Nghệ thuật

Ký họa lịch sử của Huỳnh Phương Đông

Là một họa sĩ – chiến sĩ từng tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Huỳnh Phương Đông đã đi qua rất nhiều mặt trận, tham gia nhiều trận đánh và ông đã kịp ghi lại những sự kiện lịch sử bằng những bức tranh ký họa sống động. Đến nay, số lượng tranh của ông đã vượt con số 20 nghìn, trở thành một kho tư liệu lịch sử vô giá.
Họa sĩ Huỳnh Phương Đông tên thật là Huỳnh Công Nhãn, sinh năm 1925 tại Bình Hòa – Gia Định (nay là Tp. Hồ Chí Minh). Sau khi tốt nghiệp trường Mỹ thuật Thực hành Gia Định (năm 1945), ông tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954). Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, ông ra Bắc học tiếp trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (1957 – 1963) chuyên ngành điêu khắc và trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1957.

Huỳnh Phương Đông sớm bộc năng khiếu hội họa với những tác phẩm gây ấn tượng với thầy cô và bạn học từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều tác phẩm của ông đã được mang đi tham dự nhiều cuộc triển lãm tranh trong nước và ở các nước Đông Âu, Cuba, Trung Quốc… nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn.



Họa sĩ Huỳnh Phương Đông, người đang sở hữu hơn 20 nghìn bức tranh ký họa
về hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Lê Minh


Họa sĩ Huỳnh Phương Đông cùng vợ là bác sĩ Lê Thị Thu trong lần về thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: Tư liệu


Họa sĩ Huỳnh Phương Đông (thứ hai, bên trái) tại triển lãm
“Huỳnh Phương Đông – một đời sáng tạo nghệ thuật” tổ chức ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. 
Ảnh: Lê Minh
 
Khi Tổng khởi nghĩa ở Nam Bộ nổ ra, Huỳnh Phương Đông về Sóc Trăng tham gia cách mạng. Từ 1971, ông làm Trưởng phòng Hội họa Giải phóng đồng thời vừa tham gia đào tạo các lớp họa sĩ trẻ vừa tham gia chiến đấu. Trong đó phải kể đến hai lớp học đào tạo hội họa do chính ông đề xuất kiêm luôn vai trò giáo viên là lớp vẽ Đồi Thơ (Tây Ninh) năm 1964 và lớp tập huấn Đầm Be (Campuchia) năm 1968. Từ hai lớp này, ông đã đào tạo được không ít họa sĩ có tay nghề phục vụ nhu cầu cách mạng.

Chính khoảng thời gian hoạt động ở chiến trường miền Nam đã giúp ông trực tiếp chứng kiến nhiều trận đánh khốc liệt với bao mất mát, thương vong cùng những tấm gương đồng đội với ý chí và tinh thần thép, chung sức, chung lòng vì Tổ quốc. Tất cả những hình ảnh bất khuất ấy được Huỳnh Phương Đông tìm cách lưu giữ lại bằng cách kí họa trên những trang giấy trắng.

Với một khẩu súng AK và bộ dụng cụ vẽ tự chế luôn mang theo bên mình, ông đã xông pha trận mạc, rong ruổi qua nhiều trận địa, dọc ngang trên nhiều tuyến đường và có mặt trên hầu hết các mặt trận miền Đông, miền Tây Nam bộ. Ông vẽ ở mọi lúc, mọi nơi, bởi theo ông “dường như mắc nợ với những vùng đất đã đi qua, những người đã gặp, và vẽ như thể đó là ngày cuối cùng”.

Bằng thủ pháp ký họa, Huỳnh Phương Đông đã ghi lại một cách chân thực và sinh động những khoảnh khắc của cuộc sống, của chiến tranh. Và từ những bức ký họa mang tính phác thảo ấy, vào những lúc rảnh rỗi ông lại đem ra chọn lựa để triển khai thành những bức tranh màu nước hoặc tranh sơn dầu. Và những tác phẩm lớn như: trận Ấp Bắc (1963), trận Bình Giã (1965), trận Cầu Chữ Y (1969), trận Junction City (1967)… đã ra đời như thế.

