Thiết lập chuỗi lúa gạo bền vững cho nông hộ Đồng bằng sông Cửu Long

Thiết lập chuỗi lúa gạo bền vững cho nông hộ Đồng bằng sông Cửu Long

Việt Nam là đất nước có những lợi thế đặc biệt trong sản xuất lúa gạo, trong đó 1,5 triệu hộ dân sản xuất lúa quy mô nhỏ tại Đồng bằng sông Cửu Long  (ĐBSCL) hiện đang cung cấp hơn một nửa tổng sản lượng lúa gạo của Việt Nam. Nhằm thiết lập chuỗi giá trị gạo cho năng suất cao, bền vững, có thể truy xuất nguồn gốc ở ĐBSCL, Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) và Tập đoàn SunRice đang cùng hợp tác đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), với đối tượng hưởng lợi chính là các hộ nông dân trồng lúa quy mô nhỏ.

Nhằm thiết lập chuỗi giá trị gạo xuất khẩu bền vững, Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR)
và Tập đoàn SunRice đã hợp tác đầu tư kết hợp cùng các hộ nông dân trồng lúa quy mô nhỏ. Ảnh: Khánh Long

Thượng nghị sĩ Tim Ayres cho biết: “Nông nghiệp tại Australia chịu tác động của biến đổi khí hậu. Tuy có một số đặc điểm của thách thức của môi trường khá khác biệt nhưng tác nhân dẫn đến chúng là tương tự. Việt Nam và Australia có những tương đồng có thể chia sẻ về khoa học, hợp tác kỹ thuật, quy trình sản xuất giống cây trong. Vì vậy, chúng tôi mong muốn học hỏi, hợp tác lẫn nhau để sản xuất lúa bền vững, hiệu quả hơn”.

Dự án “Hoạch định và xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững cho các nông hộ sản xuất quy mô nhỏ tại ĐBSCL” dưới hình đầu tư PPP giữa ACIAR và Tập đoàn SunRice triển khai để thiết lập chuỗi giá trị lúa gạo cho năng suất cao, bền vững, có thể truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng cho xuất khẩu ở ĐBSCL. Thông qua dự án này, các nông hộ sản xuất lúa gạo sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp cận với các khách hàng của SunRice trên toàn cầu.


Hoạt động nhân giống nghiên cứu các phương pháp mới nhằm nâng cao khả năng kháng bệnh trên cây lúa. Ảnh: Khánh Long

Tiến sĩ Jaquie Mitchell và đội ngũ chuyên gia đa ngành thuộc Đại học Queensland, Australia là đơn vị được ủy quyền hợp tác với các đối tác nghiên cứu của Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL thuộc Đại học Cần Thơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang và tập đoàn SunRice để triển khai dự án.


Dự án tập trung vào các đối tượng nông hộ nhỏ, các nhóm nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ. Dự án cũng có một hợp phần nghiên cứu được triển khai ở Bắc Australia nhằm hỗ trợ cho các hoạt động nhân giống tại Việt Nam. Cụ thể, tại Việt Nam, Viện Lúa ĐBSCL sẽ lai tạo và phát triển giống lúa Japonica hạt ngắn cho năng suất cao, chịu được các áp lực sinh học và phi sinh học và đáp ứng các yêu cầu 21 chất lượng cao của các thị trường quốc tế của SunRice.

Đồng thời, hoạt động nhân giống ở Australia sẽ nghiên cứu việc sử dụng các phương pháp tiếp cận di truyền thế hệ mới hỗ trợ đánh dấu và chọn lọc bộ gen trong giai đoạn tiền nhân giống, nhằm hỗ trợ công tác nhân các giống có khả năng kháng bệnh trên cây lúa. Các kết quả nghiên cứu nhân giống ở Australia sẽ được chia sẻ với chương trình nhân giống ở Việt Nam để hỗ trợ phía Việt Nam áp dụng các công nghệ mới trong nghiên cứu các giống phù hợp với khí hậu nhiệt đới.


Nhóm nông dân tham gia dự án được khuyến khích sản xuất lúa gạo áp dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất bền vững với các chỉ số đo lường thuộc bộ quy chuẩn canh tác bền vững (SRP). Qua việc áp dụng các tiêu chí sản xuất bền vững SRP và các thực hành khác liên quan đến sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và tưới tiêu, các nông hộ sẽ biết sử dụng hệ thống đánh giá và các phương thức sản xuất tương tự trong tương lai.

Bên cạnh đó, nhóm nông dân tham gia dự án còn được tìm hiểu các kỹ thuật mới về sản xuất và công nghệ sau thu hoạch, giúp thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu giá trị cao của SunRice. Đặc biệt, SunRice có nhà máy xay xát và chế biến lúa gạo đặt tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp để thu mua lúa cho nhóm các hộ dân tham gia dự án nên tư duy sản xuất cũng như cơ hội kinh tế cho người dân ngày càng đổi thay.


Chú Mười Một (ấp Tân An, xã Bình Thành Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Gia đình tôi có 7ha ký hợp đồng cung cấp cho Sunrice đã mấy mùa vụ nay, cứ đến lúc thu hoạch là cùng các hộ dân trong nhóm dự án chở đến nhà máy nên thu nhập cũng ổn định hơn rất nhiều so với hồi cứ bán cho thương lái”./.

Bài: Ngân Hà- Ảnh: Khánh Long & Tư liệu dự án cung cấp


Top