Thời trang

Điểm một thời - kể chuyện văn hóa bằng thời trang

Đêm diễn “Điểm một thời” đã khiến người xem trầm trồ, thích thú khi được chiêm ngưỡng những câu chuyện đẹp về văn hóa Việt theo dòng chảy của lịch sử đất nước được trình diễn bằng thời trang.
Trong không gian thuần Việt, “Điểm một thời” mang đến những “hạt ngọc” của văn hoá Việt Nam như hát xẩm, hát văn, hát lý, hát giao duyên mời trầu, độc tấu đàn nhị… Người xem thấy được âm vang của đất nước vọng về. Có thể nói, đây là một cuộc trình diễn độc đáo về văn hóa, âm nhạc dân tộc kết hợp với thời trang.


Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu được trình diễn trên sân khấu “Điểm một thời”.



Bài xẩm Mục hạ vô nhân” (Xẩm chợ) nói về chuyện tình của chàng trai mù với cô gái.


Đêm diễn tái hiện những không gian sinh hoạt văn hóa xưa của người Việt.


Phiên chợ quê được tái hiện trong Đêm diễn.


Những trang phục đặc trưng của đất nước Việt Nam qua các thời kì trong chương trình “Điểm một thời”.


Trang phục áo dài đặc trưng của các thời kỳ lịch sử  được trình diễn trong chương trình “Điểm một thời”.
 
Chương trình “Điểm một thời” được nhà thiết kế Sỹ Hoàng đầu tư công phu về trang phục, diễn xướng. Trong 90 phút đồng hồ, người xem được trải qua nhiều vùng miền, nhiều sắc thái và hình thức văn hoá khác nhau của người Việt. Đêm diễn tái hiện lại phiên chợ âm phủ và phiên chợ vùng cao mang đến một không gian sôi nổi, hoạt náo với tiếng rao bánh mì Sài Gòn, chổi lông gà, chợ quê...

Điểm nhấn ấn tượng nhất của “Điểm một thời” là hai cuộc diễu hành của nguyên mẫu áo dài từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 20 và bộ sưu tập nguyên bản và phục chế trang phục 54 dân tộc Việt Nam. Đó là thời trang những chiếc áo dài của từng thập niên 60, 70, 80… thướt tha trên phố. Đó là cuộc hội ngộ chan hoà, sầm uất và đa sắc của các dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Dao, Thái… trong những bộ trang phục đậm nét văn hóa bản địa.

Một điều thú vị trong chương trình “Điểm một thời” là sự tương tác giữa khán giả với các tiết mục. Hoạt cảnh gánh hàng rong, những món quà quê với tiếng rao mời, từng hiệu ứng âm thanh, hình ảnh sinh hoạt với mong muốn đánh thức mọi tiềm thức sinh động về tuổi thơ của mỗi người Việt Nam, dẫn dắt khách vào tận những hồi ức dân dã thường nhật của đời sống thanh bình. Du khách được các diễn viên, nghệ sĩ  mời ăn những món quê như sắn luộc, bánh mì hay dùng trà…khiến du khách vô cùng thích thú và sảng khoái.

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng chia sẻ: “Điểm một thời ngày ấy đã sáng đèn mỗi tối trong 5 năm (từ 2002-2007). Suốt thời gian hoạt động, chúng tôi tiếp đón rất nhiều đoàn ngoại giao, khách quốc tế đến thăm và muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi tập trung xây dựng Bảo tàng Áo dài đã tạm gác một thời gian. Nay, Bảo tàng đã ổn định, chúng tôi mang "Điểm một thời" trở lại để góp phần đưa văn hóa Việt lên tầm cao mới”.

Chương trình “Điểm một thời” diễn ra vào lúc 8 giờ hằng đêm tại Aodai Exhibition ngay trên phố đi bộ Nguyễn Huệ ở Tp. Hồ Chí Minh. Đây sẽ là một món ăn tinh thần độc đáo để du khách lựa chọn khi đến thăm Tp. Hồ Chí Minh, đặc biệt là du khách quốc tế muốn tìm hiểu về những giá trị văn hóa xưa của Việt Nam./.


Những trang phục đặc trưng của đồng bào các dân tộc Việt Nam
được trình diễn trong chương trình “Điểm một thời”:

 









Những trang phục đặc trưng của đất nước Việt Nam
qua các thời kì trong chương trình “Điểm một thời”:







Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Thông Hải


Top