác được nhiều người biết đến đó là “Sống lưng khủng long” tại xã Háng Đồng. Cách Tà Xùa 13 km và nằm ở độ cao gần 1.800 m so với mực nước biển, “Sống lưng khủng long” có hình dáng khá đặc biệt, giống như hình của một con khủng long đang nằm ngủ, địa hình hiểm trở, thu hút nhiều người ưa thích du lịch khám phá tới chinh phục. Đây cũng là một trong những điểm ngắm mây tuyệt đẹp của vùng cao Bắc Yên. Còn với những ngày không có mây đứng trên đỉnh núi của “Sống lưng khủng long” ngắm núi non trùng điệp, với những thửa ruộng bậc thang đẹp nên thơ, cánh rừng dẻ, pơ mu, rừng sơn tra xanh ngát...

Du khách đi bộ trải nghiệm trên địa danh Sống lưng khủng long. Ảnh: Tất Sơn
Khu vực Sống lưng khủng long là nơi sinh sống của nhiều thế hệ người Mông. Ảnh Thông Thiện

Đối với những người yêu mến Tà Xùa, Mỏm Cá Heo là một trong những địa điểm không thể bỏ qua. Mỏm đá này được tạo bởi hai phến lớn tựa như hai con cá heo đang bơi lượn giữa “biển” mây. Khách du lịch đều tỏ ra thích thú khi được check-in, sống ảo tại Mỏm Cá Heo.

Đoàn khách tham quan tại mỏm Cá heo. Ảnh Công Đạt

“Thiên đường mây Tà Xùa” đã được huyện Bắc Yên quan tâm đầu tư và hoàn thành quy hoạch phát triển du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, gắn với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, là cầu nối quan trọng trong tuyến du lịch liên hoàn kết nối các điểm du lịch trong tỉnh và thông tuyến sang Trạm Tấu, Yên Bái./.

Bài: Phong Thu Ảnh: Nguyễn Thắng, Hoàng Hà, Tất Sơn, Trịnh Bộ, Thanh Giang, Công Đạt

Chùa Mét - ngôi cổ tự trên đất học Cổ Am

Chùa Mét - ngôi cổ tự trên "đất học" Cổ Am

Toạ lạc trên địa bàn xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, Chùa Mét được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI bởi tướng quân Trần Khắc Trang. Ngôi chùa này từng là nơi tu hành của nhiều nhà sư nổi tiếng (trong đó có Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) nên được coi là một trường học Phật giáo, một trung tâm văn hóa của vùng Cổ Am.

Top