Du lịch

Về Bùi Xá nghe hát trống quân

Là loại hình nghệ thuật dân gian tồn tại hơn 700 năm, hát trống quân Bùi Xá đến nay vẫn được người dân thôn Bùi Xá (xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) bảo tồn và phát huy thành nét đẹp văn hóa tinh thần của vùng đất Kinh Bắc.
Theo cụ Phạm Công Ngát, nghệ nhân cao tuổi của Câu lạc bộ Trống quân Bùi Xá thì phong trào hát trống quân ở Bùi Xá có từ thế kỷ thứ XIII ở triều đại nhà Trần và phát triển hưng thịnh nhất trước năm 1945. Thời kỳ đó, cứ mỗi dịp trăng rằm tháng Tám âm lịch các đôi nam thanh nữ tú của làng vừa thi hát đối giao duyên vừa ngắm trăng trước sự chứng kiến và cổ vũ của toàn dân và đông đội trên bãi cỏ trước cửa đình làng, cuộc thi kéo dài cho đến lúc trăng tàn. Không những thế hát trống quân của Bùi Xá đã nổi tiếng khắp kinh thành Thăng Long và được vua Trùng Quang đời Trần mời về hát. Vào giai đoạn chống Mỹ cứu nước, hát trống quân Bùi Xá lắng dần do nhiệm vụ đánh giặc cứu nước của toàn dân tộc.


Lê Bá Bạo 72 tuổi, Chủ nhiệm CLB Trống quân Bùi Xá,
một trong những thành viên đầu tiên của CLB của những người yêu thích hát trống quân.


Ông Phạm Công Ngát (88 tuổi) là người đã sưu tầm và hiện là tác giả của hơn 100 bài hát trống quân
của CLB Trống Quân Bùi Xá.


Các thành viên CLB Trống quân Bùi Xá chuẩn bị trang phục trước một buổi diễn.


Các thành viên CLB Trống quân Bùi Xá chỉnh sửa trang phục cho nhau trước buổi diễn.


Các em bé ở làng Bùi Xá đến nghe ông bà mình hát trống quân vào các dịp cuối tuần.

Năm 1993, với tâm huyết bảo tồn loại hình nghệ thuật mang bản sắc riêng, người dân Bùi Xá đã thành lập Câu lạc bộ Trống quân Bùi Xá. Ban đầu Câu lạc bộ chỉ có 5 người nhưng đến nay đã có 28 thành viên. Không chỉ dừng lại biểu diễn vào lễ hội mùa Thu tháng Tám âm lịch hàng năm, hát trống quân Bùi Xá hiện đã phục vụ diễn tại các lễ hội nơi khác. Ngoài ra, Câu lạc bộ Trống quân Bùi Xá đã đưa nghệ thuật hát trống quân lên sân khấu biểu diễn và đạt các giải thưởng trong nhiều cuộc thi như giải nhất Tiếng hát người cao tuổi tỉnh Bắc Ninh năm 2003, giải nhì Hội diễn văn nghệ huyện Thuận Thành năm 2005 và 2007.
 
Theo ông Lê Bá Bạo, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trống quân Bùi Xá, hát trống quân là hình thức hát đối đáp, giao duyên giao duyên của các đôi nam thanh nữ tú. Hai bên bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình trong những lời ca tiếng hát. Trước khi vào hát, người hát phải tuân thủ các nguyên tắc chào- mừng- hỏi- chúc. Khác với hát trống quân các nơi khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, hát trống quân Bùi Xá hát đơn giản, nhịp điệu nhanh, ngắt quãng nhiều, ít luyến láy, lời văn là theo thể thơ lục bát 6/8 nhưng lúc hát lại theo tiết tấu nhịp thập cửu 10/9.

