Du khách check-in dòng sông mây tại một quán cà phê ở Tà Xùa. Ảnh Thanh Giang
Mây trắng bay trên nóc nhà truyền thống của người Mông được lợp bởi những tấm gỗ Pơ Mu. Ảnh: Nguyễn Thắng
Hàng năm, thời điểm từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau là thời gian Tà Xùa có nhiều mây, tuy nhiên, không phải ngày nào cũng có thể bắt gặp được cảnh mây trắng bồng bềnh ở dưới thung lũng. Theo chia sẻ của đồng bào Mông ở đây, để gặp được “mây” phải lựa những hôm trời có gió mùa về hay những ngày có mưa nhẹ vào đêm hôm trước, sáng sớm hôm sau khi trời hửng nắng là mây sẽ kéo về phủ kín thung lũng.
Trước đây, vài lần đến Tà Xùa với mục tiêu “săn mây”, nhưng chưa lần nào chúng tôi được ngắm những áng mây bồng bềnh. Trong chuyến đi gần đây, thật may mắn “Thiên đường mây” hiển hiện trước mắt. Những áng mây trắng muốt bồng bềnh, lững lờ trôi trên những ngọn đồi, tràn xuống quanh đường đèo, những ngọn núi lúc ẩn, lúc hiện sau những biển mây.
Người phụ nữ Mông hái chè Shan tuyết tại vườn chè cổ thụ hơn 200 năm tuổi ở Tà Xùa. Ảnh Hoàng Hà
Cùng với thiên đường mây, nằm sâu trên đỉnh Tà Xùa là những cây chè shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi gắn liền với lịch sử, văn hóa và nếp sống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Rừng chè phát triển tự nhiên, không có bất cứ sự tác động nào của người dân. Thân cây bám đầy rêu phong, vài ba người có thể cùng trèo lên hái chè một lúc, vì vậy du khách đến chiêm ngưỡng những cây chè cổ thụ có thể trải nghiệm hái chè cùng người dân địa phương.