Văn hóa

Thành phố Hồ Chí Minh và tầm nhìn 2025

Thành phố Hồ Chí Minh phải trở lại vị trí số 1 và mục tiêu này hoàn toàn có thể được. Vì vậy, Chính quyền và Nhân dân Thành phố quyết tâm xây dựng tư duy đổi mới không phải bằng cơ chế “xin – cho” mà bằng 6 chữ: “dám thử, dám làm, dám mạo hiểm” để tạo ra bước đột phá. Đó chính là lời khẳng định đầy tâm huyết của ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh khi trao đổi với Báo ảnh Việt Nam về “Mục tiêu xây dựng đô thị mới Tp. Hồ Chí Minh - Tầm nhìn 2025”.

Phát triển hạ tầng đi cùng với đảm bảo an sinh xã hội


Ông Đinh La Thăng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh. Ảnh: Kim Phương

Phóng viên: Theo Quyết định “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn 2025” của Thủ tướng Chính phủ, Tp. Hồ Chí Minh sẽ phát triển theo mô hình tập trung - đa cực. Điều này sẽ được Thành phố thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Đinh La Thăng: Theo Quyết định “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn 2025” của Thủ tướng Chính phủ, Tp. Hồ Chí Minh được phát triển theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và 4 cực phát triển.

Cụ thể, phát triển Thành phố theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực trung tâm hiện hữu gồm Quận 1, Quận 3, một phần Quận 4, quận Bình Thạnh (930 ha) và khu đô thị mới Thủ Thiêm 657 ha; bốn trung tâm cấp thành phố tại bốn hướng phát triển. Bên cạnh đó, phát triển Thành phố với hai hướng chính là: hướng Đông và hướng Nam ra biển và hai hướng phụ là: hướng Tây - Bắc và hướng Tây, Tây - Nam.

Mặc dù, ý tưởng phát triển Tp. Hồ Chí Minh theo các hướng đã hình thành từ năm 1998 (ngoại trừ hướng phía Nam) nhưng các hướng còn lại chưa hình thành hạt nhân đô thị và giao thông công cộng có sức chở lớn như tàu điện, metro... để nối kết các hạt nhân trung tâm. Vì thế, đây là nhiệm vụ quan trọng mà Thành phố cần giải quyết trong thời gian tới. Ngoài ra, sự phát triển đô thị cũng cần tập trung trong các khu vực hạt nhân với mật độ cao để tiết kiệm quỹ đất và giảm thu hẹp môi trường tự nhiên.

Vấn đề liên kết vùng được chú trọng khá nhiều trong quá trình nghiên cứu điều chỉnh Đồ án quy hoạch chung 2010, thông qua định hướng phát triển các trục giao thông đối ngoại, tăng tính liên kết với các tỉnh xung quanh bằng các mở rộng khai thông các khu vực cửa ngõ của Thành phố nhằm mục đích tác động tới sự hình thành các đô thị trong vùng. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ chế đặc thù để khai thác tiềm năng, thế mạnh của Thành phố, của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đẩy mạnh liên kết vùng.

Để phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì phải thay đổi cơ chế theo hướng phục vụ cho một "Đặc khu kinh tế". "Đặc khu" ở đây phải hiểu trong không gian mở của Vùng kinh tế trọng điểm, chứ không phải một khu vực nhỏ với vài chính sách đặc biệt. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí vai trò đặc biệt quan trọng, mang ý nghĩa chiến lược trong sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước, là vùng hội đủ các điều kiện lợi thế phát triển của các ngành đi đầu trong sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa.


Nhà thờ Đức Bà, một công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của Tp. Hồ Chí Minh, được khởi công vào năm 1877 và hoàn thành vào năm 1880.
Ảnh: Kim Phương

Phóng viên: Dự báo đến năm 2025 Tp. Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 10 triệu dân và trở thành một siêu đô thị năng động tầm cỡ thế giới. Vậy Thành phố sẽ có những chính sách gì để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân?

Ông Đinh La Thăng: Dù chỉ chiếm khoảng trên 10% dân số và 0,6% diện tích, nhưng Tp. Hồ Chí Minh đã tạo ra khoảng 23% GDP, 30% số thu ngân sách, thu hút 20% nguồn vốn FDI của cả nước. Những con số đó đã cho thấy vị trí và vai trò của Tp. Hồ Chí Minh đối với cả nước.

Có được những thành tựu nói trên, một phần rất quan trọng là Thành phố đã và đang thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Trong thời gian qua, Thành phố đã gặt hái nhiều thành tựu về đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bằng nhiều chương trình và chính sách thiết thực. Các chương trình này đã góp phần to lớn tạo nên một lưới an sinh xã hội có hiệu quả đảm bảo cho xã hội được ổn định.

Bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội luôn là một chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững của đất nước nói chung, Tp. Hồ Chí Minh nói riêng. Quan điểm của các thế hệ lãnh đạo Thành phố thời gian qua luôn nhất quán, đó là chỉ khi tiềm lực kinh tế của Thành phố được nâng lên mới có thể là cơ sở quan trọng để bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho người dân Thành phố.

