Đời sống Việt

Những bàn tay biết nói

Âm thanh lách cách của kéo, tiếng gió thổi ù ù của máy sấy tóc và những bàn tay thao thác nhanh nhẹn là cảm nhận rõ nhất khi khách hàng trải nghiệm làm đẹp tại Salon tóc Thành Nguyễn. Mái nhà này hội tụ những người trẻ câm điếc làm việc với một tình yêu giản dị là mang lại mái tóc đẹp, nụ cười vui cho khách hàng.
Tôi đã đến gội đầu, cắt tóc tại Salon của Thành Nguyễn và có một cảm xúc khó tả với những bạn trẻ câm điếc tại đây. Những gương mặt sáng, thông minh, nụ cười tươi rói và bàn tay tài hoa đã giúp làm đẹp gương mặt, mái tóc cho không chỉ khách hàng Việt Nam và rất nhiều người nước ngoài. Mặc dù các bạn không nói được chỉ nghe bằng mắt, truyền đạt bằng tay và ngôn ngữ ký hiệu nhưng tôi thấy các bạn rất thân thiện, giản dị và gần gũi. Cũng trong lần trải nghiệm làm tóc, tôi đã gặp chị Bùi Thị Hoàn với con trai là Đào Duy Chiến từ Phú Thọ lên Hà Nội. Chị Hoàn gửi con trai mình học nghề tại Thành Nguyễn với hi vọng con có thể tự lập và có một nghề chân chính.

Qua câu chuyện của anh Nguyễn Thái Thành, chủ salon với Chiến tôi hiểu rằng người câm điếc họ cũng có một thế giới tâm hồn thật đẹp với ước mơ khẳng định bản thân, sống có ích với xã hội. Thái Thành tiếp nhận em Chiến học việc rồi dạy em học văn hóa, học nghề giúp em hòa nhập với cộng đồng. Đã rất nhiều học viên được Thành dạy nghề và về địa phương ở Cao Bằng, Nha Trang, Ninh Bình... mở salon. Anh xây dựng Thành Nguyễn như một ngôi trường cuộc sống nơi học sinh không chỉ học nghề, học văn hóa mà còn được trả lương nếu làm việc tốt.

Tiệm cắt tóc Thành Nguyễn tại số 55 ngõ Văn Chương Hà Nội khi mới mở năm 2011 thật nhiều khó khăn. Vì chưa có vốn nên Thành phải thuê nhà nhỏ và cũ. Bả vôi trên tường rơi từng mảng, cứ mỗi lần mưa thấm, Thành lại phải cắt dán, che chắn rất tốn công sức. Hình ảnh Thành dán lên trên lớp tường tróc màu thời gian ấy là sản phẩm mái tóc mới của khách hàng và những cảm nhận của học viên viết bằng tay. 8 năm miệt mài làm việc và mở rộng Salon, số học viên của Thành đã lên đến con số 50 với hàng trăm mẫu tóc đẹp cắt, tạo kiểu cho khách hàng. Thành đã tự tin thành lập doanh nghiệp để mở rộng thương hiệu, đón nhận nhiều bạn câm điếc đến học nghề cũng như làm việc tạo thành một ngôi trường mà “bàn tay biết nói” đã nói lên tất cả.



Gian hàng làm tóc của Doanh nghiệp xã hội (DNXH) Công ty cổ phần công nghệ làm đẹp Thành Nguyễn tại Ngày hội tốt 2019.


Nguyễn Thái Thành là người lập ra DNXH cho những người câm điếc làm đẹp tóc.
Là người câm điếc nên mọi giao tiếp của Thành và các nhân viên đều bằng ngôn ngữ cử chỉ.


Chọn công việc làm đẹp tóc bởi Thái Thành nghĩ họ có bàn tay rất nhạy cảm và nó sẽ mở ra một tương lai mới cho nhiều người câm điếc.


Những nhân viên của DNXH Thành Nguyễn cùng nhau làm việc tạo thu nhập.


Ở tiệm làm tóc này mọi người giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ riêng của mình.


Không khí thân thiện giữa những người thợ và khách hàng tại DNXH Thành Nguyễn.


