Kinh tế

Nơi khởi đầu của những nhà doanh nghiệp

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp mới bắt đầu khởi nghiệp trong ngành chế biến và đóng gói thực phẩm, năm 2007 Vườn ươm Doanh nghiệp Chế biến và Đóng gói Thực phẩm Hà Nội (HBI) chính thức đi vào hoạt động. Đây là dự án thuộc “Chương trình hỗ trợ khu vực tư nhân Việt Nam” do EU tài trợ và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Vườn ươm doanh nghiệp là một mô hình được ứng dụng ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Mục đích của việc xây dựng các vườn ươm doanh nghiệp là nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp mới khởi nghiệp vượt qua khó khăn trong những năm đầu kinh doanh bằng nhiều cách như: đào tạo nghiệp vụ kinh doanh, tư vấn xây dựng nhà xưởng, kỹ thuật, mạng lưới tiêu thụ và văn phòng. Ở Việt Nam, vấn đề này cho đến nay vẫn còn khá mới mẻ.
 

Các doanh nghiệp trong vườn ươm tham gia khóa đào tạo quản lý chất lượng.


Các doanh nghiệp trong vườn ươm tham gia Hội thảo giải pháp nâng cao chất lượng và giảm chi phí trong sản xuất.


Trao đổi nghiệp vụ quản lý đào tạo với đối tác nước ngoài.

Qua 7 năm hoạt động, Vườn ươm Doanh nghiệp Chế biến và Đóng gói Thực phẩm Hà Nội (HBI) đã thu được những thành công đáng khích lệ. Với cơ ngơi rộng 10.000m2 đặt tại Khu Công nghiệp thực phẩm Hapro ở xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Hà Nội; trong đó có 8 xưởng sản xuất, 5 phòng phát triển sản phẩm, 1 phòng thí nghiệm vi sinh, 1 phòng thí nghiệm hoá học, 1 phòng thí nghiệm cảm quan và xưởng thực nghiệm với 3 dây chuyền sản xuất, chế biến các lợi thực phẩm như: thịt, rau, quả và các sản phẩm từ sữa, cùng hệ thống các văn phòng và thiết bị thông tin liên lạc hiện đại... HBI đã hỗ trợ cho gần 30 doanh nghiệp, tạo 200 việc làm mới cho lao động địa phương, mở 25 khóa đào tạo cho các nhà quản lý doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp trong số đó đã thành công, tạo được chỗ đứng trên thương trường. Điển hình như Công ty Nutricare với các sản phẩm về sữa bột, Công ty Hoàng Nam với sản phẩm giò chả, xúc xích, Công ty CP Công nghệ Việt Mỹ với sản phẩm trà xanh, Công ty Thủy sản Đại An với sản phẩm hải sản xuất khẩu... Ngoài ra, HBI cũng đã tổ chức thành công nhiều khóa đào tạo chuyển giao kiến thức cho hơn 1.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất và chế biến thực phẩm.

Mới đây, chúng tôi đã có chuyến tìm hiểu thực tế tại Vườn ươm ở Khu công nghiệp thực phẩm Hapro. Được biết, ở đây hiện có 10 doanh nghiệp đang tham gia khóa "ươm mầm" của Vườn. Ngoài cơ sở tại chỗ, Vườn ươm còn tổ chức cho các doanh nghiệp tham quan học tập kinh nghiệm tại nhiều mô hình lớn ở Anh như: Vườn ươm sinh học Norwich, Trung tâm Cải tiến kinh doanh Staffordshire và Black Country, Khu Công nghệ Thực phẩm Southglade, Vườn ươm doanh nghiệp Vương quốc Anh. Thông qua các chuyến đi, doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác và học hỏi mô hình kinh doanh từ nước bạn.

Anh Nguyễn Duy Nguyên, Giám đốc Công ty Thuỷ sản Đại An, một doanh nghiệp đã tốt nghiệp Vườn ươm cho biết, HBI thực sự là mảnh đất tiềm năng đối với những doanh nghiệp mới bước chân vào nghề. Từ đây, các doanh nghiệp có thể học hỏi được rất nhiều điều bổ ích trong việc phát triển và từng bước tạo dựng thương hiệu của mình.
 
Hình ảnh hoạt động của một số doanh nghiệp được sự hỗ trợ của Vườn ươm doanh nghiệp:

Sản phẩm bột ăn dặm của công ty Mabu Hikoji được sản xuất tại Vườn ươm doanh nghiệp Khu CN Hapro, Gia Lâm, Hà Nội.


Đóng hộp sản phẩm Sữa.


Quy trình sản xuất trà xanh và nước ép hoa quả của Công ty CP Công nghệ Việt Mỹ.


Một số sản phẩm trà xanh, nước ép hoa quả đóng chai của Công ty CP Việt Mỹ.


Vườn ươm doanh nghiệp cũng là nơi có hệ thống máy hiện đại
giúp quy trình đóng bao bì sản phẩm được nhanh gọn, tiện ích, hiệu quả.


Hệ thống tạo khuôn vỏ cho sản phẩm thạch rau câu của Công ty Euro Food.


Thạch rau câu của Công ty Euro Food với quy trình làm lạnh, khử trùng đảm bảo an toàn vệ sinh.


Sản phẩm Thạch Rau câu của Công ty Euro Food.


Kiếm tra và đóng gói sản phẩm giò chả của Công ty Thủy sản Đại An.


Kiếm tra nhãn mác sản phẩm sữa bột của công ty Nutricare.



Thiết bị tiệt trùng bằng ozon Model: OM – I của Công ty NutriCare.


Nhân viên Kiếm tra sản phẩm sữa trong kho của Công ty Nutricare tuân thủ đúng quy trình an toàn vệ sinh sản phẩm.
 

Kiếm tra và đóng gói sản phẩm hải sản đã làm lạnh theo quy trình khép kín.


Một số sản phẩm xúc xích của Công ty Hoàng Nam.

Được biết, các doanh nghiệp khi tham gia vào Vườn ươm được ưu đãi rất lớn, mức chi phí cho hạ tầng mà doanh nghiệp phải bỏ ra trong thời gian đầu ươm tạo là không đáng kể. Doanh nghiệp chỉ phải bỏ ra khoảng 20 triệu đồng/năm để sử dụng mặt bằng nhà xưởng với diện tích 240m2. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn được thuê các nhà xưởng, văn phòng, tiếp cận các phòng thí nghiệm với chi phí cho năm đầu chỉ bằng khoảng 30% chi phí thực tế.

Lý giải thêm cho sự thành công của HBI, ông Nguyễn Thường, Phó Giám đốc điều hành HBI cho rằng, HBI được đầu tư bài bản ngay từ đầu, hệ thống cơ sở vật chất đã được xây dựng xong và hiện nay chỉ tập trung vào khai thác. Bên cạnh đó, với nguồn tài trợ được đảm bảo bởi EU và sau này có thêm ngân sách nhà nước do UBND TP. Hà Nội phân bổ. Vì vậy, HBI có đủ năng lực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp một cách tốt nhất, góp phần tạo dựng được ngày càng nhiều doanh nghiệp cho nền kinh tế của Việt Nam, cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng và sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp./.
Bài: Bích Vân - Ảnh: Hoàng Hà

Bài: Bích Vân - Ảnh: Hoàng Hà

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Với mong muốn giải quyết tình trạng thiếu cơ hội sinh kế và thu nhập thấp của thanh niên dân tộc thiểu số, Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản đã triển khai dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho Thanh niên dân tộc thiểu số tại Hà Giang và Lai Châu” giúp các thanh niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động có thêm kiến thức về phát triển kinh tế và mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.

Top