Vùng đất võ Tây Sơn Thượng đạo

Vùng đất võ Tây Sơn Thượng đạo

Võ sư Thái Minh Quang thị phạm cho các đệ tử kĩ thuật đánh bài “Thiết linh chùy” nổi tiếng của võ phái Bạch Long. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Tây Sơn Thượng đạo là vùng đất buổi đầu ba anh em nhà Tây Sơn chọn làm nơi tụ nghĩa, dấy binh, phất cờ khởi nghĩa. Vì thế nơi đây không chỉ lưu giữ nhiều dấu tích về đội quân “áo vải cờ đào” và còn là vùng đất phát tích của nhiều dòng võ cổ truyền nổi tiếng, đặc biệt là những dòng võ có nguồn gốc từ nhà Tây Sơn.

Vào khoảng giữa thế kỉ 17, lúc thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, Tây Sơn thuộc phủ Quy Nhơn, gồm cả phần đất phía Tây và phía Đông đèo An Khê (con đèo dài và hiểm trở nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Gia Lai và Bình Định). Phần đất phía Đông địa hình thoai thoải, gọi là Tây Sơn Hạ đạo, nay thuộc địa phận huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định). Phần đất phía Tây có địa hình hiểm trở, núi non trập trùng, gọi là Tây Sơn Thượng đạo, nay thuộc thị xã An Khê và các huyện Kông Chro, Đăk Pơ, Kbang (tỉnh Gia Lai).

Bạch Long là một trong số những môn võ cổ truyền kế thừa được nhiều tinh hoa từ dòng võ Tây Sơn của vùng Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Ngày ấy, từ vùng Tây Sơn Hạ đạo lên vùng Tây Sơn Thượng đạo chỉ có một con đường độc đạo qua đèo An Khê với đèo cao, vực sâu vô cùng hiểm trở. Vì thế ba anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đã lựa chọn vùng đất Tây Sơn Thượng đạo làm căn cứ của buổi đầu dựng nghiệp, chiêu binh luyện võ, gầy dựng quân đội và tổ chức khởi nghĩa để rồi sau này làm nên chiến thắng lẫy lừng Ngọc Hồi - Đống Đa vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) đánh tan hơn 20 vạn quân Thanh xâm lược.

Ngày nay, tại khu Di tích Quốc gia Tây Sơn Thượng đạo ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, vẫn còn nhiều dấu tích về nhà Tây Sơn như An Khê Đình, An Khê Trường, An Khê Lũy, Gò Chợ…

Các thế hệ võ sư và võ sinh môn phái Bạch Long thành kính dâng hương tưởng nhớ ba vị anh hùng Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ tại đền thờ “Tây Sơn tam kiệt” ở Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Nhắc đến Tây Sơn Thượng đạo là nói đến vùng đất võ nổi tiếng của Gia Lai, bởi đây là nơi phát tích các dòng võ cổ truyền có từ thời Tây Sơn vốn được hình thành trong quá trình nhà Tây Sơn chọn vùng đất này để chiêu binh luyện võ. Sau năm 1975, phong trào võ thuật cổ truyền ở An Khê phát triển khá mạnh nhờ sự hình thành của nhiều lò võ do các võ sư trong vùng và cả những võ sư nổi tiếng từ dưới Bình Định lên lập nghiệp tạo dựng nên. Tiêu biểu như lò võ của võ sư Châu Kim Long, võ sư Đoàn Ngọc Sang, võ sư Thái Hóa Hưng…

Các võ sư của võ phái Bạch Long vùng Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Đất An Khê tuy có nhiều môn phái võ cổ truyền khác nhau nhưng cơ bản các môn phái này đều có nguồn gốc hoặc có sự ảnh hưởng lớn từ võ Tây Sơn – Bình Định, dòng võ nổi tiếng của người Việt được hình thành từ thời Tây Sơn. Vì thế, ngoài các đòn thế, công năng đặc dị riêng thì các môn phái này cũng có những bài bản chung có gốc gác từ võ Tây Sơn - Bình Định như các bài: Ngọc trản quyền, Lão mai quyền, Hùng kê quyền, Độc lư thương… Lối đánh cũng dựa trên nguyên lí cơ bản của dòng võ Tây Sơn – Bình Định đó là “túc bất li địa” (tức chân không rời đất) nên đòn thế vô cùng vững chắc, hiểm hóc, nhanh lẹ, công thủ toàn diện, biến hóa khôn lường.

