Đời sống Việt

Biến tấu của xà phòng thủ công

Xà phòng thủ công ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, không chỉ bởi đem lại những lợi ích về sức khỏe mà còn trở thành sản phẩm nghệ thuật dưới sự sáng tạo của những người đam mê làm ra sản phẩm thân thiện với môi trường.
Chị Nguyễn Thị Thu Giang- chủ thương hiệu Mun House bắt đầu làm sản phẩm xà phòng thủ công từ năm 2012. Ban đầu chỉ là xem hướng dẫn trên các trang web nước ngoài rồi làm theo cho gia đình, bạn bè dùng với mong muốn đơn giản là có thể để những người thân của mình dùng sản phẩm xà phòng thủ công lành tính và thân thiện. Đến năm 2015, do có nhiều đơn đặt hàng, chị đã quyết định làm bán sản phẩm xà phòng thủ công thương hiệu Mun House.

Chị Giang cho biết, xà phòng thủ công đơn giản là muối với sự kết hợp của kiềm và axit béo trong các loại dầu thực vật. Vì thế, nguyên liệu quan trọng nhất là kiềm và axit béo. Ngoài ra có thêm các nguyên liệu phụ thân thiện và an toàn với da của người sử dụng để tạo mùi, màu đáp ứng theo yêu cầu của khách hàng.

Để làm bánh xà phòng thủ công thì công đoạn đầu tiên phải pha kiềm. Pha kiềm là công đoạn nguy hiểm nhất vì kiềm là hóa chất mạnh, độ kiềm cao và chỉ sơ xuất nhỏ là bị bỏng, nên mỗi lần pha kiềm thì người làm phải mặc đồ bảo hộ cẩn thận. Trong lúc đợi kiềm nguội, người làm sẽ phải chuẩn bị dầu. Mỗi loại dầu khác nhau thì sẽ làm ra những bánh xà phòng thủ công có đặc tính khác nhau, thậm chí tỉ lệ khác nhau cũng sẽ cho đặc tính khác nhau. Cho nên điều này đòi hỏi chị Giang phải lên công thức tỉ lệ phù hợp với sản phẩm khách hàng lựa chọn theo nhu cầu của da, xà phòng tạo ít bọt hay nhiều bọt, mùi như nào…



Bén duyên với công việc làm xà phòng thủ công từ năm 2012, chị Nguyễn Thị Thu Giang đã mang các sản phẩm xà phòng thủ công của mình
đến được với nhiều gia đình bởi công thức độc đáo với sự hòa quyện của nhiều mùi hương khác nhau. Ảnh: Khánh Long


Theo chị Giang, công thức để làm ra mỗi bánh xà phòng thủ công không giống nhau
bởi mỗi khách hàng sẽ có những sở thích, mùi hương, nhu cầu sử dụng khác nhau. Ảnh: Khánh Long


Trộn lẫn các nguyên liệu với nhau theo đúng tỉ lệ, sau đó sẽ đánh đều đến khi có độ sánh nhất định. Ảnh: Khánh Long


Dung dịch lỏng xà phòng sẽ được đổ vào khuôn rồi trang trí theo từng sở thích, nhu cầu người sử dụng. Ảnh: Khánh Long


Xà phòng sau khi cắt thành bánh nhỏ sẽ đem phơi từ 2 đến 3 tuần, trước khi đến với tay người sử dụng. Ảnh: Khánh Long


Chị Giang đang kiểm tra lại những mẻ bánh xà phòng trước khi đến tay người tiêu dùng. Ảnh: Khánh Long



Sản phẩm xà phòng thủ công đều được làm từ những chất liệu tự nhiên nên đảm bảo an toàn cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Ảnh: Khánh Long

Sau khi kiềm đã nguội và lên được tỉ lệ dầu dùng hợp lý thì sẽ dùng máy trộn cầm tay đánh đều lên cho đến khi nó tạo được thể đặc dần. Quá trình này sẽ làm kiềm phản ứng hết và hoàn toàn không xuất hiện trong dung dịch xà phòng thành phẩm. Trong quá trình đánh dung dịch này, đòi hỏi người làm phải để ý đến thời điểm vừa đủ phải đổ dùng dịch vào khuôn, bởi nếu đánh quá lên dung dịch đặc nhanh sẽ ko kịp đổ vào khuôn, dung dịch chưa kịp đặc mà đã đổ vào khuôn thì nó sẽ bị tách nước.

Ngoài ra, tùy theo yêu cầu về hình thức để chọn dùng các khuôn khác nhau. Chính vì vậy mà khác với bánh xà phòng công nghiệp, bánh xà phòng thủ công mang nhiều hình dáng khác nhau, đó có thể là bức tranh hay hình những chiếc bánh, hình các con vật… Trong quá trình đánh dung dịch, người làm sẽ làm quá trình đặc lại chậm đi bằng việc chọn loại dầu và nguyên liệu để trang trí cho phù hợp theo yêu cầu. Thường thì các nguyên liệu sử dụng sẽ là thực phẩm quen thuộc thường ngày như mật ong, đất sét, trứng gà, mật ong, sữa, tía tô… Các bánh xà phòng thường sẽ được bà chủ thương hiệu Mun House tạo mùi bằng việc trộn lẫn các tinh dầu với nhau như bưởi, oải hương, hương thảo, thông, quế, xả, cam…













Các mẫu mã đa dạng từ hình thức đến mùi hương của bánh xà phòng thủ công. Ảnh: Tư liệu

Bánh xà phòng thủ công có đặc điểm trong quá trình phản ứng xà phòng hóa tạo thành glixerin thực vật là chất dưỡng da khá là tốt nhưng lại nhanh hút nước. Vì vậy, các bánh xà phòng này sẽ mềm hơn bánh xà phòng công nghiệp nên sẽ khiến khách hàng dùng nhanh hết. Do đó, chị Giang thường hay tặng túi tạo bọt cho khách hàng mua bánh xà phòng của Mun House để khi dùng xong chỉ treo nó lên sẽ ráo nước và bánh xà phòng ko bị tan ra.

Đến nay, nhờ vào các yếu tố được làm hoàn toàn từ thiên nhiên lành tính, không chứa chất bảo quản hay chất tạo màu hay chất tạo bọt, làm sạch dịu nhẹ và giữ ẩm cho da, các sản phẩm xà phòng thủ công của Mun House được bán ra với giá 120 nghìn đồng với các hình thức, mẫu mã, hương thơm phong phú và cho đủ các lứa tuổi khách hàng khác nhau sử dụng./.
Bài: Ngân Hà- Ảnh: Khánh Long & NVCC

Choáng ngợp trước thành phố lăng mộ ở Huế

Choáng ngợp trước “thành phố lăng mộ” ở Huế

Tuy không phải là địa chỉ du lịch nhưng khu nghĩa trang của làng An Bằng ở Cố đô Huế lại nổi tiếng đến độ nhiều du khách nước ngoài đã cất công tìm đến tận nơi để được mục sở thị những ngôi lăng mộ của người dân nhưng mang vẻ đẹp xa hoa, tráng lệ không kém gì lăng tẩm của các bậc vua chúa ngày xưa.

Top