Bạn bè với Việt Nam

Cây ăn quả ôn đới có bản quyền: lợi thế cạnh tranh nông sản của Sơn La

Là một trong các địa phương trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, tỉnh Sơn La hiện được Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) triển khai nhiều Dự án để hiện đại hóa công nghệ sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp và tăng chuỗi gía trị ngành hàng. Đặc biệt, Dự án “Tăng cường sự lãnh đạo, điều phối và phát triển kinh tế của ngành cây ăn quả ôn đới ở miền bắc Việt Nam” đang thực hiện với những sáng kiến giúp phát triển của ngành cây ăn quả ôn đới (mận, đào, hồng, lê và bơ).
Nằm ở lưu vực của sông Đà, cao nguyên Mộc Châu là vùng đất có đặc điểm khí hậu cận ôn đới, đất perarit trên nền đá vôi hàm lượng mùn cao để cho ra sản phẩm cây ăn quả thơm, ngon, chất lượng có tính đặc sản. Các loại cây trồng ôn đới và cận nhiệt đới như đào, mận, hồng, lê và bơ đang được ưu tiên trong sự phát triển nông nghiệp của Sơn La trong vài thập kỉ qua để trở thành lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Những loại cây ăn quả này cũng giúp đa dạng hệ thống canh tác, chống xói mòn trên đất dốc và giúp nông dân tăng thu nhập.

Tuy nhiên, việc phát triển ngành cây ăn quả ôn đới ở Sơn La phải đối mặt với những thách thức như các hộ nông dân trồng cây ăn quả ôn đới có xu hướng mở rộng quy mô sản xuất đồng loạt khi giá tăng cao, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu thường xuyên, khiến giá thành sản phẩm bị hạ xuống. Ngành chế biến có thể cung cấp một kênh đầu ra cho sản phẩm hoa quả và giúp ổn định giá trên thị trường quả tươi, tuy nhiên hiện nay ở Sơn La các sản phẩm chế biến còn thiếu đa dạng (chủ yếu là hoa quả sấy và mứt), và các cơ sở chế biến tại Sơn La đa số quy mô còn nhỏ lẻ và chưa áp dụng công nghệ, máy móc chế biến hiện đại.

Một hướng đi khác cho tỉnh Sơn La là phát triển nhiều giống cây quả ôn đới khác nhau để đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài vụ thu hoạch. Tuy nhiên, hiện Sơn La chưa có cơ chế bảo vệ quyền của nhà lai tạo giống, khiến cho việc tiếp cận hợp pháp các giống mới có bản quyền rất khó khăn.

Nhằm giúp giải quyết những vấn đề trên, dự án ACIAR đã phối hợp với chính quyền tỉnh và các bên liên quan ở khối tư nhân triển khai hai sáng kiến hỗ trợ lẫn nhau thành lập Hiệp hội cây ăn quả ôn đới tỉnh Sơn La và giới thiệu giống cây ăn quả ôn đới có bản quyền cho tỉnh từ năm 2018 đến nay.



Thu hoạch mận hậu phục vụ chế biến các sản phẩm sấy dẻo ở Hợp tác xã dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 do anh Mai Đức Thịnh, 
Chủ tịch Hiệp hội Cây ăn quả ôn đới Sơn La làm Chủ nhiệm.


Ban vận động của Hiệp hội cây ăn quả ôn đới tỉnh Sơn La gồm anh Mai Đức Thịnh (chủ nhiệm HTX 19/5), ông Hà Văn Lán (Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng,
vật nuôi, thủy sản Sơn La), ông Phạm Văn Quyết (chủ trang trại Quyết Thanh) và bà 
Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Sơn La trong chuyến
đi thực tế tới Australia năm 2018. Ảnh: Tư liệu ACIAR



Ông Phạm Văn Quyết 
chủ trang trại Quyết Thanh ở thị trấn Mộc Châu và ông Oleg Nicetic, Giảng viên Đại học Queensland
và hiện là Trưởng dự án cây ăn quả ôn đới ACIAR
 thăm một vườn trồng đào ở Australia.
 Ảnh: Tư liệu ACIAR

Với hàng trăm hecta mận phủ kín thung lũng, Nà Ka (xã Tân Lập, Mộc Châu) được ví như “vương quốc” của mận hậu ở Sơn La. 


Giống đào nhập được ghép với gốc giống đào địa phương để kiểm tra khả năng thích nghi với khí hậu và điều kiện tự nhiên tại Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi
và thủy sản tỉnh Sơn La, đơn vị hợp tác với dự án để nhập 4 giống đào có bản quyền từ Úc về Việt Nam.

 Ông Phạm Văn Quyết, chủ trang trại Quyết Thanh, một trong số các chủ vườn trồng cây ăn quả ôn đới có tiếng ở Mộc Châu
và cũng là một trong những thành viên đầu tiên của Hiệp hội Cây ăn quả ôn đới tỉnh Sơn La.


Những quả hồng đầu tiên từ cây giống của Dự án 
cây ăn quả ôn đới ACIAR cho quả lứa đầu ở trang trại Quyết Thanh của ông Phạm Văn Quyết.