Những bức ký họa của Huỳnh Phương Đông như hút người xem vào từng trận đánh, từng khung cảnh, từng nhân vật, từng dáng người… cứ như thể họ đang có mặt trực tiếp tại nơi diễn ra sự kiện ấy.

Từ những sự kiện lớn cho đến những chân dung người thật, việc thật như anh giải phóng quân, chị giao liên, Bà mẹ Việt Nam anh hùng do họa sĩ Huỳnh Phương Đông ghi chép lại thời ấy, đến nay đã trở thành những tư liệu vô cùng quý giá cho nền mỹ thuật cách mạng nước nhà.

Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã nhận xét: “Khối lượng sáng tác của Huỳnh Phương Đông thật khổng lồ, khoảng hai chục nghìn bức tranh từ ký họa cho đến những tác phẩm đã bố cục hẳn hoi. Một số lượng tự nó có tiếng nói. Một đời lao động không mệt mỏi, một tài sản vô giá cho lịch sử và nghệ thuật”.

Trong kho tàng ấy có 3 tác phẩm “trận Ấp Bắc”, “trận Bình Giả”, “trận La Ngà” đã được trao Giải thưởng Nhà nước vào năm 2007. Đây chính là một trong những phần thưởng quan trọng nhất trong sự nghiệp cầm cọ của họa sĩ Huỳnh Phương Đông.


Một số tác phẩm của họa sĩ Huỳnh Phương Đông:
 

Tác phẩm "Trận Bình Giã" (năm 1965) – Được Giải thưởng Nhà nước năm 2007.


Tác phẩm "Trận La Ngà" (năm 1946) - Được Giải thưởng Nhà nước năm 2007.


Tác phẩm "Bàn kế hoạch tác chiến".


Tác phẩm "Vượt cầu dây Đại Lộc, Quảng Nam"  (15/9/1963).


Tác phẩm "Ca mổ tiền phương" (năm 1967).


Tác phẩm "Trận phía Nam cầu Chữ Y" (năm 1968).


Tác phẩm "Lộc Ninh giải phóng" (năm 1973).


Tác phẩm "Em Lan du kích xã Lộc Tấn – Lộc Ninh" (14/4/1973).


Tác phẩm "Bên bờ suối Lộc - Lộc Ninh giải phóng" (năm 1973).

Năm 2006, cuốn sách song ngữ Anh – Việt mang tên: “Huỳnh Phương Đông – Góc nhìn chiến tranh và hòa bình” dày 177 trang, là một tuyển tập tranh được chọn lọc trong số hàng chục nghìn tác phẩm của ông chính thức phát hành tại Mỹ. Cuốn sách là món quà tinh thần ý nghĩa, một cách tri ân nhỏ so với những gì mà người họa sĩ già đã làm được trong ngót 70 năm cầm cọ.

Giờ đây, dù đã bước sang tuổi 90 nhưng tình yêu của ông dành cho hội họa vẫn không hề phai nhạt. Hằng ngày, ông vẫn cặm cụi trong xưởng vẽ, vẽ lại những ký họa mà ông phác thảo từ trước đây, như vừa là công việc, vừa là thú vui hàng ngày của ông. Lần gần đây nhất chúng tôi gặp ông tại nhà riêng, được ông đón tiếp nồng hậu, và điều khiến chúng tôi hạnh phúc là được ông mời ngồi vào ghế để đích thân vẽ tặng một bức chân dung.

Tâm sự với chúng tôi về nghiệp vẽ, ông vẫn đau đáu trong lòng một nỗi niềm riêng: “Chỉ sợ trời không chiều được lòng người chứ tôi rất muốn được vẽ một bộ tranh về cảnh đồng bào, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời, biên cương của Tổ quốc mình”./.


Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Lê Minh & Tư liệu


Top