Du lịch

Kết nối du lịch Long An

Là tỉnh thành duy nhất ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long giáp với Tp. Hồ Chí Minh, là cửa ngõ nối liền các tỉnh phía Đông và phía Tây Nam bộ, cùng với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, Long An được xem là thị trường có tiềm năng và lợi thế để phát triển nhiều loại hình du lịch đặc trưng.
Long An mang đầy đủ các đặc trưng của một tỉnh miền Tây với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng như: du lịch gắn với sông nước miệt vườn, du lịch khám phá, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch ẩm thực… được du khách trong và ngoài nước yêu thích. Hiện nay, Long An đang tận dụng khai thác tối đa các tour du lịch ngắn ngày có điểm khởi hành từ Tp. Hồ Chí Minh.

Đối với các tour du lịch trong ngày - ngắn ngày, du khách có thể chọn khám phá một điểm đến hoặc có thể kết hợp với một số điểm du lịch gần nhau. Một số địa chỉ đặc trưng ở Long An như Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, Làng cổ Phúc Lộc Thọ, Khu du lịch sinh thái Cánh đồng bất tận, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen… hiện đang được nhiều du khách lựa chọn trong hành trình khám phá vùng đất này.



Du khách trải nghiệm cuộc sống sông nước và thiên nhiên hoang sơ ở Làng nổi Tân Lập. Ảnh: Nguyễn Luân/VNP


Con đường đan xuyên rừng tràm có chiều ngang 1m, chiều dài khoảng 5km,
giúp du khách đi bộ khám phá rừng tràm ngập mặn trong khu du lịch Làng nổi Tân Lập. Ảnh: Nguyễn Luân/VNP



Khách sạn phục vụ du khách tại khu du lịch Tân Lập thuộc huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Ảnh: Nguyễn Luân/VNP



Một góc rừng tràm  khu du lịch Tân Lập. Ảnh: Nguyễn Luân/VNP



Cung đường tình yêu trong  khu du lịch Tân Lập. Ảnh: Nguyễn Luân/VNP



Một góc làng cổ Phước Lộc Thọ nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Minh/VNP



Kiến trúc nhà vườn Tây Nam Bộ trong làng cổ 
Phước Lộc Thọ. Ảnh: Lê Minh/VNP


Một ngôi nhà mang đậm kiến trúc Tây Nam Bộ được dựng lên ở làng cổ 
Phước Lộc Thọ. Ảnh: Lê Minh


Không gian thoáng đãng của ngôi một ngôi nhà cổ được phục dựng trong làng cổ 
Phước Lộc Thọ. Ảnh: Lê Minh/VNP


Tái hiện chùa Một Cột tại làng cổ Phước Lộc Thọ. Ảnh: Lê Minh/VNP

Tỉnh Long An có vị trí địa lý khá đặc biệt của Vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, được xác định là vùng kinh tế động lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam. Long An là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ với ĐBSCL, nhất là có chung đường ranh giới với Tp. Hồ Chí Minh, bằng hệ thống giao thông đường bộ như : quốc lộ 1A, quốc lộ 50, . . . các đường tỉnh lộ : ĐT.823, ĐT.824, ĐT.825 . . . Đường thủy liên vùng và quốc gia đã có và đang được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới, tạo động lực và cơ hội mới cho phát triển. Ngoài ra, Long An còn được hưởng nguồn nước của hai hệ thống sông Mê Kông và Đồng Nai. 
Cách Tp. Hồ Chí Minh khoảng 100km, Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập (huyện Mộc Hóa) được biết đến là một điểm du lịch nổi bật của Long An, thu hút nhiều du khách gần xa đến trải nghiệm. Như một ốc đảo thu nhỏ, Làng nổi Tân Lập có diện tích khai thác 135ha với rừng tràm ngập nước, hệ thống kênh rạch bao quanh cùng nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng nơi miền Tây sông nước. Du khách sẽ được trải nghiệm cung đường xuyên rừng tràm dài 5km, lên tháp quan sát ngắm chim và toàn cảnh khu du lịch, tham quan đảo thuần dưỡng chim, chèo xuồng tham quan làng nổi, tham gia trò chơi dân gian, trải nghiệm thuyền kéo cáp dưới nước, tham quan khu nuôi ong mật, thưởng thức nước trà pha mật ong nguyên chất và thưởng thức các món ăn đặc sản miền Tây ngay tại Làng nổi.

