Văn hóa

Tomizawa Mamoru và niềm đam mê gốm Việt

Đến từ xứ sở hoa anh đào Nhật Bản nhưng ông Tomizawa Mamoru lại mang đến Việt Nam một niềm đam mê về gốm Việt. Như một cơ duyên, ông còn mở lớp dạy làm gốm ngay ở Tp. Hồ Chí Minh để giới thiệu một nét văn hóa độc đáo của người Việt đến bạn bè quốc tế.
Cách đây tròn 20 năm, vào năm 1995, sau một trận động đất, Tomizawa Mamoru đã quyết định rời khỏi quê nhà để tham gia tổ chức phi chính phủ về giáo dục và du lịch của Nhật Bản, làm việc tại các nước Châu Á. Khi dừng lại Việt Nam, Tomizawa Mamoru đã cảm nhận được sự phong phú, đa dạng về văn hóa giữa các vùng miền. Đặc biệt là với gốm Bát Tràng. Ông bị hút hồn bởi vẻ đẹp của loại gốm này và đôi tay tài hoa của các nghệ nhân. Vì thế có thể coi đây là bước ngoặt của Tomizawa Mamoru khi ông bắt đầu theo đuổi niềm đam mê về gốm Việt.

Qua con đường đường học hỏi từ các nghệ nhân và sách vở, Tomizawa Mamoru bỗng nảy ra ý nghĩ, tại sao không chia sẻ những điều mình học được cho người khác. Và đó là lý do để Overland Club ra đời ở phường Đa Kao, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh vào năm 2001 với mục đích truyền lửa đam mê gốm Việt cho các thành viên tham gia câu lạc bộ, bất kể đó là người Âu, người Mỹ hay người Châu Á. Và Tomizawa Mamoru cũng chính thức gắn bó với Việt Nam từ đó.



 Ông Tomizawa Mamoru. Ảnh: Thông Hải


Dưới đôi bàn tay khéo léo của ông Tomizawa Mamoru sản phẩm lọ gốm đang hình thành. Ảnh: Thông Hải


Lớp học gốm của Overland Club hiện thu hút rất đông học viên với nhiều ca khác nhau, cả người Việt lẫn nước ngoài.
Ảnh: Thông Hải


Tráng màu men cho gốm. Ảnh: Thông Hải


Một số sản phẩm gốm của Tomizawa Mamoru và của học viên Overland Club. Ảnh: Thông Hải

Lúc này, đối tượng mà Tomizawa Mamoru nhắm đến đầu tiên để dạy nghề gốm chính là du khách quốc tế khi mà Việt Nam đang là điểm đến du lịch hấp dẫn trong khu vực. Suốt 6 tháng liền, vừa học làm gốm, ông vừa lên kế hoạch mở lớp học, tìm học viên cho Overland Club. Sẵn mối quan hệ khi làm du lịch, Tomizawa Mamoru cũng khá dễ dàng để tìm cách giới thiệu du khách nước ngoài đến với Overland Club. Overland Club có thể được coi như một lựa chọn trong hành trình du lịch, khám phá Tp. Hồ Chí Minh của du khách.

Ngay giữa trung tâm Tp. Hồ Chí Minh, Overland Club là một không gian gốm sứ độc đáo, mang đến những trải nghiệm thú vị cho học viên về văn hóa Việt mà gốm là một loại hình đặc trưng. Lớp học gốm của Overland Club hiện thu hút rất đông học viên với nhiều ca khác nhau, cả người Việt lẫn nước ngoài.

Thực tế, việc học làm gốm vừa giúp rèn luyện sự khéo léo, tính kiên nhẫn vừa đem lại sự sáng tạo nghệ thuật đầy mới mẻ. Nó thể hiện qua các công đoạn nhồi đất, tạo hình, sấy khô, tráng men, nung đều phải được thực hiện một cách tỉ mỉ. Để có thể làm ra một sản phẩm gốm hoàn chỉnh, một học viên phải trải qua khóa học căn bản bắt đầu từ việc nhào nặn đất, bởi đây là khâu đầu tiên quyết định đến sự thành công về chất lượng của sản phẩm. Sau đó, mỗi sản phẩm gốm hoàn thành được đưa vào lò nung của Overland Club sử dụng bằng gas. Đây là yếu tố này giúp không gây ô nhiễm môi trường và cho ra những sản phẩm chất lượng cao.

Khi khám phá được hồn Việt trong các sản phẩm gốm, Tomizawa Mamoru đã coi những sản phẩm tinh tế, sống động, đầy ắp hơi thở quê hương là nguồn cảm hứng tuyệt vời để Overland Club ra đời. Điều mà ông muốn học viên hướng tới là việc thể hiện tình yêu và sự đam mê trong từng sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp. Lớp học gốm thực sự là nơi có thể phát hiện và phát triển khiếu thẩm mỹ trong quá trình làm gốm, đồng thời cũng là nơi để học viên có khoảng thời gian chiêm nghiệm về cuộc sống khi những phút giây ở đây cảm giác luôn chậm lại so với nhịp sống thường nhật…

Đã từ lâu, Overland Club đã trở thành không gian quen thuộc với nhiều du khách nước ngoài khi du lịch đến Tp. Hồ Chí Minh và với những bạn trẻ yêu thích làm gốm. Không gian gốm của Overland Club giúp mọi người được thỏa sức sáng tạo với đất sét, và đặc biệt là được trải nghiệm một nghề truyền thống gắn liền với bản sắc văn hóa Việt. Anh Leandro Marcelino (người Tây Ban Nha) sau thời gian học làm gốm Việt hơn 1 năm, giờ còn gắn bó với Overland Club trong vai trò là một cộng tác viên của lớp học làm gốm. Anh cũng có riêng một trang web chuyên kinh doanh những sản phẩm gốm do chính mình làm ra.


Một số sản phẩm gốm do chính học viên của Overland Club làm ra:














Được biết, ngoài việc dạy làm gốm, Overland Club còn mở một “showroom” miễn phí trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của học viên, liên kết với quán café Nhật Bản MOF (30 Lê Lợi, quận 1) để tổ chức sự kiện theo từng tháng, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên và người nước ngoài tham gia. Chắc rằng, với Overland Club, Tomizawa Mamoru đã tạo được một cầu nối giao lưu văn hóa giữa bạn bè thuộc nhiều quốc gia, góp phần quảng bá những nét đẹp trong văn hóa Việt Nam./.
 
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Thông Hải
 


Top