Kinh tế

Kinh tế tư nhân trong thời kỳ hội nhập

Với gần 600.000 doanh nghiệp, chiếm 51% lực lượng lao động cả nước và đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), kinh tế tư nhân đang xác lập vị thế mới trong nền kinh tế Việt Nam thời kỳ hội nhập.
Ngày 16/10/2016, phát biểu tại Lễ phát động “Chương trình thanh niên khởi nghiệp” Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, lần đầu tiên trong 9 tháng, Việt Nam có 91.000 doanh nghiệp được thành lập và cuối năm nay cả nước sẽ có trên 600.000 doanh nghiệp.
Vừa qua, Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của Việt Nam, đại diện 7 nhóm ngành (Kinh tế số, Nông nghiệp, Dạy nghề, Phân phối và Logistics, Thị trường tài chính và Huy động vốn, Công nghiệp phụ trợ, Năng lượng sạch và Tiết kiệm năng lượng) và 3 lĩnh vực (Hội nhập và Toàn cầu hóa, Khởi nghiệp và Sáng tạo, Cụm liên kết ngành). Diễn đàn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía Chính phủ Việt Nam khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đại diện các Bộ, Ban, Ngành đã tham dự và đối thoại với các doanh nghiệp.

Diễn đàn này là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế. Giới quan sát coi đây là cơ hội tốt để Chính phủ lắng nghe ý kiến cụ thể, trực tiếp từ phía doanh nghiệp, để từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong Luật Doanh nghiệp và những văn bản hướng dẫn có liên quan, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.



"Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam" tổ chức thời gian vừa qua
quy tụ trên 700 doanh nhân tham gia, đại diện cho doanh nghiệp hoạt động trong 7 ngành
và 3 lĩnh vực kinh tế tham gia. Ảnh: Lê Danh Lam



Phó Thủ tuớng Vuơng Đình Huệ (thứ ba, từ trái sang) phát biểu tại Diễn đàn. nh: Lê Danh Lam


Ông Layton Pike, Phó Đại sứ Australia phát biểu tại Diễn đàn. nh: Lê Danh Lam

“Hội nhập kinh tế đòi hỏi doanh nghiệp cải thiện nhanh và mạnh về năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp đã cảm nhận được khá nhiều thay đổi trong ứng xử của các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước. Điểm rõ nhất là doanh nghiệp đã không còn là đối tượng của các cơ quan quản lý nhà nước, mà là đối tác. Mọi chuyển biến cần có thời gian, nhưng doanh nghiệp sẽ phát huy vị thế đối tác này, đặc biệt trong xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp.” (ông Lê Vĩnh Sơn, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà).
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong suốt 30 năm đổi mới, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam luôn là những hạt nhân xung kích đi đầu, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ làm hết sức mình để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi thành phần kinh tế, mọi loại hình doanh nghiệp, mọi chủ thể của thị trường hoạt động bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh để phát triển. Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp.

Chính phủ Việt Nam đang xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Luật mới được chờ đợi sẽ tạo khuôn khổ pháp lý để doanh nghiệp tư nhân phát triển theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia trong tiến trình hội nhập.

Sự thay đổi nhận thức, quan điểm về thành phần kinh tế tư nhân cũng được thấy rõ trong các văn kiện được xây dựng tại các kỳ Đại hội Đảng. Tại Đại hội X (năm 2006) của Đảng, kinh tế tư nhân được xác định chính thức với tư cách là một thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, không hạn chế về quy mô, nhờ vậy thành phần kinh tế này đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Đến Đại hội lần thứ XI (năm 2011), Đảng đã xác định: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế” (trích Văn kiện đại hội Đảng lần thứ XI). Đại hội XII của Đảng (năm 2016) tiếp tục khẳng định: “Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế” (trích Văn kiện đại hội Đảng lần thứ XII).



Công ty TNHH Ba Huân, một trong những doanh nghiệp tư nhân thành công với thuơng hiệu trứng sạch Ba Huân, hiện
 đã đầu tư hơn 30 tỉ đồng cho hệ thống xử lý và làm sạch trứng gia cầm bằng công nghệ hàng đầu Châu Âu. Ảnh: Trần Thanh Giang



Thương hiệu nước mắm Cát Hải, một trong những thương hiệu sản vật địa phưong nổi tiếng của Hải Phòng.
Ảnh: Trần Thanh Giang



Công ty Song Nam, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam trong ngành công nghiệp phụ trợ.
Mỗi tháng, công ty xuất khẩu khoảng 40 tấn ốc, vít sang thị trường các nước Nhật Bản và Châu Âu. Ảnh: Trần Thanh Giang



Các sản phẩm tinh dầu hồi của Công ty TNHH chế biến và xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn ( Aforex Co., Ltd)
hiện xuất đi nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản, Đức… Ảnh: Trần Thanh Giang



Thương hiệu bán lẻ Vinmart (thuộc tập đoàn Vingroup, một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam
và hiện là một trong những thương hiệu bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam, với tốc độ tăng truởng
đuợc đánh giá nhanh kỷ lục trong ngành bán lẻ Việt Nam. Ảnh: Trần Thanh Giang



Là thành viên Việt Nam duy nhất của Hiệp hội Đá quý quốc tế (ICA), Tập đoàn DOJI,
một trong những doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh đồ trang sức.
Ảnh: Trần Thanh Giang

Theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, việc liên kết quốc tế thông qua khu vực kinh tế tư nhân không những giúp doanh nghiệp chủ động đổi mới và lựa chọn công nghệ thích hợp giúp tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, mà còn góp phần thúc đẩy thương mại Việt Nam phát triển và hội nhập nhanh vào nền kinh tế thế giới./.
 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Thanh Giang, Lê Danh Lam

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Với mong muốn giải quyết tình trạng thiếu cơ hội sinh kế và thu nhập thấp của thanh niên dân tộc thiểu số, Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản đã triển khai dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho Thanh niên dân tộc thiểu số tại Hà Giang và Lai Châu” giúp các thanh niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động có thêm kiến thức về phát triển kinh tế và mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.

Top