Đời sống Việt

Tạm biệt nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương

Trải qua hơn 110 năm tồn tại và phát triển, giờ đây trước yêu cầu về đảm bảo môi trường, Nhà máy liên hợp dệt Nam Định phải di dời về khu công nghiệp Hòa Xá nhưng những hình ảnh mang tính biểu tượng về công nghiệp lớn nhất Đông Dương một thời vẫn còn nằm trong tâm trí nhiều thế hệ người dân Thành Nam.
Nhà máy Dệt lụa Nam Định từng được biết đến là nhà máy lớn nhất xứ Đông Dương. Nhà máy có tiền thân là một cơ sở nghiên cứu về tơ lụa, do Toàn quyền Đông Dương De Lanessan (1887–1888) lập ra. Đến năm 1898 Toàn quyền Paul Doumer cho phép lập một nhà máy tơ chạy bằng hơi nước với sáu lò hơi đặt ngay tại trung tâm Tp. Nam Định. Tới năm 1924, nhà máy có 6.000 công nhân. Cuối năm 1939 nhà máy đã có tới 3 nhà sợi, 3 nhà dệt, một xưởng nhuộm, một xưởng chăn, một xưởng cơ khí và một xưởng động lực.


Nhà máy dệt Nam Định từng là một cơ sở nghiên cứu về tơ lụa, do Toàn quyền Đông Dương De Lanessan lập ra.
Đến năm 1889 Toàn quyền Paul Doumer cho phép lập một nhà máy tơ chạy bằng hơi nước
có 6 lò đặt ngay tại trung tâm Thành phố. 
Ảnh: Công Đạt


Hình ảnh phổ biến nhất của Nhà máy dệt Nam Định vinh dự chọn làm biểu tượng của nền công nghiệp Việt Nam
thời kỳ đổi mới để in trên tờ tiền giấy mệnh giá 2.000 đồng của Ngân hàng nhà nước Việt Nam
vẫn còn lưu hành đến ngày nay. 
Ảnh: Công Đạt


Hiện tại, một số phân xưởng dệt và sợi vẫn hoạt động trong khuôn viên Nhà máy dệt Nam Định. Ảnh: Công Đạt


Ngoài phân xưởng nhuộm với mức độc hại cao đã ưu tiên di dời trước sang khu công nghiệp Hòa Xá,
những công đoạn khác của Nhà máy dệt Nam Định vẫn hoạt động bình thường. 
Ảnh: Công Đạt


Người công nhân phân xưởng sợi bên chiếc máy dệt có tuổi thọ lớn tuổi một đời người. Ảnh: Công Đạt


Một góc nhà máy sợi trong khu tổ hợp hiện tại vẫn đang hoạt động. Ảnh: Công Đạt


Sợi vải được kéo lên máy dệt theo quy trình tự động hoàn toàn. Ảnh: Công Đạt


Bên cạnh khu công trường Nhà máy đang phá dỡ, công nhân vẫn làm việc ở khu nhà xưởng cũ
trong khi chờ chuyển sang khu công nghiệp mới. Ảnh: Công Đạt


Cô Trần Thị Kim Yến (48 tuổi) người đã gắn bó với Nhà máy dệt Nam Định 25 năm.
Đối với cô Yến, Nhà máy dệt không chỉ là nơi mưu sinh
mà còn là nơi lưu giữ nhiều kỳ niệm về  thời tuổi trẻ sôi nổi xây dựng đất nước. Ảnh: Việt Linh

 

Ông Nguyễn Văn Miêng, Giám đốc Tổng công ty Cổ phần dệt may Nam Định lần giở cuốn sổ ghi chép cá nhân, chậm rãi kể lại cho chúng tôi nghe những câu chuyện lịch sử của Nhà máy: "Năm 1954, dệt lụa Nam Định được Nhà nước tiếp quản và đổi tên thành Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định. Khi chúng tôi về nhận tiếp quản Nhà máy phần lớn máy móc đều bị tàn phá hết cả, chỉ còn sót lại rất ít máy móc hoạt động được. Chỉ tới khi có sự trợ giúp của Nhà nước nâng cấp thì những sản phẩm chủ yếu thời bấy giờ được sản xuất là vải pho, vải xi và vải lụa đen cung cấp cho thị trường miền Bắc”.

Kể về thời kỳ khó khăn của Nhà máy trong kháng chiến chống Mỹ, có lẽ không ai hiểu tường tận hơn những người công nhân trực tiếp làm việc trong thời kỳ này. Ông Nguyễn Văn Sớm (78 tuổi) đã từng làm công nhân trong Nhà máy kể lại: “Thời kỳ giặc Mỹ tiến hành Chiến tranh phá hoại Miền Bắc năm 1965, Nam Định là một trong những địa phương bị bắn phá ác liệt. Nhiều phân xưởng vừa được phục hồi sản xuất chưa lâu nay lại tan hoang vì bom đạn. Nhà máy phải chia thành nhiều đơn vị nhỏ và đi sơ tán nhiều nơi để tiếp tục sản xuất, chỉ để lại phân xưởng sợi và một phần phân xưởng dệt vừa tiếp tục sản xuất vừa chiến đấu”.

