Ẩm thực

Cốm ngò Cần Giuộc

Đến đất Cần Giuộc, tỉnh Long An, chúng tôi không khỏi tò mò về một đặc sản nổi tiếng nơi đây, đó là cốm ngò. Chúng tôi đã tìm về nơi sản xuất cốm ngò có truyền thống hơn trăm năm nay - ngôi nhà của ông Huỳnh Hy, nằm ngay trong chợ Cần Giuộc (thị trấn Cần Giuộc), trước là địa danh chợ Trường Bình, nổi tiếng cùng với cuộc khởi nghĩa của các nghĩa sĩ Cần Giuộc.
Ông Huỳnh Hy kể lại, từ cuối thế kỷ 19, ông nội ông đã di cư tới đây rồi kết hôn với bà nội là người gốc Cần Giuộc. Đến đầu thế kỷ trước, cha cùng các cô chú của ông bắt đầu làm nghề làm cốm ngò ở vùng đất này và truyền lại cho con cháu đến tận bây giờ.

Ban đầu, ở Cần Giuộc, cốm ngò được bán cho những người dân sống quanh chợ Trường Bình làm đồ “cầm tay” khi uống trà. Từ đây, dần dần cốm ngò được các tay thương hồ xuôi theo sông Cầu Tràm ra Vàm Cỏ Đông đi khắp lục tỉnh Nam Kỳ. Về cái tên cốm ngò, ông Huỳnh Hy cho biết, được đặt theo cách trang trí của món ăn này khi người ta thường hay để lên trên nó vài lá ngò. Màu xanh của ngò nổi bật trên nền cốm vàng sậm vừa tạo cho cốm hương vị hấp dẫn hơn vừa tôn thêm sức hấp dẫn cho màu sắc món ăn, bởi người Việt thường thì vẫn ăn bằng “mắt” trước khi thực sự thưởng thức món ăn.
 

Cốm ngò là món ăn có vị thơm ngon quyến rũ thường được dùng với nước trà.

Cốm ngò được làm từ những nguyên liệu đơn giản như bột mì, mạch nha, gạo nếp, đường, dầu thực vật cao cấp...

Đun sôi mạch nha làm lớp áo ngọt dịu cho cốm ngò.

Trộn cốm liên tục trong lò.

Một mẻ cốm mới ra lò còn nóng hổi và thơm lừng mùi mạch nha.

Cốm sau khi "khoác" một lớp mạch nha được mang ra để nguội.

Cốm được rắc mè và chờ cho nguội hẳn mới đem đi cắt miếng.

Công đoạn cắt cốm.

Cốm được cắt thành từng miếng.

Đóng gói cốm ngò.

Cốm ngò được dùng làm quà biếu vào các dịp lễ tết và là món ăn chơi, mang hương vị đặc trưng của Cần Giuộc.

Cốm ngò là một món ăn hấp dẫn về hương vị nhưng làm ra nó thì không phải là những nguyên liệu cầu kỳ mà hết sức đơn giản, bao gồm: Bột mì, trứng vịt, đường, mạch nha, gạo nếp và dầu thực vật cao cấp. Theo ông Huỳnh Hy, bí quyết cho cốm ngò trở nên hấp dẫn là cách tạo ra khẩu vị ngọt, béo mà không ngán, ăn một lần thấy nhớ là muốn ăn thêm. Để cốm có độ xốp, độ béo, lại phảng phất hương thơm, yêu cầu việc pha chế phải khéo léo. Ngay lúc sản xuất cũng phải chọn thời điểm nhiệt độ ngoài trời không quá cao, vì thế, từ 3 giờ sáng, mọi người phải tiến hành các công đoạn từ khâu pha chế đến đóng gói bao bì.

Theo truyền thống, cốm ngò thường được bán trong quán nước nhưng ngày nay, khi đã trở nên phổ biến hơn thì cốm ngò còn có thể ăn trong gia đình như một món ăn bình thường. Trong những ngày giỗ chạp, người ta thường mang cho nhau những hộp cốm ngò thơm ngon để làm đồ cúng. Do vậy, hiện nay, vào dịp Tết Nguyên đán hay Rằm tháng Giêng, tháng Bảy, lò cốm ngò của ông Huỳnh Hy luôn ở trong tình trạng hoạt động hết công suất mà nhiều khi vẫn không đáp ứng nhu cầu thị trường. Cốm ngò giờ không chỉ được người dân Cần Giuộc mua để cúng bái, làm quà Tết mà còn là một thứ quà đặc sản cho những du khách gần xa mua về dành tặng cho người thân…./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân

Miến đen trộn chay

Miến đen trộn chay

Trong nền ẩm thực chay thì món miến đen trộn chay tưởng chừng đơn giản nhưng lại ẩn chứa hương vị phong phú và giá trị dinh dưỡng cao. Với sự kết hợp hài hòa giữa sợi miến đen dai giòn, rau củ tươi ngon và nước sốt đậm đà, món ăn này không chỉ phù hợp với người ăn chay mà còn là lựa chọn tuyệt vời cho những người đang ăn kiêng hoặc muốn thay đổi khẩu vị.

Top