Văn hóa

Toba Mika và món quà dành cho APEC 2017

Bằng kỹ thuật nhuộm màu katazome có lịch sử hơn 1.000 năm của người Nhật cùng với tình cảm đặc biệt dành cho Việt Nam, nữ họa sĩ người Nhật Bản Toba Mika đã đem đến Đà Nẵng cuộc triển lãm hội họa độc đáo mang tên "Một Việt Nam thu nhỏ". Triển lãm không chỉ thể hiện thành quả của hơn 20 năm đeo đuổi niềm đam mê sáng tác tranh về chủ đề Việt Nam, mà đó còn là món quà đầy ý nghĩa mà bà dành tặng cho Đà Nẵng nhân dịp thành phố này đăng cai Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Triển lãm được tổ chức tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng từ ngày 20/10 đến ngày 12/11/2017, tức kéo dài từ trước cho đến sau khi kết thúc Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Tại triển lãm lần này, họa sĩ Toba Mika giới thiệu tới công chúng 20 bức tranh đặc sắc nhất trong tổng số 120 bức tranh mà bà đã vẽ về Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua. Triển lãm được tổ chức dưới hình thức nghệ thuật sắp đặt với những bức tranh được phóng to bằng kĩ thuật in ấn hiện đại của Nhật Bản. 


Nữ giáo sư, họa sĩ Toba Mika hơn 20 năm vẽ tranh về Việt Nam
bằng kỹ thuật truyền thống katazome của Nhật Bản. Ảnh: Thanh Hòa


Lễ khai mạc triển lãm “Một Việt Nam thu nhỏ” tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hòa


Những bức tranh vẽ về Việt Nam của Toba Mika có sức hấp dẫn đặc biệt đối với công chúng yêu hội họa.
Ảnh: Thanh Hòa


Họa sĩ Toba Mika giới thiệu các tác phẩm của mình với Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn (áo trắng)
và Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Tp. Hồ Chí Minh Kawaue Junichi (áo vest). Ảnh: Thanh Hòa


Họa sĩ Toba Mika chụp ảnh kỷ niệm với Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn (áo trắng)
và Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Tp. Hồ Chí Minh Kawaue Junichi (bên trái). Ảnh: Thanh Hòa

Triển lãm tuy chỉ là một lát cắt, một sự "thu nhỏ" như cách nói của nữ họa sĩ, nhưng người xem vẫn thấy ở đó đầy đủ những lớp lang, mảng miếng và cảm xúc về cuộc sống và cảnh sắc tuyệt đẹp của đất nước, con người Việt Nam. Trong tranh của Toba Mika, người xem bắt gặp nhiều hình ảnh vừa quen vừa mới lạ như khu xóm chài đầy lưới giăng ở Đà Nẵng, khu tháp cổ đỏ rực ở Thánh địa Mỹ Sơn, bức tường vàng óng của phố cổ Hội An, màu xanh lam huyền hoặc của xứ Huế, thậm chí là những khu nhà chồ ở ven sông hay đường dây điện nhằng nhịt ở Sài Gòn, và cả đường ray xe lửa trong ngõ hẻm nhỏ sâu hun hút của Hà Nội...

Điều đặc biệt là tất cả những tác phẩm ấy được Toba Mika thể hiện bằng kỹ thuật katazome, một kỹ thuật nhuộm màu truyền thống có từ lâu đời và thường được người Nhật dùng để vẽ trang trí lên những bộ kimono dành cho giới quý tộc. Chính vì thế mà tranh của bà không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn được giới tinh hoa nghệ thuật Nhật Bản đánh giá cao về mặt kỹ thuật, bởi đây là một kỹ thuật hội họa phức tạp hiện ít người Nhật Bản thể hiện được.

Ông Shimizu Yasutomo, nhà phê bình mỹ thuật nổi tiếng của Nhật Bản cho biết, katazome là một kỹ thuật phức tạp đòi hỏi phải có nhiều người cùng làm, nhưng với Toba Mika dường như nhờ có mối lương duyên đặc biệt nào đó mà bà đã tự tay hoàn thành tất cả các công đoạn với sự tỉ mỉ và chính xác đến khó tin để tạo nên những bức tranh khổ lớn về Việt Nam đầy cuốn hút.

Chia sẻ niềm vui với nữ họa sĩ Toba Mika, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio nhấn mạnh, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng là một sự kiện quốc tế vô cùng quan trọng, thể hiện sinh động hình ảnh một Việt Nam đang phát triển. Đại sứ Umeda Kunio mong muốn 
trong dịp Hội nghị APEC lần này nhiều vị khách đến từ khắp nơi trên thế giới sẽ có cơ hội nhìn thấy sự thay đổi của Việt Nam được phản chiếu qua những tác phẩm tuyệt đẹp của nữ họa sĩ Toba Mika./.


Tác phẩm “Sau cơn mưa” (tiếng Anh: After the rain) vẽ về dòng kênh ở Sài Gòn với tông màu xanh lạnh
được đặt bên tông màu nâu ấm của những chiếc bình gốm Chăm tạo nên sự tương phản lạ mắt
trong không gian Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hòa


Tác phẩm “Nhiệt tỏa lung linh” (tiếng Anh: The shimmer of the heated air)
với hình ảnh một đường ray xe lửa đi xuyên qua con ngõ nhỏ ở Hà Nội. Ảnh: Thanh Hòa


Tác phẩm “Cơn dông” (tiếng Anh: Monsoon) mô tả về sự đối lập giữa khu phố nghèo
và dãy nhà cao tầng bên bờ sông Sài Gòn. Ảnh: Thanh Hòa


Tác phẩm “Huế - buổi sáng sớm” (tiếng Anh: Early morning-Hue) với sắc xanh lam huyền hoặc. Ảnh: Thanh Hòa


Tác phẩm “Mặt khác của tấm khăn” (tiếng Anh: The other side of the scraf)
vẽ về khu nhà chồ trên vùng kênh rạch của Sài Gòn trước đây. Ảnh: Thanh Hòa


Tác phẩm “Phố cổ Hội An” (tiếng Anh: Japan Town) với hình ảnh những bức tường vàng óng
đặc trưng của phố cổ Hội An, đây cũng là tác phẩm duy nhất vẽ về Việt Nam có bóng dáng của con người,
và theo như lời họa sĩ Toba Mika thì đó chính là cái bóng của bà. Ảnh: Thanh Hòa


Tác phẩm “Mỹ Sơn nhiệt tỏa” (tiếng Anh: My Son – Heated ruins) vẽ về ngôi tháp cổ ở khu Thánh địa Mỹ Sơn.
Ảnh: Thanh Hòa


Tác phẩm “Rời Đà Nẵng” (tiếng Anh: Leaving Da Nang) với hình ảnh về một xóm chài ven biển ở Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hòa


 

Họa sĩ Toba Mika là Giáo sư hội họa của trường Đại học Nghệ thuật Tokyo. Bà đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1994, cho đến nay đã tổ chức được 05 cuộc triển lãm tại Việt Nam. Năm 2005 bà được Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trao tặng huy chương Vì sự nghiệp văn hóa. Năm 2012, bà được Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản tặng Huy chương ngoại giao vì những hoạt động văn hóa trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.


Bài và ảnh: Thanh Hòa


Top