Sau khi chiến tranh đi qua, Nhà máy liên hợp dệt Nam Định bước vào thời kỳ ổn định sản xuất. Nhờ có những giải pháp mạnh dạn để thay đổi phương thức kinh doanh sản xuất như vay vốn ngân hàng để nhập khẩu máy móc, tơ, sợi và thuốc nhuộm để đa dạng hóa mặt hàng, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trong nước để hoàn thiện sản phẩm. “Có thời điểm đỉnh cao nhất, nhà máy dệt Nam Định tạo công ăn việc làm cho tới gần 18.000 người, chiếm 10% dân số Thành Nam”.

“Trong khuôn viên Nhà máy thời ấy còn có cả trường mẫu giáo cho con em công nhân 3 ca/ngày, trường tiểu học, cấp 2, cấp 3, trường dạy nghề, bệnh viện, khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng. Nhà máy giống như một xã hội thu nhỏ vậy. Thậm chí mỗi khi đến kỳ trả lương cho công nhân là giá cả trong Tp. Nam Định lại một lần chao đảo….” Ông Nguyễn Văn Miêng nhớ lại.



Hội trường Nhà máy sợi mang đậm nét kiến trúc Pháp cổ, nơi diễn ra những cuộc họp giao ban,
hội nghị hội thảo của ban lãnh đạo Nhà máy với công nhân. Ảnh: Công Đạt


Với nhiều người dân Nam Định, đặc biệt là những ai đã từng làm việc, gắn bó tuổi thanh xuân 
khi nhắc đến quá khứ vàng son lẫy lừng của Nhà máy đều không khỏi bồi hồi xúc động. Ảnh: Việt Linh


Những khẩu hiệu, biểu ngữ gắn bó với công nhân Nhà máy dệt nhiều thời kỳ vẫn được giữ đến ngày nay. Ảnh: Việt Linh


Khu vực trụ sở cũ của nhà máy dệt đã xuống cấp trầm trọng, chỉ nay mai sẽ được phá dỡ. Ảnh: Việt Linh


Những khung cửa phủ đầy bụi bông, nhuốm màu thời gian và hoài niệm. Ảnh: Công Đạt


Một góc mái nhà xưởng với kiến trúc độc đáo. Ảnh: Công Đạt


Khu vực áp mái, những ô cửa kính bám đầy sợi tơ, chứng tích của một thời kỳ "vàng son'"của Nhà máy. Ảnh: Công Đạt


Toàn bộ phần ngoài của khu Nhà máy dệt đã được phá dỡ, san phẳng. Ảnh: Công Đạt


Trên nền đất cũ, nhiều công trình, kỷ vật gắn với sự tồn tại và phát triển lịch sử của Nhà máy sẽ được giữ lại.
Theo Tổng giám đốc Nguyễn Văn Miêng, cây bàng lịch sử -nơi treo lá cờ của Chi bộ Đảng
đầu tiên ở Tp. Nam Định sẽ được giữ lại vĩnh viễn. Ảnh: Công Đạt


Khi nhìn những hình ảnh này, không mấy ai có thể tin được nơi đây từng nuôi sống 1/10 dân số Tp. Nam Định.
Ảnh: Công Đạt


Không chỉ là một hoài niệm về thời kỳ vàng son, Nhà máy còn gắn bó đời sống tinh thần,
tình cảm của người dân Thành Nam. Việc phá bỏ, di dời Nhà máy dệt từng là lớn nhất Đông Dương
khiến nhiều người tiếc nuối. Ảnh: Công Đạt

Theo quy hoạch của Tp. Nam Định, sau khi di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất thì khu đất này sẽ được đầu tư xây dựng thành Khu đô thị Dệt may Nam Định. Tỉnh Nam Định cũng đã cấp một diện tích tương đương với toàn bộ diện tích của nhà máy cũ là gần 30ha tại khu công nghiệp Hòa Xá cách trung tâm thành phố khoảng 5 km./.
 
Bài và ảnh: Công Đạt - Việt Linh

Choáng ngợp trước thành phố lăng mộ ở Huế

Choáng ngợp trước “thành phố lăng mộ” ở Huế

Tuy không phải là địa chỉ du lịch nhưng khu nghĩa trang của làng An Bằng ở Cố đô Huế lại nổi tiếng đến độ nhiều du khách nước ngoài đã cất công tìm đến tận nơi để được mục sở thị những ngôi lăng mộ của người dân nhưng mang vẻ đẹp xa hoa, tráng lệ không kém gì lăng tẩm của các bậc vua chúa ngày xưa.

Top