Văn hóa

Tết người Mông ở Vân Hồ

Khi những cánh hoa đào đầu tiên trên núi đá bung sắc đỏ báo mùa xuân về, người Mông ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La tưng bừng chuẩn bị các nghi thức, nghi lễ cho ngày Tết cổ truyền (từ 29 tháng 12 năm trước đến mùng 2 tháng Giêng âm lịch năm sau).
Khắp bản trên, làng dưới sửa sang lại bàn thờ, nhà cửa, nhộn nhịp giã bánh giầy, hong phơi những bộ váy áo mới nhất, đẹp nhất để đón Xuân về. Trong các nghi lễ ngày Tết của người Mông không thể thiếu gà trống vì theo truyền thuyết, gà trống tượng trưng cho thần mặt trời, ban phát ánh sáng và sự sống cho dân gian.

Truyền thuyết tộc người Mông ở Vân Hồ kể rằng, ngày xưa trên vùng đất mà người Mông sinh sống có đến 10 ông mặt trời chiếu rọi ngày đêm thiêu đốt nương rưỡng cây cỏ khiến mùa màng thất bát, cuộc sống cực khổ. Bỗng một hôm, có một người đàn ông trong trang phục của đồng bào ngang qua bản giương nỏ về phía 10 mặt trời bắn hạ. Đến mặt trời thứ 10, khi người này vừa giương nỏ lên thì mặt trời khiếp sợ chạy trốn. Từ đó, con người không nhìn ra nhau, nưỡng rẫy không trồng trọt được vì tăm tối. Không thể để bản làng cứ ngập chìm trong bóng đêm. Người Mông đã tìm mọi cách để gọi thần mặt trời về. Nhưng gọi mãi cũng chỉ là tiếng vô vọng đập vào đá núi. Bỗng một tiếng gà cất tiếng gáy, ánh sáng dần bừng từ phía xa góc núi, rồi nhô dần trong sương. Từ bấy đến nay, người Mông tôn thờ gà và họ coi đó là vị thần mặt trời thứ 2, trong tâm thức của người dân bản.


Hong phơi những bộ váy áo đẹp chuẩn bị đón Tết.


Nghi thức đánh chiêng, cúng gà gọi thần Mặt trời  vào sáng ngày Mồng Một Tết của người Mông.


Nghi thức cúng gà mời gọi tổ tiên và các vị thần linh của người Mông về vui Tết.


Trong 3 ngày Tết, người Mông dán giấy quanh nhà nhằm xua đổi tà ma.


 Trong thời khắc giao thừa, người Mông thường lấy giấy bản dán quanh người nhằm xua đuổi những điềm xấu và cầu may mắn trong năm mới.


Trong 3 ngày Tết, người Mông dán giấy lên công cụ lao động và đưa lên bàn thờ
nhằm tri ân những vật dụng này đã còng con người vất vả làm lục tạo ra của cải trong năm đã qua.


Đúng thời khắc giao thừa, những chàng trai Mông thường mang lễ vật lên mó nước đầu bản,
cảm tạ thần mó nước và lấy những thùng nước đầu tiên trong năm mới về cúng tổ tiên.


Mùa xuân về trong nụ cười móm mém của người già.


Hội ném pao vào ngày Tết của người Mông.


Hội kéo vợ vào ngày Tết của người Mông ở Vân Hồ.

Trong ba ngày Tết chính, người Mông có tục dán giấy lên các công cụ lao động hàng ngày và đưa lên bàn thờ như một sự tri ân đã giúp con người lao động, sản xuất trong năm vừa qua.

Thiêng liêng nhất là nghi thức đi lấy nước mới vào thời khắc giao thừa, họ mang theo một gói cơm mới đến mời thần mó nước về ăn Tết và xin thần ban cho năm mới nguồn mạch dồi dào để nuôi sống con người và phục vụ mùa màng. Sau đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức rượu ngô thơm lừng, bánh giầy làm bằng nếp nương dẻo thơm. Tết của người Mông là dịp để trẻ em vui chơi các trò chơi truyền thống của mình như đánh tu lu (đánh cù), ném pao, đẩy gậy, đánh cầu lông gà… Đây cũng là dịp nam nữ thanh niên tìm hiểu nhau qua trò chơi ném pao để năm tới có thể nên vợ, nên chồng.

Ngày Tết của người Mông cũng đồng nghĩa với ngày hội đoàn kết, đưa các cá nhân trong cộng đồng xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn để chung sức xây dựng và phát triển bản, mường./.

 
Thực hiện: Hải Yến


Top