Văn hóa

SNV phát triển mô hình biogas ở Việt Nam

Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) triển khai dự án khí sinh học biogas cho Việt Nam giai đoạn từ 2003 - 2015 đã được ứng dụng thành công tại 58 tỉnh, thành góp phần làm trong lành môi trường chăn nuôi, giảm thiểu chi phí sản xuất cho bà con nông dân.
Chúng tôi đến thôn Duyên Ứng, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đúng thời điểm đội thợ xây của anh Hồ Văn Hán đang hoàn thiện công trình khí sinh học cho gia đình chị Nguyễn Thị Sáu. Đây là công trình thứ 1020 mà anh Hán đã thi công tại địa phương. Là một người gắn bó với dự án khí sinh học từ năm 2006, anh Hán cho biết, khí sinh học góp phần làm sạch vệ sinh môi trường, cung cấp chất đốt và cung cấp thêm nguồn phân bón cho cây trồng.

Chương Mỹ là huyện ứng dụng biogas toàn diện vào trong các mô hình chăn nuôi gia đình. Người dân đều có ý thức sử dụng biogas và được tập huấn kỹ thuật từ dự án Khí sinh học do Cục Chăn nuôi và Tổ chức phát triển Hà Lan hỗ trợ.


Các chuyên gia của tổ chức SNV giới thiệu về quy trình ứng dụng của khí biogas cho các hộ gia đình chăn nuôi.


Bà Dagmar Zwebe, Giám đốc năng lượng của SNV cho biết: "Chương trình Khí sinh học
là dự án đăng ký theo Tiêu chuẩn Vàng tự nguyện, giúp cải thiện cuộc sống và công nghệ mang tính bền vững"



Công đoạn xây dựng hầm biogas theo hướng dẫn của tổ chức SNV.


Đội thợ xây hầm biogas do anh Hồ Văn Hán làm đội trưởng
đã xây dựng khoảng 1500 hầm biogas cho bà con nông dân huyện Chương Mỹ.



Biogas dùng trong nấu ăn giúp bà con nông dân tiết kiệm năng lượng.


Cán bộ của Tổ chức phát triển Hà Lan thực địa kiểm tra dự án ở Thái Bình (Ảnh: Tư liệu).


Cán bộ dự án khí sinh học hướng dẫn cho hộ nông dân tại Tp. Vinh (Nghệ An). Ảnh: Tư liệu


Các tài liệu, phim ảnh về dự án chương trình khí sinh học được cung cấp đầy đủ cho người nông dân. Ảnh: Tư liệu


Tổ chức SNV cắt băng khánh thành công trình khí sinh học thứ 100.000 tại Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Chương trình khí sinh học với sự hỗ trợ của chính phủ Hà Lan do SNV triển khai từ năm 2003 đến năm 2015 đã hoàn thành phủ rộng tại 58 tỉnh, thành của Việt Nam. Đến nay, SNV đã hỗ trợ xây dựng được trên 145.000 công trình khí sinh học mang lại lợi ích cho 725.000 người dân, đào tạo 1.064 kỹ thuật viên, 1.668 thợ xây khí sinh học và tổ chức hàng ngàn hội thảo tuyên truyền và tập huấn cho hàng trăm ngàn người sử dụng khí sinh học tại Việt Nam.

Tiến sĩ Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Giám đốc Dự án khẳng định: "Dự án tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của ngành khí sinh học Việt Nam bền vững hơn theo định hướng thị trường, duy trì đa lợi ích của các hộ gia đình chăn nuôi và cải thiện môi trường nông thôn”.

Dự án của SNV đã hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và phòng chống biến đổi của khí hậu. Năm 2010, Dự án được trao giải thưởng Năng lượng bền vững Ashden tại Luân Đôn cho những nỗ lực phổ biến công nghệ khí sinh học trong nước trên diện rộng với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống cho người nông dân Việt Nam. Năm 2012, Dự án một lần nữa được giải thưởng “Vì con người” của Diễn Đàn Năng lượng Thế giới 2012 tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất./.




 

Ông Steven Von Eije, cố vấn năng lượng tái tạo của Tổ chức phát triển
Hà Lan (SNV)

"Chương trình khí sinh học đã cung cấp một giải pháp biến đổi chất thải của Việt Nam thành một nguồn năng lượng bền vững phục vụ người nông dân và hộ gia đình. Với việc lắp đặt một công trình khí sinh học, các hộ gia đình giảm được trung bình 5 tấn khí CO2 phát thải/ năm và có thể giảm chi phí cho năng lượng lên đến 120 USD/ năm".
 


 
Bài: Bích Vân - Ảnh: Thanh Giang & Tư liệu


Top