Kinh tế

Tiếp đà cho thị trường bất động sản từ chính sách

Nhiều chính sách mới tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, trong đó có Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Cùng với các chính sách về tín dụng cho vay, điều này được kì vọng sẽ tạo “cú huých” giúp thị trường phát triển ổn định, bền vững.
Kỳ vọng dòng tiền từ nước ngoài
Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, cho phép người nước ngoài được mua đến 30% số căn hộ tại một dự án. Dự thảo Nghị định của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số điều của Luật Nhà ở còn cho phép người nước ngoài có thể được gia hạn thời gian sở hữu nhà thêm 50 năm sau khi đã hết thời hạn sở hữu 50 năm ban đầu. Điều này được các chuyên gia đánh giá sẽ “mở toang” cánh cửa cho người nước ngoài có tiền mua nhà Việt Nam.

Theo TS Lê Chí Hiếu, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã mở rộng đối tượng được sở hữu nhà, đặc biệt là đối với người nước ngoài, chỉ cần được cấp thị thực nhập cảnh vào Việt Nam là có thể mua nhà. “Thay đổi tích cực này phần nào thúc đẩy nguồn cầu của thị trường BĐS, khuyến khích nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam và góp phần giải quyết vấn đề về vốn hay tồn kho trên thị trường hiện nay”, ông Hiếu cho biết.



Luật Nhà ở (sửa đổi) khiến thị trường bất động sản sẽ trở nên sôi động hơn, đặc biệt mở rộng cửa cho người nước ngoài
mua nhà tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Chính


Với lượng kiều hối về Việt Nam tăng dần theo các năm, việc mở cửa cho người nước ngoài, trong đó có Việt kiều
đầu tư vào BĐS tại Việt Nam để đón dòng tiền này cũng sẽ  tác động đến thị trường BĐS. Ảnh: Trọng Chính


Một dự án căn hộ của  Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House),
một trong những  một tập đoàn bất động sản lớn mạnh hàng đầu Việt Nam.  Ảnh: Kim Phương

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong quý I/2015, số giao dịch BĐS thành công tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đạt lần lượt khoảng 4.250 và 3.950 giao dịch, tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2014. Giao dịch căn hộ cao cấp chiếm 26% tổng lượng giao dịch, trong khi quý trước chỉ là 14%.
Một xu hướng mấy năm gần đây tác động đến thị trường BĐS không thể không nhắc đến, đó là kiều hối về Việt Nam tăng dần theo năm. Việc mở cửa cho người nước ngoài, trong đó có Việt kiều, đầu tư vào BĐS tại Việt Nam được cho là đúng thời điểm để đón dòng tiền này. Một chuyên gia từ quỹ đầu tư của VinaCapital nhận định, bên cạnh mua nhà để ở thì mua để cho thuê là một lựa chọn hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác vì cho thuê đảm bảo sẽ mang lại nguồn thu nhập tiềm năng, hợp lý cho nhà đầu tư. Nhờ đó, thị trường cho thuê sắp tới sẽ phát triển mạnh mẽ và hỗ trợ tích cực cho sự phát triển chung của thị trường.

Mặt khác, những chính sách về tín dụng thông thoáng thời gian qua cho phép doanh nghiệp (DN) chủ động kết nối với các ngân hàng tạo ra những gói vay với thời gian và lãi suất linh động, hỗ trợ cho người mua nhà. Ước tính, 80% người mua nhà có nhu cầu vay ngân hàng, trong khi đó, hiện nay các ngân hàng và chủ đầu tư hỗ trợ khách hàng thông qua các khoản vay dài hạn hơn, tiến độ thanh toán linh hoạt với mức hỗ trợ lên tới 70 - 80%. Lãi suất thấp cũng là một trong những cơ sở để người dân quyết định mua nhà.

DN chuyên nghiệp hơn
Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) quy định vốn pháp định (mức vốn tối thiểu phải có để có thể thành lập một DN) trong lĩnh vực kinh doanh BĐS không dưới 20 tỷ đồng. Vốn tự có khi thực hiện đầu tư dự án của chủ đầu tư không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha và không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô từ 20 ha trở lên. Điều này nhằm loại bỏ những DN yếu kém khỏi thị trường, hạn chế tình trạng huy động vốn trái phép của DN như đã từng xảy ra trên thị trường BĐS.

Theo TS Lê Chí Hiếu, mức vốn khá cao này sẽ giúp thị trường chọn lọc những chủ đầu đầu tư thật sự có năng lực tài chính trong lĩnh vực BĐS, loại bỏ những chủ đầu tư kiểu “tay không bắt giặc”.

Còn theo ông Trần Ngọc Quang, quyền Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, Luật kinh doanh BĐS (sửa đổi) với nhiều quy định mới rộng rãi hơn trong việc chuyển nhượng dự án sẽ khiến thị trường mua bán dự án sôi động hơn. Tuy nhiên, để đón đầu xu hướng này thì bản thân các DN BĐS phải tự thay đổi, khắc phục các điểm yếu về tiềm lực tài chính, năng lực quản lý, trình độ nguồn nhân lực…



Sàn giao dịch bất động sản của SSG Group  (92 Nguyễn Văn Trỗi, Q. Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh). Ảnh: Kim Phương


Khu biệt thự Saigon Pearl – Villas với 126 biệt thự cao cấp ven sông được thiết kế tinh tế
và chuẩn mực của Tập đoàn SSG (SSGgroup). Ảnh: Kim Phương


Tập đoàn SSG (SSGgroup) nổi tiếng bởi các dự án căn hộ cao cấp như Saigon Pearl, Thảo Điền Pearl,
Saigon Airport Plaza, SSG Tower, Cape Pearl, Mỹ Đình Pear…
đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo Tp. Hồ Chí Minh về hạ tầng đô thị. Ảnh: Kim Phương


Khu biệt thự cao cấp của Tập đoàn SSG. Ảnh: Kim Phương

Trước đó, Nghị quyết 61/NQ-CP bổ sung Nghị quyết số 02 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu được Chính phủ ban hành cũng đã tạo nên sự thay đổi cho thị trường. Các DN đầu tư BĐS theo phong trào, những nhà đầu tư yếu vốn, thiếu kinh nghiệm, những nhà đầu tư chỉ chăm chăm “lướt sóng” kiếm lợi đã dần bị loại khỏi cuộc chơi. Các DN còn lại hoạt động ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Có thể thấy, thời gian qua, các DN đã có sự điều chỉnh về cơ cấu hàng hóa, chất lượng sản phẩm của mình. Nhiều DN nỗ lực triển khai xây dựng dự án, đồng thời đưa ra phương thức thanh toán linh hoạt như chỉ cần trả 30-50% trên tổng giá trị căn hộ là người mua có thể nhận nhà, phần còn lại có thể thanh toán chậm trong vòng 1-3 năm, thậm chí không phải trả lãi suất.

Như vậy, có thể thấy, với sự định hướng của những chính sách mới, thị trường BĐS đang đi đúng hướng và hứa hẹn sẽ phát triển bền vững thời gian tới.
Hoàng Dương (Báo Tin Tức/TTXVN)

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Với mong muốn giải quyết tình trạng thiếu cơ hội sinh kế và thu nhập thấp của thanh niên dân tộc thiểu số, Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản đã triển khai dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho Thanh niên dân tộc thiểu số tại Hà Giang và Lai Châu” giúp các thanh niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động có thêm kiến thức về phát triển kinh tế và mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.

Top