Kinh tế

7 bài học xây dựng thương hiệu Bibo Mart

Để có được vị thế dẫn đầu thị trường trong ngành hàng mẹ và bé như ngày hôm nay, theo chia sẻ của bà Trịnh Lan Phương - người sáng lập thương hiệu Bibo Mart: “Đó là một chặng đường vô cùng thách thức”. Với kinh nghiệm trên 10 năm hoạt động trong ngành, câu chuyện thành công của Bibo Mart được bà Phương đúc kết trong 7 bài học.
Bài học đầu tiên là “kiên trì sai và sửa sai”. Ngay cả bây giờ, khi Bibo Mart đã là doanh nghiệp được định giá 142 triệu USD, sai lầm vẫn luôn có. Bà Phương nhấn mạnh: “Đừng sợ sai! Những người thành công là những người không sợ sai”.

Bài học thứ hai, theo bà Phương đó là đừng chờ đợi một thời điểm hoàn hảo để bắt đầu, bởi “cơ hội sẽ không đợi bạn sắp xếp cuộc sống ổn thỏa, nó sẽ tuột khỏi bạn nếu bạn không biết nắm bắt nó”.

Bài học thứ ba đó chính là sự bền bỉ và lì đòn. Bibo Mart cũng như bất cứ doanh nghiệp nào, để đi đến thành công như ngày hôm nay, cũng đều phải trải qua một giai đoạn khởi đầu vô cùng khó khăn và thách thức.

Bài học thứ tư mà bà chủ Bibo Mart muốn gửi gắm đó chính là “hãy bắt đầu với mục tiêu nhỏ”. Đây là cách mà bà Phương đã đưa Bibo Mart đi trong quãng thời gian khởi nghiệp. Đặt ra mục tiêu nhỏ và hoàn thành nó, sau đó mới nâng dần thành mục tiêu lớn hơn. Đó là cách tránh được những cú ngã đau.

Bài học thứ năm là vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực. Theo bà Phương, đây là khó khăn đầu tiên của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, do trong nước chưa có các cơ sở đào tạo cung ứng ngành nhân lực bán lẻ có chất lượng. Chính vì vậy, Bibo Mart đã mạnh tay chi tiền để chiêu mộ nhân tài. Hiện nay, mặc dù đã trở thành một "ông lớn" trong ngành bán lẻ, Bibo Mart vẫn dành đến 30% thời gian để đào tạo nhân sự (6-10 buổi/tháng).

Bài học thứ sáu đó là “xây dựng thương hiệu bằng văn hóa doanh nghiệp”. Bà chủ Bibo Mart khẳng định: “điểm khác biệt của Bibo Mart chính là văn hóa doanh nghiệp”. Trong các khóa đào tạo nội bộ, Bibo Mart đã truyền tải sứ mệnh, bộ quy tắc ứng xử, giá trị cốt lõi, … đến tất cả các cấp bậc để đồng nhất cách nghĩ, cách ứng xử trong tập thể Bibo Mart.

Bài học thứ bảy đó là “liên tục học hỏi và đặt những mục tiêu lớn”. Học hỏi để làm mới mình, để mở rộng tầm nhìn cho chính chủ doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ. “Và khi doanh nghiệp của bạn đã vào đà tăng trưởng rồi, thì để thực sự trở lên lớn mạnh, chủ doanh nghiệp cần phải nghĩ lớn”, bà Phương nhấn mạnh.


Bibo Mart là thương hiệu dẫn đầu thị trường trong ngành kinh doanh đồ dùng mẹ và bé.


Bibo Mart đã xây dựng chuỗi siêu thị đáp ứng mọi nhu cầu của các bà mẹ có con nhỏ từ 0 – 6 tuổi.


Khách hàng của Bibo Mart chủ yếu là các bà bầu và các cặp vợ chồng đang có dự định sinh con.


Vừa qua, Bibo Mart đã được các tập đoàn tài chính uy tín trên thế giới định giá 142 triệu USD.


