Văn hóa

Viện Quân y 103 tiên phong trong ngành ghép tạng

Viện Quân y 103, tên thường gọi của Bệnh viện 103, không chỉ là đơn vị hàng đầu của quân đội và cả nước trong lĩnh vực huấn luyện lâm sàng, cận lâm sàng cho các đối tượng học viên đại học, sau đại học, mà còn là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực ghép tạng với việc thực hiện thành công những ca ghép tạng lịch sử, đưa ngành ghép tạng Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc, sánh ngang với trình độ y học tiên tiến của khu vực và thế giới.
Viện Quân y 103 là bệnh viện đa khoa thực hành hạng 1 của quân đội, trực thuộc Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng Việt Nam. Tiền thân của Viện Quân y 103 là Đội điều trị 3, thành lập ngày 20/12/1950, tại thôn Trung Giáp, xã Anh Dũng (nay là xã Trung Giáp), huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Đến tháng 8 năm 1958, theo Quyết định của Tổng cục Hậu cần, Đội điều trị 3 được chuyển thành Viện Quân y 103. Tháng 12 năm 1958 Bộ Quốc phòng có quyết định chuyển Viện Quân y 103 thuộc quyền quản lý của Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) về trực thuộc Trường Sỹ quan Quân y. Ngày 21 tháng 5 năm 1989, Bộ Tổng tham mưu có quyết định công nhận Viện Quân y 103 là Bệnh viện hạng I của Quân đội. Và đến năm 1995, Viện Quân y 103 được đổi tên thành Bệnh viện 103.

Với chức năng, nhiệm vụ khi thành lập là huấn luyện lâm sàng, cận lâm sàng cho các đối tượng học viên đại học, sau đại học ngành y, dược của Việt Nam. Đến nay, Bệnh viện 103 đã đào tạo 22.000 bác sỹ, dược sỹ; 650 tiến sỹ, 1.800 thạc sỹ, 4.200 chuyên khoa I, chuyên khoa II, 10.000 chuyên khoa định hướng. Mỗi năm, Bệnh viện huấn luyện bình quân 60 lớp, với gần 2.000 học viên, cung cấp cho ngành y học Việt Nam nói chung và y học quân sự nói riêng một số lượng không nhỏ các y, bác sỹ có chuyên môn, tay nghề cao.

Không chỉ có những thành tích nổi bật trong công tác đào tạo, Bệnh viện 103 còn là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học. Những công trình nghiên cứu của Viện không chỉ góp phần quan trọng trong công tác đào tạo mà đây chính là những tiền đề cho Viện thực hiện thành công những ca ghép tạng lịch sử, tạo tiếng vang lớn cho ngành ghép tạng Việt Nam thời gian qua.



Đội ngũ y bác sỹ của Bệnh viện 103 đang tiến hành ca phẫu thuật ghép tạng cho bệnh nhân. Ảnh: Tư liệu


Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm bệnh nhân Phạm Thái Huyên,
người được thực hiện ca ghép tạng lịch sử tụy - thận đầu tiên vào năm 2014. 
Ảnh: Tư liệu


Khoa Lọc thận của Bệnh viện được trang bị hàng chục máy lọc máu hiện đại để điều trị cho bệnh nhân. 
Ảnh: Tất Sơn


Khoa Đột quỵ của Bệnh viện mỗi năm điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân. 
Ảnh: Tất Sơn


Bệnh nhân đang được điều trị ung thư tại Phòng xạ trị gia tốc thuộc khu vực Trung tâm Ung bướu của Bệnh viện. 
Ảnh: Tất Sơn


Bệnh viện có hai phòng Spect phục vụ công tác chẩn đoán ung thư. 
Ảnh: Tất Sơn


Phòng Spect được trang bị một hệ thống trang thiết bị hiện đại nhất dùng cho việc chẩn đoán ung thư. 
Ảnh: Tất Sơn


Phòng xét nghiệm sinh hóa của Bệnh viện hiện có 4 máy sinh hóa, 2 máy xét nghiệm hoạt động liên tục
để phục vụ cho công tác xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị bệnh. 
Ảnh: Tất Sơn


Các sinh viên của Học viện Quân Y đang thực hành  tại Bệnh viện. 
Ảnh: Tất Sơn


Là bệnh viện thực hành của Học viện Quân Y, mỗi năm Bệnh viện đào tạo trên 60 lớp với hơn 2.000 sinh viên. 
Ảnh: Tư liệu

4 ca ghép tạng lịch sử, mang tính chất bước ngoặt cho ngành ghép tạng Việt Nam lần lượt được thực hiện thành công tại Viện như: ca ghép thận đầu tiên của Việt Nam vào năm 1992; ca ghép gan đầu tiên vào năm 2006; ca ghép tim đầu tiên vào năm 2010, ca ghép đa tạng tụy - thận đầu tiên vào tháng 3/2014 (đây là ca phẫu thuật được thực hiện từ đề tài cấp nhà nước về ghép tụy – thận từ người cho chết não trên người).

Sau hơn 20 năm, kể từ ngày tiến hành ca ghép tạng đầu tiên thành công tại Bệnh viện 103, đến nay chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam đã phát triển vượt bậc và lan tỏa tới 12 bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước. Ngành ghép tạng của Việt Nam được đánh giá là đi sau thế giới gần nửa thế kỷ và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, thế nhưng đến nay trình độ ghép tạng ở Việt Nam đã tiến bộ vượt bậc, được đánh giá ngang bằng khu vực. Ghép tạng đã trở thành một trong những thành tựu nổi bật ghi dấu ấn cho của nền y học Việt Nam. Thành công này có sự góp phần không nhỏ của tập thể đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện 103 qua các thời kỳ.

Trong hơn 20 năm kể từ thành công của ca ghép tạng đầu tiên, đến nay Viện đã thực hiện 70 ca ghép tạng, trong đó có 19 ca ghép tiến hành trong khoảng 10 tháng trở lại đây, mang lại cơ hội sống thứ hai cho những người không may mắn.

Năm 2017, Bệnh viện 103 sẽ hoàn thành cơ bản 80% khu nhà khám chữa bệnh mới. Đây là khu nhà được xây theo tiêu chuẩn của các bệnh viện Châu Âu, do người Đức thiết kế với đầy đủ trang thiết bị máy móc hiện đại và một sân đỗ trực thăng trên nóc tòa nhà. Sự đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng cho Bệnh viện cho thấy vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Bệnh viện trong việc thực hiện gắn kết hai nhiệm vụ Đào tạo và Điều trị. Đồng thời, đây cũng chính là những động lực để đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện 103 viết tiếp trang sử đã tròn 65 năm trưởng thành và phát triển.

Với những cống hiến xuất sắc cho ngành y học Việt Nam trong thời gian qua, vào ngày 17/12/2015, tại Lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống (20/12/1950 - 20/12/2015), Bệnh viện Quân y 103 đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh./.
 
 Bài: Thảo Vy - Ảnh: Tất Sơn & Tư liệu


Top