Chị Vàng Thị Hoa, dân tộc Mông, người được Dự án ACIAR hỗ trợ chuyển đổi cây trồng từ ngô sang các giống cây ăn quả ôn đới trên đất dốc cho thu nhập cao hơn.


Bốn giống đào nhập được ghép với giống đào địa phương để tăng khả năng thích nghi cho cây trồng đã được trồng thử nghiệm
tại Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh Sơn La.


Gia đình anh Tráng A Dúng ở bản Pa Khen trồng khoảng 100 cây mận hậu, chủng cây ăn quả ôn đới
có giá trị và lợi thế cạnh tranh tốt hơn các loại cây trồng khác ở Sơn La...



... và ở
 các hộ gia đình, mùa mận chín cũng là lúc bận rộn thu hoạch, đóng gói gửi đi khắp nơi tiêu thụ.


Mận hậu được thu hái tại vườn, tươi nguyên phấn được đóng hộp và dán tem chứng nhận nông sản đã có nhãn hiệu bảo hộ
tại 
Cơ sở thu mua của anh Nguyễn Xuân Văn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông sản sạch Mộc Châu (Tiểu khu Pakhen, Thị trấn Nông trường Mộc Châu).

Ý tưởng thành lập một hiệp hội cho cây ăn quả ôn đới ở Sơn La được nông dân và doanh nghiệp địa phương nhiệt tình đón nhận bởi họ nhận thấy cần phải có một tổ chức như vậy để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành. Đầu tháng 6 năm 2020, Hiệp hội cây ăn quả ôn đới tỉnh Sơn La chính thức được thành lập gồm nông dân, vườn ươm giống, hợp tác xã, doanh nghiệp, thương nhân và đơn vị chế biến.

“Hiệp hội cây ăn quả ôn đới tỉnh Sơn La đóng vai trò quan trọng trong quá trình nhập giống từ nước ngoài và quản lý giống bằng bản quyền, đóng góp cho sự phát triển của ngành Nông nghiệp tỉnh.” 
(Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La).
Hiệp hội được kì vọng sẽ giúp kết nối hộ nông dân và hợp tác xã trồng cây ăn quả ôn đới vốn đang hoạt động nhỏ lẻ với nhau, liên kết các nhân tố trong ngành và trở thành nơi trao đổi thông tin về thị trường và kĩ thuật trồng cây. Hiệp hội làm việc chặt chẽ với chính quyền và tạo ảnh hưởng trong quá trình hoạch định chính sách, phát triển kế hoạch mang tính chiến lược cho ngành, đồng thời thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và quản lý chất lượng, đặc biệt trong chế biến và giới thiệu giống.

Cùng với việc thành lập Hiệp hội, Dự án giới thiệu giống cây ăn quả ôn đới có bản quyền lại nhằm đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài vụ thu hoạch của cây ăn quả ôn đới ở tỉnh Sơn La, từ đó mở rộng thị trường và tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành. Dự án đã kết hợp với Công ty Cải tiến giống cây ăn quả của Vườn ươm Australia (ANFIC) và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sơn La đưa về tỉnh bốn giống đào có bản quyền với đặc tính thịt quả chắc, thời gian thu hoạch nhanh, đáp ứng sở thích của người tiêu dùng và giảm thiệt hại sau thu hoạch. Bốn giống đào nhập được ghép với giống đào địa phương để tăng khả năng thích nghi cho cây trồng.

Theo ông Phạm Văn Quyết, chủ trang trại Quyết Thanh, một trong những nông hộ đầu tiên hợp tác với Dự án ACIAR để trồng thử nghiệm giống đào nhập thì “Những cây đào ghép tại vườn của tôi đang phát triển rất tốt trong điều kiện thời tiết ở Mộc Châu, ra lộc cùng thời kì với cây đào bản địa. Tuy nhiên, tôi vẫn cần theo dõi thêm, đợi vụ thu hoạch để xem chất lượng quả có đạt yêu cầu và đáp ứng kì vọng hay không.”

Hiện tại, những cây giống đang được nhân lên, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ nhân thành công 1000 cây để trồng tại ba vùng sinh thái khác nhau tại tỉnh nhằm thử nghiệm về tính thích ứng và tính bền vững trong sản xuất, nếu thành công sẽ đưa vào thị trường.Theo ông Oleg Nicetic (Đại học Queensland, Úc), Trưởng dự án quả ôn đới ACIAR thì đây là thí điểm để thiết lập cơ chế bảo vệ bản quyền, quản lý và thu tiền bản quyền trong tương lai mà Hiệp hội cây ăn quả ôn đới tỉnh Sơn La là nhà cấp phép độc quyền cho những giống cây được thương mại hóa ở Việt Nam. Việc thương mai hóa giống có bản quyền được phát triển dựa trên ba trụ cột chính là bảo vệ giống, quản lý tiền bản quyền và phát triển chuỗi cung ứng độc quyền. Dự án ACIAR đã và đang lập kế hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động này./.


Tại Sơn La, ACIAR đã hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo ra sản phẩm có thế mạnh phục vụ xuất khẩu. Giờ đây, những đồi ngô bạt ngàn đã biến thành các vườn cây ăn quả mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha, thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo.
Bài: Phương Hà - Huyền Trâm. Ảnh: Trọng Chính và Tư liệu ACIAR 


Top