Các loại quần áo cho trẻ sơ sinh của Bibo Mart rất phong phú về mẫu mã và đàm bảo chất lượng.


Góc đồ chơi phát triển trí tuệ tại siêu thị của Bibo Maart.


Một góc quầy bán đồ chơi cho trẻ nhỏ.


Không chỉ có đồ dùng cho trẻ nhỏ, mà tại Bibo Mart các bà mẹ tìm cho mình được
các đồ dùng cần thiết trong thời kỳ nuôi con nhỏ.



 Nhân viên Bibo Mart cung cấp những kiến thức
về chăm sóc sức khỏe cho trẻ sơ sinh và sức khỏe sinh sản của phụ nữ trước khi sinh.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, hiện nay thị trường bán lẻ sản phẩm mẹ và bé của Việt Nam có quy mô lên đến 7 tỷ USD/năm. Minh chứng rõ ràng cho điều này chính là việc thời gian vừa qua, một số thương hiệu lớn của nước ngoài trong ngành hàng này đã hiện diện tại thị trường Việt Nam.
 
CEO Bibo Mart, bà Trịnh Lan Phương là người đã nhìn thấy cơ hội đó trong kinh doanh. Nhưng câu chuyện khởi nghiệp của bà Phương còn đặc biệt hơn, bởi trong quá trình nuôi con nhỏ, bà Phương vừa phải chạy đi chạy lại nhiều nơi để sắm sửa đồ dùng cần thiết cho con. Bà Phương đã nảy ra ý tưởng xây dựng mô hình bán lẻ “One Stop Shop”– nơi các ba mẹ có thể mua được đầy đủ các sản phẩm cần thiết và chất lượng cho con. 
 
Cuối năm 2005, cửa hàng Bibo Mart đầu tiên ra đời tại khu đô thị Mỹ Đình 2, với diện tích 64 m2. Vốn khởi nghiệp ban đầu của bà Phương là 130 triệu đồng. Cửa hàng đầu tiên chỉ có bà Phương là người sáng lập cùng với một nhân viên.
Sau 12 năm thành lập, Bibo Mart hiện đã có 150 cửa hàng, doanh thu trên 100 triệu USD. Vừa qua, Bibo Mart đã được các tập đoàn tài chính uy tín trên thế giới định giá 142 triệu USD. 

Với 7 chìa khóa này, bà Phương đã đưa Bibo Mart dần chinh phục được thách thức khi kinh doanh trong ngành bán lẻ. Hiện, Bibo Mart có trung tâm phân phối rộng 5.000 m2, đội ngũ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp được quản lý bởi hệ thống đánh giá chỉ số hài lòng của khách hàng (Net Promoter Score).

Chia sẻ về chiến lược phát triển kinh doanh trong thời gian tới, Bà Trịnh Lan Phương cho biết, năm 2017, Bibo Mart sẽ tăng số lượng cửa hàng lên con số 180. Vào cuối năm 2019, số cửa hàng sẽ là 500, đạt doanh thu tối thiểu 300 triệu USD và giá trị doanh nghiệp đạt 500 triệu USD./.


Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Công Đạt

Làm lọ hoa, ấm chén thủ công- Phát triển kinh tế từ mô hình gia đình

Làm lọ hoa, ấm chén thủ công- Phát triển kinh tế từ mô hình gia đình

Làm gốm thủ công là nghề truyền thống của gia đình anh Đức Khoa, chị Vũ Hải. Họ đi lên từ sự tần tảo lao động và tiếp nối nghề Gốm của vùng đất Bát Tràng. Phát triển mô hình kinh tế gia đình từ làm Gốm thủ công sáng tạo những sản phẩm như lọ hoa, ấm chén.. là một hướng đi giúp sinh kế bền vững và tạo dựng thương hiệu cá nhân của người làm Gốm Việt Nam hôm nay.

Top