Đời sống Việt

Huấn luyện người Điếc khởi nghiệp

Lần đầu tiên những bạn trẻ câm điếc tại Việt Nam đã tham gia chương trình huấn luyện đặc biệt mang nhiều ý nghĩa xã hội, nhằm hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của mình thành mô hình khởi nghiệp được cộng đồng đón nhận.
Là một người Điếc tự lập khởi nghiệp, bằng những kinh nghiệm bản thân và mong muốn truyền cảm hứng sống tích cực cho những bạn trẻ điếc, Đỗ Hoàng Thái Anh (Giám đốc SC Deaf -Công ty phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu) đã tổ chức trại huấn luyện khởi nghiệp (Deaf Bootcamp) dành cho người Điếc lần đầu tiên tại Việt Nam với mong muốn giúp cho các bạn câm điếc có thể tự lập, tự chủ và thực hiện được ước mơ đứng vững giữa cuộc đời. Khóa huấn luyện nhận còn nhận được sự hỗ trợ từ chương trình "Đổi mới toàn cầu thông qua khoa học và công nghệ" (GIST) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chương trình iHub, Công ty HATCH và Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội (CSIE) thuộc ĐH Kinh tế Quốc dân. 

Deaf Bootcamp 2019 là chương trình đào tạo chuyên sâu cho người Điếc, giúp 25 em có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực. Trại huấn luyện đã thương mại hóa ý tưởng kinh doanh của các cá nhân bằng cách chia nhóm và tư vấn chuyên sâu, cách thức huấn luyện này giúp tăng giá trị kinh tế cho người Điếc trong nhóm và tạo ra những cơ hội việc làm tiềm năng cho các em.


25 bạn trẻ câm điếc tham gia Deaf Bootcamp 2019 với chương trình đào tạo giúp họ khởi nghiệp.


Anh Nguyễn Thái Thành - tấm gương phấn đấu khởi nghiệp đang truyền cảm hứng cho các bạn trẻ tại lớp huấn luyện.


Nhiều nhà tài trợ đồng hành cùng các bạn trẻ tại Deaf Bootcamp 2019.


Những học viên tham gia trại huấn luyện khởi nghiệp lần này được chia thành 4 nhóm.
Họ xây dựng dự án kinh doanh mới, thuyết trình và bảo vệ để nhận được những khoản hỗ trợ ban đầu nhằm triển khai thực hiện dự án.


Thành viên nhóm 4 với ý tưởng phát triển, kinh doanh trong lĩnh vực trò chơi tự tin thuyết trình dự án của nhóm với Ban giám khảo.


Không chỉ làm công việc chấm điểm, đánh giá, Ban giám khảo giàu kinh nghiệm
còn giúp các học viên giải quyết những vấn đề vướng mắc liên quan đến các ý tưởng kinh doanh.


Không khí vui vẻ của Deaf Bootcamp 2019.


Các nhóm với ý tưởng kinh doanh khác nhau được những người có kinh nghiệm hướng dẫn xây dựng dự án kinh doanh.


Tất các học viên Deaf Bootcamp 2019 đều giao tiếp bằng ngôn ngữ cử chỉ.



Niềm vui của nhóm đoạt giải nhất Deaf Bootcamp 2019 tại phút công bố kết quả chung cuộc.



Nhiều học viên chia sẻ sau khi tham gia Deaf Bootcamp 2019 họ thấy thêm tự tin và hứng khởi.


Các học viên và những người tổ chức chụp ảnh lưu niệm tại ngày bế giảng Deaf Bootcamp 2019.

