Sau nhiều năm tổ chức thành công, tạo được ấn tượng tốt với bạn bè quốc tế, chương trình “Du xuân hữu nghị” đã trở thành một điểm hẹn thường niên mỗi dịp đầu xuân, thu hút sự quan tâm của đông đảo các đại sứ, đại diện ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội. Điểm đến của chuyến du xuân năm nay là chùa Tây Phương, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây.
Du xuân đi lễ chùa đầu năm là một nét đẹp văn hoá tâm linh của người Việt khắp ba miền đất nước. Du xuân không chỉ đơn giản là tham quan, vãn cảnh miền đất Phật, mà còn để cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp, yên bình sẽ đến với người thân, bạn bè trong năm mới. Năm nay, hơn 300 đại biểu Việt Nam và quốc tế là các đại sứ và phu nhân, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam đã được đến thăm chùa Tây Phương - một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam với hơn nghìn năm tuổi, nằm trên địa phận huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nhiều nhà ngoại giao không bỏ lỡ cơ hội hiếm có này để đưa cả gia đình trải nghiệm không gian văn hóa đặc trưng của đất Việt.
Tại chùa Tây Phương, lãnh đạo huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã giới thiệu với các vị khách quốc tế về lịch sử cũng như những nét kiến trúc độc đáo của chùa Tây Phương. Tương truyền, ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ III sau công nguyên. Đến thế kỷ XVI, đời vua Lê Trang Tông (ở ngôi 1533-1588), chùa Tây Phương được xây dựng lại, gần với kiến trúc như hiện nay. Ngôi chùa này sở hữu nhiều kiệt tác mỹ thuật và điêu khắc tiêu biểu của thời Hậu Lê, có nhiều hiện vật quý được công nhận là Bảo vật quốc gia, trong đó bộ tượng Bát bộ Kim cương được coi là độc nhất vô nhị Việt Nam.
Chùa Tây Phương còn có tên gọi khác là Sùng Phúc Tự,
được xây dựng từ lâu đời và đã được trùng tu nhiều lần vào các thế kỷ 16, 17, 18 và 19.
Chùa Tây Phương tọa lạc trên núi Câu Lậu, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội),
cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km về hướng Tây Bắc.
Đại sứ Hi Lạp tại Việt Nam Nikolas Kanellos ngỡ ngàng trước khung cảnh ngoạn mục của chùa Tây Phương.
Các đại sứ và đại diện ngoại giao các nước tại Hà Nội dâng hương, trước khi tham quan chùa Tây Phương.
Các nhà ngoại giao quốc tê chiêm bái trước Ban thờ Đức Ông tại chùa Tây Phương.
Các nhà ngoại giao Ấn Độ lần đầu đến thăm chùa Tây Phương.
Chùa Tây Phương từ lâu là đã là điểm tham quan nổi tiếng của Hà Nội,
thu hút đông đảo du khách và phật tử thập phương đến chiêm bái Phật.
Chùa Tây Phương gồm ba nếp nhà song song, được bố trí thành chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng.
Cột chính của chùa được làm bằng gỗ lim, đặt trên đá xanh khắc hình cánh sen.
Trải qua nghìn năm lịch sử, Tây Phương cổ tự là nơi lưu giữ những kiệt tác hiếm có
của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo, bao gồm: chạm trổ, phù điêu và tạc tượng.
Chuyến hành hương về chùa Tây Phương giúp các đại sứ
và đại diện ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội khám phá những nét văn hóa tiêu biểu của xứ Đoài xưa.
Không gian yên tĩnh ở chùa Tây Phương giúp du khách có những phút giây thư giãn tâm hồn.
Những vị khách quốc tế ấn tượng với không gian cổ kính của chùa Tây Phương.
Các nhà ngoại giao quốc tế thích thú với phần trình diễn độc tấu đàn nhị tác phẩm Triệu bông hồng (nhạc Nga). |
Sau một vòng thăm quan 3 gian chùa Hạ, Trung và Thượng, các vị khách quốc tế dừng chân ở sân chính của chùa. Họ hào hứng chia sẻ ấn tượng của mình đối với ngôi chùa cổ của Việt Nam. Dưới bóng cây cổ thụ chùa Tây Phương, ông Saddi Salama – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Palestine tại Việt Nam, Phó trưởng đoàn ngoại giao quốc tế tại Hà Nội, chia sẻ với cánh phóng viên những kỷ niệm khó quên của ông với dải đất hình chữ S. Đại sứ Salama nói: “Chuyến đi thăm ngôi chùa ngàn năm tuổi này là cơ hội để những người nước ngoài như chúng tôi tìm câu trả lời về nền văn hóa sâu sắc của Việt Nam, được biết thêm về một di sản lịch sử thu hút sự quan tâm của du khách và bạn bè quốc tế. Sau chuyến đi này, chúng tôi có thêm ấn tượng tốt đẹp về đất nước đã ghi những trang sử vẻ vang trong thế kỷ XX”.
Cùng ngày, buổi giao lưu hữu nghị giữa các nhà ngoại giao quốc tế đã diễn ra trong không khí đầm ấm và thân mật, họ cùng thưởng thức những bài ca, điệu múa, bản nhạc đặc sắc của Việt Nam. Ngoài ra, chương trình ẩm thực với những món ăn truyền thống độc đáo của Hà Nội, như: bánh cuốn Thanh Trì, bún riêu cua, bún đậu… đặc biệt hấp dẫn các vị khách quốc tế.
Chương trình “Du xuân hữu nghị 2017” không chỉ mang đến cho các nhà ngoại giao quốc tế những trải nghiệm thú vị về những giá trị văn hóa đặc sắc và lòng mến khách của người dân thủ đô Hà Nội, mà còn mở ra những cơ hội hợp tác mới trong thời gian sắp tới./.
Thực hiện: Trần Hiếu