Nghề Việt

Nghề làm hương của người Nùng ở Phia Thắp

Trong văn hóa Việt, nén hương được coi là cầu nối giữa cuộc sống hiện tại và thế giới tâm linh. Làng nghề làm hương truyền thống của người Nùng ở Phia Thắp xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng đang góp phần bảo tồn những nét văn hóa tâm linh đẹp đẽ của dân tộc.
Hơn 50 hộ dân người Nùng làng Phia Thắp vẫn duy trì được nghề làm hương sạch, thủ công lâu đời. Họ chẻ mai bằng tay, vót nhỏ, tròn đều, dù việc này có thể thay bằng máy. Hương Phia Thắp hoàn toàn không dùng hóa chất, lá cây bầu hắt phơi khô, nghiền thành bột làm chất kết dính, gỗ thông mục nghiền nát để tạo màu, mùn cưa được dùng làm chất đốt.

Để làm thân hương, người ta sử dụng cây mai hoặc tre mạy mười có dóng dài, cắt khúc khoảng 40cm, chẻ thành các que nhỏ, vót trơn và được chuốt qua một dụng cụ đơn giản gọi là bàn chuốt để trở nên tròn, mịn. Sau khi chuốt tròn mịn sẽ được nhúng nước, lăn qua lớp bột lá bầu hắt để có độ dính rồi lăn qua mùn cưa. Lớp mùn cưa lúc này sẽ được kết dính vào thân hương. Que hương tiếp tục được nhúng nước, lăn mùn cưa lặp lại 4 lần. Lần cuối cùng là lăn chất tạo màu đồng thời cũng tạo mùi thơm, sau đó phơi khô. Nếu trời nắng to thì phơi một ngày là khô, nếu âm u thì sẽ cần 3-4 ngày. Khi đã khô rồi sẽ nhúng chân hương vào phẩm màu để có màu đỏ đẹp. Phẩm màu này cũng được làm từ bột gỗ tự nhiên.



Ven Quốc lộ 3, từ Cao Bằng đi Trùng Khánh là bản Phia Thắp (xã Quốc Dân, Quảng Uyên) yên bình với những ngôi nhà sàn đặc trưng của người Nùng.
Ảnh: Công Đạt


Lá cây bầu hắt mọc tự nhiên bên những vách đá được bà con thu hái về, phơi khô, tán nhỏ và dùng làm chất keo kết dính tự nhiên. Ảnh: Trịnh Bộ


Phơi khô chất keo kết dính tự nhiên được làm từ lá cây bầu hắt. Ảnh: Trịnh Bộ


Chẻ mai được làm thủ công bằng tay, sao cho que hương được vót nhỏ và tròn đều. Ảnh: Trịnh Bộ


Thân hương thường được dùng bằng cây mai vì nó dẻo và dễ bắt lửa. Ảnh: Trịnh Bộ


Nhúng hương vào nước keo rồi tẩm với hỗn hợp gồm mùn cưa và bột trầm sau đó làm đi làm lại 4 lần để cho ra được một que hương chắc và đẹp. Ảnh: Trịnh Bộ


 Những que hương Phia Thắp với thành phần nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên. Ảnh: Trịnh Bộ


Người Nùng ở bản Phia Thắp phơi hương trước hiên nhà. Ảnh: Trịnh Bộ


Mọi khoảng trống đều được sử dụng để phơi hương. Ảnh: Trịnh Bộ


Nếu nắng đẹp thì phơi 1 ngày là khô, còn nếu không phải phơi 2 - 3 ngày, có lúc phải phơi trong bếp để kịp có hương đi bán. Ảnh: Công Đạt


Hương khô sẽ nhuộm chân hương màu đỏ rồi đem phơi khô tiếp, sau cùng là buộc thành từng bó, mỗi bó 20 que. Ảnh: Trịnh Bộ


Để que hương đạt đến độ khô nhất định, người phơi hương phải chọn thời điểm phơi hương là giữa trưa khi nhiệt độ trong ngày cao nhất. Ảnh: Công Đạt


Vào dịp cận Tết Nguyên đán, bà con người Nùng ở bản Phia Thắp lại rộn ràng chuẩn bị cho vụ hương lớn nhất trong năm. Ảnh: Trịnh Bộ

Trong quá trình làm, nếu cho quá nhiều chất kết dính thì cũng không thành hương được. Nếu lăn thân hương qua lớp mùn cưa quá 4 lần thì que hương lại to quá, không đẹp. Nếu tay lắc không đều thì bột sẽ không bám đều vào thân hương. Nhìn người làm thì có vẻ đơn giản, cổ tay quay dẻo như múa, nhưng để đạt đến độ thành thục như vậy cần rất nhiều thời gian.

Hương Phia Thắp được tiêu thụ tại tất cả các chợ phiên Tết trong tỉnh, cũng như các tỉnh thành phía Bắc. Mỗi bó nhỏ giá bán dao động từ 10.000-20.000 đồng.

Những năm trở lại đây, làng Phia Thắp bắt đầu làm du lịch cộng đồng, đón khách thập phương về nghỉ ngơi, tìm hiểu cuộc sống của làng. Trải nghiệm làm hương là một trong những chương trình hấp dẫn du khách. Đây cũng là cách để tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu, gắn làng nghề với những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch để tạo ra sản phẩm hấp dẫn, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho bà con, và cũng là điểm nhấn khi tới mảnh đất Cao Bằng.

 
Bài: Công Đạt - Ảnh: Công Đạt – Trịnh Bộ

Làng cá chép Thủy Trầm vào vụ tết

Làng cá chép Thủy Trầm vào vụ tết

Cứ đến Tết ông Công ông Táo cận kề, người dân làng Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) lại hối hả thu hoạch, cung cấp nguồn cá chép phóng sinh cho người dân khắp mọi miền đất nước.

Top