Kinh tế

Hà Nội phát triển hệ thống chế biến nông sản

Ngành nông nghiệp Hà Nội đang tập trung phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp theo hướng gắn với thị trường và vùng nguyên liệu. 
Chế biến nông sản là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.  Những năm gần đây, công nghiệp chế biến nông sản của Hà Nội đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Hiện nay, Hà Nội có 2.689 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó có 400 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến. Hằng ngày, các cơ sở này cung cấp một lượng lớn thực phẩm đã qua chế biến cho người tiêu dùng.

Cùng với việc đầu tư công nghệ chế biến sâu, doanh nghiệp chế biên nông sản trên địa bàn đã thay đổi nhận thức về quản lý và giám sát an toàn thực phẩm trong toàn bộ quy trình sản xuất. Hiện tại, công nghiệp chế biến nông sản đã và đang giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động ở khu vực nông thôn, đóng góp không nhỏ trong việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thủ đô.


Toàn bộ quy trình sản xuất và đóng gói được Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh (xã Đốc Kính, Mỹ Đức, Hà Nội)
thực hiện theo công nghệ của Nhật Bản. Ảnh: VNP







Hà Nội có nhiều cơ sở chế biến các loại thực phẩm như cá, trứng, thịt lợn… đảm bảo đúng quy trình an toàn thực phẩm. Ảnh: VNP







Những cơ sở sản xuất các mặt hàng rau củ quả ở Hà Nội đã được đầu tư hệ thống phân loại, chế biến đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: VNP


Các xã viên HTX Hoàng Long (thôn Chi Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội)
đóng gói sản phẩm làm từ thịt lợn sạch như giò lụa, xúc xích, chả quế… Ảnh: VNP



Các sản phẩm nông sản sạch, đạt tiêu chuẩn của Hà Nội được bày bán tại nhiều siêu thị ở Thủ đô. Ảnh: VNP

Mặt khác, để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và giải quyết tình trạng nông sản ùn ứ khi vào vụ thu hoạch, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, truy xuất nguồn gốc nông sản, hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm chế biến nông sản sâu, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ cơ cấu lại ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp theo hướng gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung; đồng thời tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng... Các doanh nghiệp cần tổ chức liên kết sản xuất trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm để nâng cao khả năng cung cấp nguyên liệu cho khâu chế biến, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, ổn định mặt hàng. Các cơ quan chức năng giám sát quá trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản; lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ, thị trường… để dẫn dắt chuỗi liên kết.

Từ những thành công trên, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có 50% cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm rau, củ, quả, thịt, trứng, sữa… sử dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao, bảo quản sản phẩm theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến... Đến năm 2030, thành phố sẽ hình thành 15 khu (cơ sở) chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ hiện đại, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; phát triển một khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định một cửa hỗ trợ sản phẩm xuất khẩu./.


“Thời gian tới thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, đạt giá trị cao, bền vững. Trong đó, chú trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội 
 
Bài và ảnh: VNP

Hoa khô mang câu chuyện ngôn ngữ

Hoa khô mang câu chuyện ngôn ngữ

Là sản phẩm Khởi nghiệp được Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội vinh danh trong “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp năm 2021”, Hoa khô Xavia làm từ bẹ ngô, lá cỏ, vỏ các loại quả, xương lá cây…thân thiện với môi trường của công ty Hoa khô Xavia đã vượt qua ranh giới không chỉ là sản phẩm trưng bày có giá trị kinh tế Xanh mà còn mang câu chuyện ngôn ngữ và giáo dục gắn với cuộc sống tinh thần của mỗi người.

Top