Không gian tĩnh lặng tại salon tóc Thành Nguyễn chứa đựng đầy ắp những “tiếng nói” riêng của những người dùng ngôn ngữ cử chỉ.


Thái Thành đã kết nối nhiều người câm điếc giúp họ biết ngôn ngữ cửa chỉ, có công việc độc lập, tự tin trong cuộc sống.


Cửa hàng của DNXH Thành Nguyễn luôn đông khách hàng và là điểm đến của nhiều người cùng cảnh.


Thái Thành đang tiếp xúc với một gia đình có người câm điếc đến xin ra nhập DNXH làm tóc Thành Nguyễn, nơi đã rất nổi tiếng ở Việt Nam.


Sau 8 năm miệt mài làm việc đến nay Thành đã giúp đỡ hàng trăm người câm điếc có công việc độc lập, xóa bỏ tự ti, tự tin trong cuộc sống mới.

Thành Nguyễn đoạt giải đặc biệt cuộc thi thiết kế nhà tạo mẫu tóc tài năng Tony & Guy Sài Gòn 2019, giải triển vọng cuộc thi trang điểm Cây Cọ Vàng toàn quốc 2013, giải triển vọng cuộc thi tạo mẫu tóc Thăng Long- Hà Nội. Anh cũng là doanh nghiệp đầu tiên trang điểm cho các thí sinh của cuộc thi hoa hậu các dân tộc Việt Nam.

Salon Thành Nguyễn đã kết nối nhiều người câm điếc giúp họ có công việc độc lập, xóa bỏ sự bất bình đẳng của người tật nguyền. Thay vì lời nói, các bạn câm điếc nói bằng tay hay những ký hiệu thật sinh động trong làm việc và học văn hóa mỗi ngày. Thành Điếc mong muốn Thương hiệu được lan tỏa nhiều hơn để mỗi người câm điếc có thể tìm đến nơi đây như một ngôi trường của tình thân và phát triển sự nghiệp của mình.
Hiện nay, Thành Nguyễn có 6 nhân viên vừa học vừa làm, các bạn trẻ không chỉ học nghề mà còn tham gia các dự án tình nguyện tại nhiều địa phương. Mỗi lần đi tình nguyện tại các trung tâm khuyết tật, đội của Thành Nguyễn thường tổ chức các trò chơi, chia sẻ trò chuyện với các bạn câm điếc những chủ đề về công việc, cuộc sống. Thành kể: có nhiều bạn sau khi nghe Thành nói đã òa lên khóc, bạn kể rằng bạn tự ti trước cộng đồng, khi được Thành động viên đã nhận thấy mình phải thay đổi rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng là một đường băng hoàn hảo, bản thân mình phải tự tin và hoàn thiện mình mỗi ngày. Người câm điếc có đôi tay nhạy cảm và sẽ dùng đôi tay để vẽ lên cuộc sống.

Em Nguyễn Trương Hoàng Anh, học viên khóa 9 sau khi học tại Thành Nguyễn đã về Nha Trang mở salon tóc. Hoàng Anh cho biết: "Học với Thành Nguyễn, em thấy được giúp đỡ, em luôn vui vẻ và an toàn. Anh đã truyền cho em một nghị lực sống và  tự tin với nghề tạo mẫu tóc."

Phía sau lớp kính dày, những người thợ và khách tại tiệm tóc Thành Nguyễn không ai nói với ai một lời nào để nhường chỗ cho đôi tay “biết nói”. Đôi tay ấy vẫn đều đặn hàng ngày với cây kéo, máy sấy làm đẹp mái tóc cho bao người và truyền cảm hứng sống đến mỗi khách hàng./.

 
Bài: Bích Vân - Ảnh: Việt Cường

Nghề dệt của người Lự ở Bản Hon

Nghề dệt của người Lự ở Bản Hon

Từ bao đời nay, người Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu coi nghề dệt thổ cẩm truyền thống là thước đo đánh giá sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ. Vì thế khung cửi dệt thổ cẩm truyền thống là vật dụng quan trọng không thể thiếu trong gia đình người Lự.

Top