Thể thao

Môn phái Bình Định - Sa Long Cương

Môn phái Bình Định - Sa Long Cương được cố võ sư Trương Thanh Đăng (1895-1985) sáng lập dựa trên những quy luật của đồi cát trắng ven biển thuộc tỉnh Bình Thuận. Chính vì thế, sinh thời võ sư Trương Thanh Đăng được giới võ học gọi là “Sa Long Cương” nghĩa là “rồng nằm dưới cát”.
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống võ học nên từ nhỏ cố võ sư Trương Thanh Đăng đã được ông nội chỉ dạy cho những đường quyền căn bản. Năm 14 tuổi, ông được gia đình cho ra Bình Định để thụ giáo võ Tây Sơn với nhiều vị thầy nổi tiếng thời bấy giờ như võ sư Trương Thạch, Hai Cụt, Đinh Cát.

Trong suốt 15 năm miệt mài luyện tập võ nghệ tại đây, Trương Thanh Đăng còn được võ sư Vĩnh Phúc, một nhân vật giỏi võ Thiếu Lâm (Trung Quốc) truyền thụ, giúp ông mở mang thêm kiến thức võ học của mình. Năm 1930, ông vào Sài Gòn truyền bá võ thuật tại nhà riêng trên đường Nguyễn Cư Trinh thuộc quận 1. Sau hơn 30 năm hoạt động võ thuật một cách âm thầm, đến năm 1964, ông đã chính thức sáng lập ra võ phái Bình Định Sa - Long Cương và nhanh chóng gây được tiếng vang lớn trong làng võ ở Sài Gòn lúc bấy giờ.


Một lớp học của môn phái Bình Định – Sa Long Cương tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP.Hồ Chí Minh.


Các môn sinh đang luyện tập một thế trảo pháp căn bản của môn phái.


Các môn sinh nhập môn đều được rèn luyện các thế thủ, cũng như sự nhún nhường, khiêm tốn của người học võ.


Một môn sinh nữ đang thi triển bài “Lê hoa kiếm” – một bài võ nổi tiếng của môn phái.


Một thế chém độc đáo trong bài “song đao” của môn phái.


Bài tự vệ nữ một chống hai của môn phái.


Rất nhiều loại binh khí được các môn sinh luyện tập như kiếm, đao, côn, thương…


Một bài tập phòng thủ của môn sinh sử dụng binh khí “song sỉ”.


Môn phái cũng rất chú trọng trong việc đào tạo thế hệ trẻ kế thừa.

Sau khi võ sư Chưởng môn Trương Thanh Đăng tạ thế, con trai trưởng của ông là sư phó Trương Bá Đương cùng với võ sư Lê Văn Vân tiếp nối điều hành và phát triển môn phái. Hai vị võ sư này đã giúp môn phái phát triển rất mạnh với nhiều chi nhánh võ đường ở Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ, Đà Nẵng.

Đặc trưng của võ phái Bình Định - Sa Long Cương là hệ thống quyền pháp căn bản và binh khí rất đa dạng như: kiếm (Lê hoa kiếm), đao (Đồ long đao), côn (Thái sơn côn), roi (Trung bình tiên), siêu (Bát quái siêu), thương (Lê hoa thương)… thì còn có các binh khi ít phổ biến khác như song sỉ, song tô. Nhưng trên hết, các võ sinh luôn được rèn luyện đức tính khiêm nhường và sự tôn trọng đối thủ. Thế nên, võ học của môn phái đặc trưng là sự linh động trong chiếu đấu, dùng nhu chế cương, dùng đoản chế trường một cách triệt để nhất.

Môn sinh nhập môn của võ phái trước hết phải học qua bài “Bát bộ chân quyền” là một công trình sáng tạo của lão võ sư Trương Thanh Đăng. Bài võ này tổng hợp toàn bộ thân pháp, thủ pháp, bộ pháp, cước pháp căn bản của võ thuật cổ truyền Việt Nam. Sau đó, tùy theo cấp đai sẽ lần lượt luyện tập những bài quyền lừng danh của đất võ Bình Định như: Lão Mai, Thiền Sư, Thần Đồng, Ngọc Trản, Phượng Hoàng…

Ở nước ngoài, môn phái đã thành lập được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Quốc tế Bình Định – Sa Long Cương tại Ý, xây dựng được các chi nhánh khác ở Mỹ, Pháp, Ý, Australia, Canada… thu hút nhiều môn sinh là người nước ngoài theo học. Hiện nay, môn phái đang được võ sư Đặng Phước Bảy - Chủ tịch Hội đồng võ sư điều hành. Ngoài võ phục màu đen truyền thống của võ cổ truyền Việt Nam, võ phái Bình Định - Sa Long Cương còn có cả võ phục truyền thống của mình là bộ đồ thun tay ngắn màu trắng và chiếc đai màu đen to bản có viền các màu sắc để phân biệt cấp đai.


Hiện nay môn phái phát triển rất mạnh tại TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông, miền Tây
cũng như ở các nước Ý, Pháp, Mỹ, Australia, Canada..


Môn sinh thuộc các chi nhánh ở ở nước ngoài đã về TP.Hồ Chí Minh tham dự buổi giao lưu
võ cổ truyền Việt Nam vào tháng 8/2014 tại NVH Thanh Niên TP.Hồ Chí Minh.


Một bài biểu diễn tổng hợp của các môn sinh môn phái Bình Định – Sa Long Cương trong buổi giao lưu.


Các môn sinh nước ngoài biểu diễn bài tự vệ nữ “một chống hai” của môn phái.

Tháng 8/2014 vừa qua, các môn sinh thuộc các chi nhánh ở nước ngoài đã về Việt Nam phối hợp với các môn sinh trong nước tổ chức biểu diễn giao lưu võ cổ truyền Việt Nam tại Nhà Văn Hóa Thanh Niên Tp. Hồ Chí Minh với môn phái Võ Quyền và môn phái Tân Khánh – Bà Trà. Sự kiện này đã đánh dấu một bước phát triển mới trên con đường đưa võ học Việt Nam quảng bá ra với bè bạn Quốc tế./.
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân

Mãn nhãn Giải vô địch thế giới mô tô nước UIM-ABP Aquabike World Championship

Mãn nhãn Giải vô địch thế giới mô tô nước UIM-ABP Aquabike World Championship

Sau 2 ngày tranh tài diễn ra đầy kịch tính, Giải đua mô tô nước thế giới 2024 (UIM-ABP Aquabike World Championship) – chặng đua Grand Prix of Binh Dinh, đã lựa chọn được những gương mặt vận động viên xuất sắc nhất để vinh danh tại đầm Thị Nại (tp.Quy Nhơn, Bình Định).

Top