Võ sư Thái Văn Nhân - Chi hội trưởng Chi hội Võ thuật cổ truyền An Khê-Tây Sơn Thượng đạo - với một thế đánh của bài “Song long phủ”. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Vào những năm 90 của thế kỉ trước, phong trào võ cổ truyền của An Khê phát triển mạnh mẽ nhất với nhiều thế hệ võ sư tinh hoa, ưu tú, có uy tín và ảnh hưởng nhất định đối với làng võ thuật cả nước. Tiêu biểu có võ sư Đoàn Thọ Sơn (1953-2007), nguyên Phó Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Gia Lai. Năm 1998, ông đoạt huy chương vàng nội dung thi quyền thuật tại giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc. Năm 2001, ông cùng các võ sĩ Thái Văn Nhân, Thái Minh Quang đoạt huy chương bạc toàn quốc, được Ủy ban Thể dục Thể thao cử đi dự Festival thể thao thiện chí các nước thuộc khu vực sông Mekong tại Thái Lan. Cũng trong năm này, ông được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cử đi dự Festival văn hóa thể thao thế giới tổ chức tại Cộng hòa Liên bang Đức.

"Độc lư thương" là một trong 10 bài danh võ của võ cổ truyền Việt Nam. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Đặc biệt, võ sư Đoàn Thọ Sơn chính là người đã gìn giữ và truyền dạy thành công bài võ “Độc lư thương”, tương truyền là bài danh võ do chính ba anh em nhà Tây Sơn biên soạn để rèn luyện cho tướng sĩ tại vùng căn cứ địa Tây Sơn Thượng đạo. Bài võ này của ông được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam chọn làm 1 trong 10 bài danh võ chuẩn theo quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Võ sư Thái Minh Quang phái Bạch Long nổi tiếng với bài “Thiết linh chùy”, bài binh khí này từng giúp ông giành nhiều giải thưởng lớn tại các kì thi đấu của tỉnh và quốc gia. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Bài “Độc lư thương” có 3 phần, 166 động tác, thể hiện sự vững chắc liền lạc và kín đáo khi phòng thủ, cũng như thần tốc và bất ngờ khi tấn công, hài hòa hỗ trợ nhau giữa công và thủ. Bài võ này cùng với 9 bài võ khác trong hệ thống 10 bài võ chuẩn theo quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam hiện được đưa vào giáo trình giảng dạy và tập luyện chính thống của võ cổ truyền trong và ngoài nước. Và đây cũng là bài võ được phổ biến rộng rãi trong hệ thống các môn phái thuộc võ cổ truyền Việt Nam, được dùng để biểu diễn trong các kì thi lên đai, thăng cấp, liên hoan võ thuật cổ truyền trong nước và quốc tế.

Các võ sinh phái Bạch Long luyện võ tại An Khê Trường, di tích nổi tiếng gắn liền với cuộc đời binh nghiệp của Tây Sơn tam kiệt. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Với truyền thống võ thuật của mình, vùng đất võ Tây Sơn Thượng đạo xưa và An Khê ngày nay đã đào tạo nên nhiều võ sư, võ sĩ có tên tuổi trong làng võ cả nước với thành tích thi đấu ấn tượng giành nhiều huy chương cấp quốc gia như: võ sư Thái Văn Nhân, võ sư Cao Đăng Khoa, võ sư Lương Văn Hùng, võ sư Hà Nhất Linh, võ sĩ Nguyễn Thị Phúc, võ sĩ Cao Đăng Khoa, võ sĩ Châu Văn Thừa…

Các võ sư, võ sĩ đất An Khê ngày nay không chỉ tiếp nối các bậc tiền bối làm rạng danh vùng đất võ Tây Sơn Thượng đạo mà còn góp phần gìn giữ, truyền bá vốn võ học quý báu của cha ông để lại để từ đó hun đúc nên tinh thần thần thượng võ của lớp trẻ hôm nay./.

  • Bài, ảnh:  Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Top