Văn hóa

ICEVN - Ngôi nhà của những ước mơ

Trụ sở của Trung tâm Bảo trợ Người khuyết tật Thanh niên Việt Nam (ICEVN) là một căn nhà nhỏ nằm trong con hẻm đường Tô Ký, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, Tp. Hồ Chí Minh. Từ ngôi nhà này, nhiều người khuyết tật không chỉ đã tự tin vươn lên hòa nhập cuộc sống mà còn sản xuất ra được cả những sản phẩm điện tử công nghệ cao để phục vụ nhu cầu của xã hội.
ICEVN thành lập năm 2004, đến nay đã có hơn 200 thanh niên khuyết tật được dạy nghề và có việc làm ổn định để có thể nuôi sống bản thân và tự tin hòa nhập vào xã hội đúng như ước mơ về tương lai của chính họ. Người tạo dựng ngôi nhà cho những ước mơ đó là Tiến sĩ, doanh nhân Trần Văn Tín, người được mọi người gọi bằng cái tên trìu mến là "Thầy Tín".

Sinh ra tại xã Bình Sa, huyện Thăng Bình (Quảng Nam), TS Trần Văn Tín du học từ Nga về với tấm bằng đỏ chuyên ngành điện tử viễn thông. Ông đã từ chối nhiều lời mời công tác tại những nơi danh giá về máy tính, tin học điện tử ở nước ngoài để tự mình bươn chải, học hỏi với một ước mơ được trở về nước thành lập một nơi làm việc cho người khuyết tật.
 
TS Trần Văn Tín chia sẻ, trong những năm đầu, công việc kinh doanh của ICEVN gặp rất nhiều khó khăn vì cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại nhập lậu ồ ạt từ Trung Quốc và hàng nhái sản xuất trong nước. Hơn nữa, Trung tâm thiếu bộ phận quảng bá sản phẩm, thiếu người làm thị trường vì hầu hết những người làm việc ở đây đều là những người tàn tật, thậm chí có người còn bị thiểu năng. Vì vậy, thầy Tín và các anh em của Trung tâm phải tự tìm tòi hướng đi để từng bước hòa nhập và phát triển.
 

Anh Nguyễn Thành Tài, sinh 1979, ở Bình Dương, dù bị tật bẩm sinh hai tay co quắp
nhưng vẫn rất khéo léo khi lắp ráp các chi tiết điện tử.


Đến với ICEVN, các thanh niên nghèo khuyết tật được đào tạo nghề để tự lo cho cuộc sống.


Nhờ có ICEVN anh Trần Văn Võ, sinh năm 1985, bị tật bẩm sinh teo 5 đầu ngón tay
đã có một cái nghề ổn định, đó là sản xuất thiết bị điện tử.



Nhiều người đã không thể ngờ rằng, chính những đôi tay tật nguyền
đã làm nên những sản phẩm điện tử công nghệ cao như thế này.



Tại đây, họ còn sản xuất ra bóng đèn Led, một loại bóng đèn tiết kiệm điện công nghệ cao.


Những chiếc bóng đèn Led chất lượng cao được làm ra từ chính những đôi bàn tay khiếm khuyết của người khuyết tật.


Các thành viên của ICEVN kiểm tra chất lượng và đóng gói đèn Led trước khi đưa ra thị trường.


Ngoài việc sản xuất các thiết bị điện tử, một số thành viên khác còn được đào tạo nghề làm bút bi để kiếm sống.

Bằng tâm huyết và tài năng của thầy Tín cộng với sự nỗ lực của những người khuyết tật khát khao công hiến, nhiều sản phẩm điện tử dân dụng phục vụ đời sống sinh hoạt của ICEVN đã được thị trường đón nhận như: bóng đèn Led tiết kiệm điện, chấn lưu tiết kiệm điện, máy phát điện siêu nhỏ, đèn kiểm tra tiền giả, mèo điện tử đuổi chuột và gián... Không chỉ tạo điều kiện việc làm cho người khuyết tật, ICEVN còn chăm lo bố trí chỗ ăn ở cho học viên tại khu nhà trọ tập thể. Vì thế, với các học viên khuyết tật, ICEVN giống như một gia đình để họ vui sống và thực hiện ước mơ của mình.

Anh Nguyễn Thành Tài, sinh 1979 ở Bình Dương, bị tật bẩm sinh hai tay co quắp, là người đầu tiên có mặt tại Trung tâm và gắn bó đến bây giờ, tâm sự: “Mình vừa làm việc, vừa chỉ dạy cho các em mới vào nghề. Công việc rất vất vả nhưng giúp được những người cùng cảnh ngộ có nghề nuôi thân là nguồn động viên lớn đối với mình”.

Anh Trần Văn Võ, sinh năm 1985, bị teo bẩm sinh 5 dầu ngón tay mới vào Trung tâm được 6 tháng, chia sẻ với chúng tôi: “Hồi trước em ở Trung tâm tàn tật huyện Hóc Môn rồi được giới thiệu đưa về chỗ thầy Tín học nghề và làm việc. Có một nghề ổn định, em không còn cảm thấy tự ti và lo lắng cho cuộc sống của mình nữa”.

Hiện nay, ICEVN đã phát triển các chi nhánh tại các tỉnh như: Kiên Giang, Bình Dương, Lâm Đồng, Huế. Ngoài ra, Trung tâm đang chuẩn bị xây dựng cơ sở mới tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh (Tp. Hồ Chí Minh) và đang xúc tiến thành lập một trung tâm dạy nghề cho người tàn tật tại Campuchia.

Sự thành công và hiệu quả của ICEVN đã tạo ra tiếng vang nên được nhiều tổ chức phi chính phủ đến thăm và hỗ trợ nhiều mặt. Có những người nước ngoài tình nguyện ở lại Trung tâm cả tháng trời để dạy tiếng Anh, vi tính miễn phí cho các học viên khuyết tật nơi đây. ICEVN còn được các hãng truyền thông lớn trên thế giới như CNN của Mỹ, Interfax của Nga giới thiệu như một hình mẫu sinh động về sự nỗ lực vươn lên của những người khuyết tật Việt Nam./.
 
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Đặng Kim Phương


Top