Hướng đến một giải pháp lâu dài, tiết kiệm chi phí chữa bệnh cho người dân về các bệnh do muỗi truyền và kiểm soát bệnh Sốt xuất huyết, phương pháp ứng dụng muỗi mang Wolbachia do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chủ trì và phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế Khánh Hòa thực hiện đã đem lại hiệu quả ban đầu trong việc giảm thiểu bệnh dịch Sốt xuất huyết cho người dân tại tỉnh Khánh Hòa.
Bà Nguyễn Thị Yên- Tư vấn kỹ thuật dự án cho biết, Dự án “Hướng tới loại trừ Sốt xuất huyết tại Việt Nam” bắt đầu được thực hiện từ năm 2006 đến nay, với mục tiêu chính là phát triển phương pháp ứng dụng muỗi mang Wolbachia để kiểm soát bệnh Sốt xuất huyết. Đây là một chương trình hợp tác nghiên cứu sức khoẻ toàn cầu không vì lợi nhuận, do Đại học Monash (Australia) chủ trì.

Đến nay, phương pháp Wolbachia đã được triển khai nghiên cứu ứng dụng ở các nước Úc,
Việt Nam, Indonesia, Braxin, Colombia và đang tiếp tục mở rộng sang một số quốc gia khác.

Bà Nguyễn Thị Yên- Tư vấn kỹ thuật dự án là người theo sát với dự án từ những ngày đầu thành lập (năm 2006).

Bạn Trần Văn Hải là tình nguyện viên của dự án được 2 năm đang thực hiện cho muỗi ăn máu.

Thông thường những tình nguyện viên cho muỗi ăn máu phải là những người khỏe mạnh
và trải qua những cuộc kiểm tra y tế định kỳ mới cho muỗi ăn máu được.

Những con muỗi mang vi khuẩn Wolbachia sẽ được lấy trứng và cho sang khu vực ấp nở.

Trứng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia (màu đen) trong quá trình ấp nở thành bọ gậy.

Khu vực ấp nở trứng muỗi mang khuẩn Wolbachia của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. |
Vì vi khuẩn Wolbachia sống trong tế bào của khoảng 60% loài côn trùng trong tự nhiên nên sau khi lấy bọ gậy từ những giếng nước mưa ngoài thực địa đưa vào phòng thí nghiệm, cán bộ dự án sẽ lấy trứng đưa vào các lồng để nở thành muỗi có vi khuẩn Wolbachia. Thức ăn chính của muỗi chủ yếu là máu từ cơ thể con người. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện, các cán bộ của dự án đã đưa thông tin về lợi ích của dự án hướng tới cộng đồng và đã nhận được sự tham gia của khá nhiều tình nguyện viên, chủ yếu là các sinh viên của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Bạn Trần Văn Hải- sinh viên trường đại học Điện Lực chia sẻ: “Em đã tham gia vào việc cho muỗi ăn của dự án được 2 năm và thấy đây cũng là hoạt động tích cực cho lợi ích cộng đồng xã hội. Quá trình tham gia cũng được các cán bộ dự án kiểm tra kỹ lưỡng trước và sau khi cho muỗi ăn nên không bị ảnh hưởng gì về mặt sức khỏe”.
Sau một khoảng thời gian nuôi, cán bộ dự án sẽ lấy mẫu kiểm tra số lượng muỗi được nuôi đạt bao nhiêu phần trăm vi khuẩn Wolbachia để có thể thả ra tự nhiên. Khi được thả ra tự nhiên, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia sẽ chiếm đa số và duy trì lâu dài trong quần thể muỗi tự nhiên, giúp hạn chế lây truyền Sốt xuất huyết.

Sau mỗi lần nuôi thành công một đàn muỗi, một sỗ con muỗi trong đàn sẽ được bắt ngẫu nhiên
để đem đi kiểm tra ADL xác định lượng khuẩn Wolbachia trong nó.

Một mẫu vật muỗi mang khuẩn Wolbachia được lưu giữ để nghiên cứu.

Khu vực nuôi muỗi được thiết kế đặc biệt với những lớp vải màn để cách ly chúng với môi trường bên ngoài.

Hàng ngày, nhân viên của dự án phải thực hiện kiểm tra,
ghi chép số lượng trứng muỗi nở tại phòng ấp nở nhằm kiểm soát lượng muỗi cho từng đàn.

Mỗi đàn muỗi sẽ được nuôi nhốt trong một chiếc hộp vải màn để tiện chăm sóc và theo dõi.

Ngoài việc định kỳ 1 tuần cho ăn máu 1 lần thì một hộp nuôi muỗi
sẽ có thêm những miếng bông tẩm nước đường để làm thức ăn bổ sung cho muỗi.

Các nhân viên trong dự án xét nghiệm ADL để kiểm tra lượng khuẩn Wolbachia trong đàn muỗi trước khi thả ra môi trường. |
Đến nay, muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chủ trì và phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang nghiên cứu trong Dự án “Hướng tới loại trừ Sốt xuất huyết tại Việt Nam” đã được thả thực nghiệm tại đảo Trí Nguyên và xã Vĩnh Lương thuộc thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đến nay, chưa ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết tập trung nào xảy ra trên đảo Trí Nguyên mặc dù đây là một trong những điểm nóng về dịch bệnh sốt xuất huyết của cả nước, đồng thời theo khảo sát thì 97% số người trong tổng số 370 hộ dân ở xã Vĩnh Lương đều ủng hộ việc thả muỗi Wolbachia./.
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Tất Sơn