Một điều đặc biệt dụng cụ duy nhất của trống quân là trống đất để giữ nhịp. Trống gồm một thanh gỗ nằm ngang, hai bên có hai cọc, một bên cọc là phe nam, một bên cọc là phe nữ đứng đối đáp. Hai cọc được nối với nhau bằng sợi dây thép, chính giữa sợi dây đặt một cái trống, mặt rỗng úp xuống thanh ngang, mặt đáy sát sợi dây. Người ta gõ vào đầu dây ở phía cọc, dây bật vào đáy trống mà kêu thành tiếng với độ âm hơn và láy lại nhịp theo lời người hát.

Ngồi nghe các thành viên Câu lạc bộ Trống quân Bùi Xá hát mới cảm nhận được lối hát, âm điệu mang bản sắc riêng của hát trống quân nơi đây. Họ hát với đối ứng nhanh nhẹn ở nhiều chủ đề bằng những giọng hát khác nhau và lòng đam mê với loại hình nghệ thuật truyền thống quê hương mình. Đến nay, các thành viên của Câu lạc bộ đã sưu tầm được hơn 100 bài hát trống quân cổ với nhiều chủ đề khác nhau như ngày mùa, lễ hội, cưới hỏi, quê hương đất nước…Ngoài ra trong quá trình đối ứng, các chủ đề sẽ được mở rộng ra bằng sự sáng tạo của người hát.

Thời gian trôi đi, những nghệ nhân lớn tuổi am hiểu sâu sắc về trống quân sức khỏe và giọng hát cũng không còn được như trước. Đứng trước lo ngại đó thì điều đáng mừng là mỗi buổi sinh hoạt luyện tập của Câu lạc bộ vào mỗi dịp cuối tuần ngoài sự có mặt của đông đủ các thành viên trong câu lạc bộ, còn có sự quan tâm rất lớn từ các em nhỏ trong làng. Đó được xem như một minh chứng rằng nghệ thuật hát trống quân sẽ luôn đồng hành và mang một sức sống nhất định trong cuộc sống của mỗi người dân Bùi Xá.
 

Người Bùi Xá hát trống quân theo hình thức đối đáp giao duyên, một hình thức hát trống quân phổ biến ở vùng Kinh Bắc.


Lời ca trong những bài hát trống quân Bùi Xá thường là theo thể thơ lục bát 6/8 dễ hát dễ thuộc.


Với hình thức hát giao duyên, đối đáp, hát trống quân là dịp cho nam nữ tụ tập vui chơi tìm hiểu nhau.


Không chỉ chú trọng trọng lời ca, người làng Bùi Xá còn thể hiện những điệu hát trống quân
qua các điệu múa, cử chỉ tuy giản đơn những rất hòa hợp với nhịp câu hát.
 

Câu lạc bộ Trống quân Bùi Xá (Thuận Thành, Bắc Ninh) hiện có 28 thành viên,
thường xuyên có những buổi biểu diễn hát trống quân với bản sắc rất riêng.


Điệu hát tiễn bạn cuối mỗi buổi hát của CLB Trống Quân Bùi Xá.
 
Ông Lê Bá Bạo chia sẻ: "Chúng tôi muốn thường xuyên có những đêm diễn, khích lệ các cháu tiếp tục sự phát triển nghệ thuật hát trống quân của làng. Nếu có sự quan tâm thường xuyên của lãnh đạo cấp trên, có kế hoạch đào tạo bài bản và tình yêu dành cho hát trống quân thì môn nghệ thuật này hoàn toàn có khả năng nhân rộng. Và trong tương lai gần, người dân làng Bùi Xá có thể tự hào cất lên giọng hát để giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước”./.

Bài: Ngân Hà- Ảnh: Việt Cường

Cung Thiếu nhi hiện đại bậc nhất Thủ đô

Cung Thiếu nhi hiện đại bậc nhất Thủ đô

Sau gần 3 năm thi công (từ năm 2021 đến năm 2024), Cung Thiếu nhi Hà Nội đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là một trong những công trình văn hóa giáo dục lớn nhất góp phần mang đến không gian phát triển toàn diện cho thiếu nhi Thủ đô. 

Top