Xuất khẩu nông lâm sản Hà Nội năm 2023 đạt doanh thu 1,345 tỷ USD

Xuất khẩu nông lâm sản Hà Nội năm 2023 đạt doanh thu 1,345 tỷ USD

Trồng rau sạch công nghệ cao ở trang trại Hoa Viên ở Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: Ảnh: Hoàng Hà/ Báo ảnh Việt Nam

Trong những năm qua, Thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, tạo nguồn nguyên liệu có sản lượng lớn nhằm phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu nông lâm sản của Hà Nội đạt 1.345 triệu USD, trong đó hàng nông sản đạt 777 triệu USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ. Hiện nay, Thành phố có 13.474 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản, trong đó có trên 1.700 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản, với trên 250 doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, 1.421 hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thực hiện sơ chế, chế biến, bảo quản để phục vụ tiêu dùng ở địa phương.

Lễ ký kết thức đẩy xuất khẩu hàng nông sản do Sở NN & PTNT thành phố Hà Nội chủ trì giữa các doanh nghiệp.
Ảnh: Việt Cường/ Báo ảnh Việt Nam

Vì vậy, trong nội dung Chương trình phối hợp "Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021-2025" đã nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, quy mô các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của Hà Nội và các tỉnh, thành phố theo chuẩn mực quốc tế nhằm phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu nông sản chủ yếu châu Âu, Mỹ, châu Á...

Để kiểm soát chất lượng và nâng cao công tác xuất khẩu nông lâm thủy sản trên địa bàn, các đơn vị ngành nông nghiệp đã tăng cường hoạt động giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm, 11 tháng năm 2023 đã lấy 1.984 mẫu các sản phẩm nông lâm thủy sản, trong đó có 306 mẫu có nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố, kết quả 94% mẫu đạt.

Ngoài ra,  Hà Nội còn khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở xây dựng, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiến tiến trong sản xuất chế biến thực phẩm như VietGAP, HACCP, ISO 22000 nhằm nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm. Tính đến nay riêng ngành nông nghiệp Hà Nội lũy kế đã hỗ trợ được 95 cơ sở xây dựng, áp dụng và được cấp chứng nhận chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo HACCP và 45 cơ sở được hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ.


Thành phố Hà Nội đã được cấp 16 mã số vùng trồng cây ăn quả và 04 cơ sở đóng gói với công suất từ 30-50 tấn/ngày/cơ sở để phục vụ xuất khẩu, trong đó 08 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 08 mã số cấp cho vùng trồng nhãn. Trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục phát triển nhiều sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu như trên 7.000 ha lúa Japonica; 3.200 ha chuối tiêu hồng; trên 5.000 ha rau an toàn; 50 ha rau hữu cơ và nhiều sản phẩm chế biến có tiềm năng xuất khẩu….

Đến nay, Thành phố đã tổ chức đánh giá, xếp hạng đối với 1.871 sản phẩm OCOP, trong đó có 20 sản phẩm tiềm năng 5 sao xuất khẩu, 1098 sản phẩm đạt 4 sao, 534 sản phẩm đạt 3 sao, trong đó có 1.162 các sản phẩm thực phẩm được công nhận OCOP. Một số sản phẩm nông sản của Hà Nội, có chất lượng cao và xuất khẩu đi các nước như nhãn muộn Đại Thành - Quốc Oai xuất khẩu đi Mỹ; Gạo hữu cơ Đồng Phú xuất khẩu đi Đức; Rau Văn Đức xuất khẩu Hàn Quốc; Chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc...


Hà Nội tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm hỗ trợ truyền thông, quảng bá, minh bạch thông tin, nguồn gốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh đến người tiêu dùng, điển hình là qua “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (check.hanoi.gov.vn). Đến nay, hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn, cấp mã tài khoản quản trị cho hơn 3.275 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn, cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho trên 12.286 mã sản phẩm, trong đó có trên 2.000 mã sản phẩm có nguồn gốc của 48 tỉnh, thành phố liên kết trong Hệ thống của Hà Nội./.

Hà Nội có sản lượng hàng năm trên 700 nghìn tấn rau, củ; trên 1 triệu tấn lương thực; đàn lợn 1,4 triệu con, đàn gia cầm đạt 33 triệu con (đứng đầu cả nước). Hà Nội có 48 vùng lúa, 127 vùng rau, 87 vùng cây ăn quả, 102 vùng nuôi trồng thủy sản, 128 vùng chăn nuôi trọng điểm, tập trung.

 Bài và ảnh: Hoàng Kỳ 


Top