Người nước ngoài ngạc nhiên với lễ tế tổ nghề mộc Kim Bồng

Người nước ngoài ngạc nhiên với lễ tế tổ nghề mộc Kim Bồng

Chị Nicole, du khách đến từ Đức, ngạc nhiên khi được khám phá và hòa mình vào lễ tế tổ nghề mộc ở làng Kim Bồng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Lần đầu tiên được chứng kiến lễ tế tri ân tổ nghề ở làng mộc Kim Bồng, Hội An, Quảng Nam, nhiều du khách nước ngoài không khỏi ngạc nhiên trước một nghi lễ độc đáo thể hiện đạo lí nước uống nước nhớ nguồn, tri ân tiền nhân, tổ nghề của người Việt, mà còn thú vị trước các nghi thức cúng tế đậm nét dân gian truyền thống. Thậm chí có người còn mạnh dạn, hào hứng xin được tham gia vào các nghi lễ cúng tế, dâng hương cùng dân làng để thể hiện lòng thành kính ngưỡng mộ trước các bậc tổ nghề của người Việt.

Chị Nicole cảm thấy thú vị và xúc động khi lần đầu tiên được mời trải nghiệm một nghi lễ tâm linh độc đáo và khác lạ đối với văn hóa của mình. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Sáng ngày 21/2/2024 (tức nhằm ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Thìn), trong bầu không khí Tết Nguyên đán vẫn còn lan tỏa hân hoan, ấm cúng khắp các ngõ trên xóm dưới, dân làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, Tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam lại cùng nhau thành kính tổ chức lễ tế tổ nghề mộc của mình tại đình Tiền Hiền, thôn Phước Trung, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An.

Điều thú vị là lễ tế không chỉ có đông đảo dân làng, những người lâu nay vốn theo nghề mộc của cha ông truyền lại mà còn thu hút cả sự quan tâm, theo dõi và khám phá của nhiều du khách nước ngoài.

 

Lễ tế tổ nghề mộc Kim Bồng thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều du khách nước ngoài khi đến với Hội An. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Trong số nhiều du khách có mặt tại lễ tế đa phần là du khách từ các nước đến Hội An du lịch vào dịp Tết Nguyên đán, trong đó có những người biết trước sự kiện này nên tìm đến khám phá và cũng có không ít người tình cờ phát hiện ra rồi ghé vào xem.

Đối với hầu hết du khách nước ngoài, lễ tế tổ nghề mộc Kim Bồng không chỉ là một nghi lễ cúng tế dân gian độc đáo mà còn là một sự kiện văn hóa ý nghĩa, hấp dẫn và đầy mới lạ đối với tư duy văn hóa của họ. Nhiều người cho biết đây là lần đầu tiên họ được chứng kiến một nghi lễ đặc biệt mà người sống tổ chức để tưởng nhớ, tri ân những người đã sáng lập, khai sinh ra nghề cho dân làng làm kế mưu sinh.

 

Lễ tế tổ nghề mộc Kim Bồng diễn ra trang nghiêm ở đình Tiền Hiền. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Chị Nicole, du khách đến từ Đức tình cờ dạo chơi trong làng và phát hiện ra lễ tế nên đã tò mò ghé vào xem. Cũng như nhiều du khách khác, lúc đầu chị đứng từ xa quan sát, sau thấy dân làng thân thiện mời vào nên chị mạnh dạn bày tỏ ý muốn xin được tham gia vào các hoạt động của dân làng. Mặc dù không hiểu hết phong tục và ý nghĩa của lễ này nhưng có lẽ sức hấp dẫn và độc đáo của các nghi lễ đã cuốn hút chị mạnh dạn bước vào nội cung của đình làng và làm lễ dâng hương, cúng tế rất thành kính như những người dân khác.

Nicole cho biết, ở đất nước chị cũng có rất nhiều nghề truyền thống, trong đó có cả nghề mộc nhưng không có nghi lễ tế tổ nghề như ở đây. “Thật là kì lạ khi được biết người Việt các bạn lại có một lễ tưởng nhớ tổ nghề thú vị đến vậy! Ở thế giới bên kia chắc các vị tổ nghề của các bạn sẽ hạnh phúc lắm vì được con cháu tưởng nhớ và tôn vinh thành kính như thế này!” - Nicole bày tỏ với sự ngạc nhiên và thú vị.

 

Các nghi lễ tế trời đất và âm linh diễn ra ở ngoài trời. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Lễ tế tổ nghề mộc ở làng Kim Bồng, Hội An thường diễn ra ngay sau dịp Tết Nguyên đán hằng năm để tưởng nhớ công ơn người đã khai sinh ra nghề mộc của làng Kim Bồng. Đây là một nghi lễ phản ánh đặc trưng của một nghi lễ mùa xuân truyền thống của người Việt, trong đó có sự kết hợp giữa lễ tế tổ nghề với lễ tế các vị thần cai quản làng xã và lễ tế xuân cầu an đầu năm.

 

Đội nhạc lễ. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Lễ tế gồm có hai phần chính gồm tế ngoài trời và tế trong nội cung đình Tiền Hiền, nơi thờ thành hoàng làng và các vị tiên hiền có công khai khẩn lập làng, lập nghề. Lễ tế ngoài trời dành để tế trời đất và âm linh (những linh hồn vô chủ, không có người thờ tự). Bàn tế trời đất được đặt cao hơn bàn tế âm linh. Ngoài lễ vật chung là hương đèn, trầu cau, hoa quả, thuốc, trà rượu còn có gà luộc nguyên con, đầu heo, giấy tiền vàng bạc và một bản văn tế. Bàn tế âm linh đặt thấp hơn, bên cạnh các lễ vật chung thông thường như tế trời đất còn có thêm một tô cháo loãng cùng xôi, chè, một mâm giấy tiền vàng bạc, bánh ngũ sắc, áo giấy, gạo muối, hạt bỏng gạo...

 

Lễ tế có nhiều hoạt động thú vị. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Sau lễ tế ngoài trời sẽ là lễ tế trong đình. Đây cũng là lễ chính dành để tế tổ nghề mộc Kim Bồng. Trong lễ này, các vị trong ban tế lễ quỳ trước hương án tổ nghề đọc văn tế thể hiện lòng thành tri ân vị thần đã có công khai sinh ra nghề mộc và cầu mong phù hộ cho dân làng một năm mới làm ăn may mắn, an toàn và như ý./.

 

Dân làng phân công nhau mỗi người mỗi việc chuẩn bị cho ngày tế tổ. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam  

 

Nghề mộc Kim Bồng được hình thành từ thế kỉ 15 do những cư dân từ đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh Nghệ Tĩnh mang vào trong quá trình khai khẩn vùng đất mới Kim Bồng. Cuối thế kỉ 16, đầu thế kỉ 17, nghề bắt đầu phát triển nhờ sự phồn thịnh của thương cảng Hội An. Đến thế kỉ 18, nghề phát triển mạnh mẽ và thịnh vượng với 3 nhóm nghề gồm mộc xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, mộc dân dụng và mộc đóng sửa tàu thuyền. Làng mộc Kim Bồng nổi tiếng vì hầu hết công trình kiến trúc bằng gỗ của Hội An xưa đều do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nơi đây xây dựng. Nhiều thợ mộc Kim Bồng được các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, sau này là triều đình nhà Nguyễn mời ra kinh đô xây dựng các công trình tại kinh thành Huế.

 

 

  • Bài, ảnh:  Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Top