Khóa huấn luyện kéo dài 8 ngày, diễn ra trong không khí sôi nổi, hào hứng và tràn đầy năng lượng. Những gương mặt của học viên ngời sáng lên sự thông minh và tự tin trong học tập. Các em được truyền cảm hứng và kinh nghiệm từ nhiều CEO đã lập nghiệp thành công. Điển hình như Đỗ Hoàng Thái Anh lập nghiệp với SC Deaf từ năm 2018, cung cấp dịch vụ phiên dịch qua video (VRS) đã kết nối gần 2,5 triệu cộng đồng người Điếc tại Việt Nam với nguồn thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu hạn chế. Khách hàng của SC Deaf là người Điếc Việt Nam, chiếm 2% dân số Việt Nam. Từ mô hình của mình, CEO Đỗ Hoàng Thái Anh giúp các bạn trẻ cách thức làm thuyết trình, cách tổ chức công việc cho hiệu quả, đặc biệt là rèn tính kiên nhẫn để tìm ra sự độc đáo trong mô hình kinh doanh. Còn Nguyễn Thái Thành, chủ Salon tiệm cắt tóc không lời cũng chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực làm đẹp. Đây là ngành dịch vụ mà nhiều bạn trẻ điếc rất thích. Thành giúp các bạn trẻ cách đam mê và khơi dậy bản năng sáng tạo của mình để có được sản phẩm đẹp cho khách hàng.

Ông Aaron Hatch (Người Mỹ), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty HATCH đã tham gia hỗ trợ các bạn điếc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp giai đoạn đầu tại Việt Nam. Ông rất vui mừng khi được nghe những thuyết trình về ý tưởng kinh doanh của các bạn điếc và luôn đón nhận cũng như cổ vũ các bạn tự tin với dự án của mình. Công ty HATCH đã ươm mầm và sẽ tài trợ tài chính cho các bạn điếc lập nghiệp.

Chị Trương Nam Thắng, Giám đốc 
Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội (CSIE) thuộc ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: "Mình ứa nước mắt khi nhìn vào cộng đồng SC Deaf đang gây dựng, các bạn doanh nhân xã hội người Điếc - những thanh niên chưa bao giờ ngừng nỗ lực, nếu các bạn ấy thành công 1 có nghĩa nỗ lực gấp 10 người thường. Mình thấy một hình ảnh vô cùng đẹp đẽ và nhân văn ở chương trình huấn luyện này, ở đó mọi người kết nối với nhau bằng ngôn ngữ của kịch câm, của ngôn ngữ cơ thể mạnh mẽ, quyết đoán và đầy đam mê. 3 ngôn ngữ được sử dụng ở đây là tiếng Việt, tiếng Anh và ngôn ngữ ký hiệu. Đến lớp học này, cả thầy và trò đều sáng ngời hạnh phúc vì được học, được kết nối và được giúp người khác".

Những dự án của các bạn trẻ đều rất gần gũi với cuộc sống thực tế. Ví dụ như em Trịnh Hồng Phương (1996), Nguyễn Phương Tú (2000) ước mơ mở tiệm bánh và cà phê. Ngô Huy Hiệp (1993) với dự án kinh doanh chuỗi nhà hàng ăn nhanh và rạp chiếu phim, Nguyễn Nhật Minh (2000) muốn mở salon và làm đẹp. Em Nguyễn Thị Phượng (1996) với dự án mở tiệm nail.

Để được cố vấn kinh doanh và truyền năng lượng tích cực từ nhiều CEO, các bạn trẻ tham gia khóa huấn luyện đã thành lập từng nhóm với những dự án kinh doanh mới. Sau khi thuyết trình, bảo vệ thành công sẽ được hỗ trợ và ứng dụng vào thực tế. Em Văn Phú đến từ nhóm ý tưởng thiết bị thông minh cho ngôi nhà của người Điếc cho biết: "Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn để hoàn thiện ý tưởng nhưng nhóm mình đã không bỏ cuộc, luôn cố gắng với tinh thần học hỏi cao nhất. Cuối cùng những nỗ lực của chúng mình đã được đền đáp khi là đội thắng cuộc của chương trình và dành được nguồn tài trợ. Chúng mình sẽ còn cố gắng hơn nữa để ý tưởng này được hiện thực hóa trong tương lai"./.
Bài: Bích Vân - Ảnh: Việt Cường

Bánh chưng xanh - Tết vì người nghèo

“Bánh chưng xanh - Tết vì người nghèo”

Mới đây, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) diễn ra chương trình “Bánh chưng xanh - Tết vì người nghèo”. Sự kiện đã thu hút hơn 200 đại biểu, bao gồm đại diện từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị trực thuộc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, sĩ quan và chiến sĩ Trường Đại học Trần Quốc Tuấn cùng 16 cộng đồng dân tộc thường xuyên sinh hoạt tại “ngôi nhà chung” và đông đảo du khách.

Top