Nét đẹp trong trang phục của đồng bào dân tộc Cống ở Mường Tè, Lai Châu

Nét đẹp trong trang phục của đồng bào dân tộc Cống ở Mường Tè, Lai Châu

Xuất hiện từ thế kỉ thứ 17, người Cống tìm đến những ngọn núi và con suối xa xôi để xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc trên lãnh thổ Việt Nam. Từ những trang phục sặc sỡ, duyên dáng, đến lễ hội…tất cả đã tạo nên vẻ đẹp văn hóa ẩn mình giữa đại ngàn sương mây.

Vẻ đẹp của thiếu nữ dân tộc Cống trong trang phục truyền thống.

Dân tộc Cống hay còn gọi là dân tộc Xá, Màng... cư trú tập trung ở khu vực Tây Bắc, chủ yếu ở các tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Đây là một trong các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc.

Trang phục truyền thống cũng là nét đẹp bản sắc của người dân tộc Cống. Nam giới mặc bộ màu chàm đen, cúc được thắt bằng nút vải. Nữ giới cầu kỳ hơn và kết hợp với cả phục sức. Phụ nữ chưa có chồng sẽ búi tóc ở phía sau, phụ nữ đã có chồng búi tóc trên đỉnh đầu. Trên búi cài trâm hai bên đối xứng, có đính những đồng bạc.


Khăn đội đầu của phụ nữ người Cống là chiếc khăn Piêu giống của người Thái Đen. Họ hay sử dụng trang sức bạc hoặc vàng để tăng thêm vẻ đẹp nữ tính và bảo vệ sức khỏe của mình. Phụ nữ Cống mặc hai loại áo. Một loại dài bao gồm các mảng màu xanh, đỏ, vàng, trắng được xếp xen kẽ kết hợp với những đường chỉ thêu họa tiết độc đáo ở phần gấu áo. Một loại cánh tay chỉ màu đen, áo xẻ ngực, cài khuy dọc theo nẹp áo có trang trí cúc bạc và các đường chỉ mầu. Người Cống mặc áo kết hợp với váy hoa hoặc váy đen, hoa văn theo lối cổ.

Trang phục của phụ nữ Cống khá đơn giản gồm: áo, váy, dây thắt lưng, yếm, khăn đội đầu và một số đồ trang sức. Áo ngắn may bằng vải trắng hoặc màu chàm, tay áo được nối dài, mở ngực, cổ áo liền với nẹp ngực, áo không xẻ tà. Cổ áo là một dải vải đen kéo dài từ vạt áo bên phải chạy vòng qua cổ sang hết vạt áo bên trái. Dọc theo chiều dài của nẹp áo có đính đôi dây bằng sợi bông se lại hình vặn thừng để làm dây buộc.


Trang phục nam giới người Cống gồm có khăn, áo, quần may bằng vải, nhuộm chàm không trang trí.

Người Cống không trồng bông dệt vải mà chỉ mua vải nhuộm chàm của dân tộc Thái, Lào về để khâu, may và trang trí các hoa văn mang nét đặc trưng văn hóa của dân tộc mình… Trang phục của phụ nữ dân tộc Cống gồm: Áo, váy, khăn, thắt lưng. Áo nữ thường may bó sát người, ống tay dài, hai bên tà áo được nẹp các dải vải dệt màu đỏ, đen, xanh, trắng...

Đường nối giữa ống tay áo với vai áo được trang trí bằng cách thêu hình quả núi, hình móc xích... Để khép 2 tà áo lại với nhau, phụ nữ người Cống khâu 1 đồng bạc làm cúc cài vào khuy bằng vải.

Váy của phụ nữ Cống được khâu bằng vải màu nâu hoặc màu đen; thân váy được trang trí các hình kẻ sọc, hình mây, hình người múa cách điệu, hình tháp lớn lồng tháp nhỏ... bằng các đường chỉ màu xanh, vàng, tím, trắng. Hình tháp là biểu tượng của cây rừng đang sinh sôi nảy nở.


Cạp váy được khâu bằng một khổ vải màu xanh hoặc đen bản rộng. Thắt lưng được khâu hai lớp bằng vải bông nhuộm chàm, dùng để giữ cho váy khỏi tuột và tô thêm vẻ đẹp cho bộ trang phục của phụ nữ dân tộc Cống…

Kiểu tóc trên đầu của phụ nữ dân tộc Cống ngoài giá trị làm đẹp còn để phân biệt phụ nữ đã có chồng và chưa có chồng. Điều này trước hết thể hiện qua mái tóc với tục búi tóc. Phụ nữ chưa có chồng thì búi tóc ở phía sau; phụ nữ đã có chồng búi tóc trên đỉnh đầu. Búi tóc được búi rất cao và được cài bằng hai cái trâm đối nhau. Hai cái trâm này ngoài tác dụng giữ tóc còn là đồ trang sức tô điểm đầu tóc cho phụ nữ Cống. Trâm được làm từ xương động vật, đầu trâm có đính những đồng bạc.


Khi đến xã Nậm Khao, các cô gái nơi đây đều tự hào nhà nào cũng có chiếc Bem. Đây là vật dụng hồi môn của mẹ dành cho con gái đựng vải, quần áo và trang sức. Bem luôn được đặt dưới bàn thờ và không bao giờ được di chuyển. Bằng kỹ thuật đan lát giỏi của người Cống, chiếc Bem không hề mục nát hay ẩm mốc theo thời gian mà lúc nào cũng luôn dày dặn, tươi mới./.

Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Cống với màu sắc sặc sỡ, bắt mắt.

                       Bài, ảnh: Công Đạt/ Báo ảnh Việt Nam


Top