Một điểm đến nổi tiếng khác ở Long An là làng cổ Phúc Lộc Thọ (huyện Đức Hòa), nơi đây tập hợp 22 căn nhà gỗ cổ trên khắp ba miền nước Việt, và hàng trăm cổ vật quý, hiếm được ghi danh vào sách Kỷ lục Việt Nam. Khu du lịch sinh thái Cánh đồng bất tận (huyện Mộc Hóa) có một số dịch vụ đặc trưng như tìm hiểu về các loại dược liệu, tắm hơi, ngâm mình trong dược liệu quý để thư giãn, chăm sóc sức khỏe; chiêm ngưỡng những cánh rừng tràm nguyên sinh bát ngàn, tham quan quy trình sản xuất dược liệu, ngắm các loài chim quý, động vật quý, các loại cây dược liệu được bảo tồn tại đây rất được ưa chuộng.



Du khách đi trên chiếc cầu gỗ khám phá Làng nổi Tân Lập bằng đường bộ. Ảnh: Nguyễn Luân/VNP


Du khách đến tham quan trang trại Đất Phương Nam. Ảnh: Nguyễn Luân/VNP



Khung cảnh tại trang trại Đất Phương Nam được tạo tác như một miền quê Nam Bộ, rất yên bình và gần gũi với thiên nhiên. Ảnh: Nguyễn Luân/VNP



Ngôi nhà trong trang trại Đất Phương Nam luôn được trang trí theo phong cách hoài cổ giống như nhà cổ ở Nam Bộ. Ảnh: Nguyễn Luân/VNP



Đất Phương Nam hiện nay trở thành một địa chỉ thu hút nhiều người đến thưởng thức cà phê, tham quan, mua rau sạch và trải nghiệm sống tại trang trại.
Ảnh: Nguyễn Luân/VNP



Hồ sen trong trang trại Đất Phương Nam rất đẹp, là cảm hứng thu hút nhiều du khách đến tham quan, chụp hình và thưởng thức trà sen tại đây. Ảnh: Nguyễn Luân/VNP



Giao lưu Đờn ca tài tử, nhạc acoustic trong không gian đậm chất miền Tây tại Đất Phương Nam. Ảnh: Nguyễn Luân/VNP

Một hướng du lịch khác ở Long An là khám phá thành phố Tân An, thủ phủ của tỉnh này. Chỉ cách Tp. Hồ Chí Minh 47Km, du khách có thể đến với Tân An bằng nhiều phương tiện giao thông khác nhau. Nhiều địa chỉ du lịch văn hóa, khám phá hấp dẫn như: Chùa Thiên Phước cổ kính, bảo tàng tỉnh Long An trưng bày nhiều cổ vật quý hiếm, có ý nghĩa văn hóa nghệ thuật, Công viên tượng đài Long An rất ấn tượng, Lăng Nguyễn Huỳnh Đức – vị quận công được xem là khai quốc công thần thời nhà Nguyễn.

Ngoài ra, một số địa chỉ du lịch tư nhân mới được khai thác ở Long An như: điểm tham quan Đất phương Nam Organic Farm (Tp. Tân An), Công viên 7 kỳ quan thế giới (Đức Hòa), Khu du lịch Happyland (Bến Lức)… hiện đang rất được giới trẻ ưa chuộng.

Việc kích cầu và phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, liên kết du lịch đồng thời đảm bảo phù hợp, thích ứng trước tình hình dịch Covid-19 như hiện nay là điều mà Long An cần tập trung đẩy mạnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như mong muốn của tỉnh./.

 
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Lê Minh , Nguyễn Luân

Côn Đảo – đánh thức những tiềm năng

Côn Đảo – đánh thức những tiềm năng

Côn Đảo có thế mạnh là đảo tiền tiêu của Việt Nam lại rất gần các đường hàng hải quốc tế và có lợi thế lớn về phát triển kinh tế biển như du lịch biển, hậu cần nghề cá, dầu khí, vận tải biển… Nếu các tiềm năng này được đánh thức và có cơ chế thúc đẩy phát triển bền vững thì huyện đảo này sẽ sớm có cơ hội trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế biển của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Top