Đảng bộ Thành phố đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy thành quả và những kinh nghiệm tốt đã đạt được, khắc phục những yếu kém, bất cập để xây dựng một hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đồng bộ, hiệu quả cao. Đẩy mạnh triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết việc làm. Khuyến khích tối đa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp phát triển mạnh sản xuất kinh doanh để tạo nhiều việc làm, đồng thời hỗ trợ người dân có việc làm, tăng thu nhập. Nâng cao chất lượng hệ thống bảo hiểm, đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp, vận động các tập thể, cá nhân hỗ trợ để người dân tích cực tham gia. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững mà Thành phố đã và đang triển khai thành công. Thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng triển khai chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó gắn phát triển kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, phát triển nông thôn bền vững.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng sẽ tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công và chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng các kênh và hình thức trợ giúp, dựa vào cộng đồng với sự tham gia rộng lớn của người dân, doanh nghiệp, của xã hội và kiều bào ta ở nước ngoài... Đặc biệt, huy động sự tham gia của toàn xã hội để thực hiện tốt an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho người dân Thành phố.


Việc cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông đã góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thông Hải

Phát triển đô thị theo hướng bền vững, quy hoạch các khu đô thị có qui mô lớn

Phóng viên: Các khu đô thị mới hiện tại và trong tương lai sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến việc phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố?

Ông Đinh La Thăng: Các khu đô thị mới ra đời như là một giải pháp tất yếu của quá trình phát triển Thành phố. Các khu đô thị mới là nơi nâng cao chất lượng đô thị, bù đắp các chức năng đô thị hiện hữu còn khiếm khuyết. Đây là nơi cung cấp nhà ở, việc làm và các hoạt động văn hóa, tinh thần.

Mỗi khu đô thị mới, tùy theo lợi thế vị trí, có một mục tiêu phát triển khác nhau. Các khu đô thị mới hình thành trung tâm hạt nhân trên mỗi hướng phát triển không gian Thành phố, tạo thành hệ thống các trung tâm đô thị. Đây cũng chính là tiến trình hoàn thiện mặt bằng tổng thể Tp. Hồ Chí Minh theo quy hoạch.

Các khu đô thị mới là giải pháp mang tính then chốt giúp Tp. Hồ Chí Minh chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Ví dụ, Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ; Khu đô thị Tây Bắc là trung tâm giáo dục, y tế, công nghiệp sạch có giá trị gia tăng cao; Quận 9 sẽ là trung tâm công nghiệp công nghệ cao; Khu đô thị Hiệp Phước sẽ là trung tâm dịch vụ, công nghiệp gắn với vận tải biển...

Những Khu đô thị mới là không gian vật chất cho các hoạt động kinh tế có lợi thế cạnh tranh của Tp. Hồ Chí Minh so với các tỉnh thành lân cận, giảm dần các ngành công nghiệp gia công, ô nhiễm, thu hút đầu tư công nghệ mới và phát triển bền vững trong vị thế dẫn đầu.

Từ những kinh nghiệm trong và ngoài nước, Tp. Hồ Chí Minh đã sớm quan tâm tới công tác quy hoạch và quản lý đô thị, coi đây là công cụ sắc bén để cải tạo phát triển đô thị trên cơ sở các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt. Tại Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ VII năm 2000, vấn đề nâng tầm quản lý đô thị theo hướng văn minh, hiện đại đã được đặt ra. Đây cũng là cột mốc đánh dấu vấn đề quản lý và phát triển đô thị trở thành một nội dung trong công tác quản lý nhà nước và được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành sát sao của lãnh đạo Thành phố. Đặc biệt, từ Đại hội lần thứ VIII của Đảng bộ Thành phố năm 2005 đến nay, quản lý và phát triển đô thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố, trong đó đặt ra những mục tiêu trong trung hạn, dài hạn mà Thành phố phải vươn tới để phát triển đô thị bền vững.

Sự tập trung chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố với việc phát triển hạ tầng giao thông trên cơ sở nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, Thành phố đã năng động tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư như đề xuất các mô hình đổi đất lấy hạ tầng, bán quyền thu phí… giúp cho Thành phố hôm nay đã và đang hoàn thành nhiều công trình vừa mang tính chất công trình hạ tầng giao thông vừa là điểm nhấn trong kiến trúc cảnh quan của Thành phố. Đó là cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, các trục giao thông quan trọng như Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Đại lộ Phạm Văn Đồng… và những tuyến metro đầu tiên đang được triển khai xây dựng.

Từ bài học kinh nghiệm phát triển đô thị theo hướng bền vững, Thành phố đã quy hoạch các khu đô thị có quy mô lớn, không manh mún, tạo điều kiện phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ và cung ứng dịch vụ đô thị cho người dân từng bước hoàn chỉnh.

Bên cạnh Khu đô thị Nam Thành phố với khu trung tâm là Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Thành phố đã quy hoạch và phát triển thêm 3 khu đô thị mới khác là Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị mới Tây Bắc.

Ngoài ra, Thành phố còn có 11 dự án khu đô thị mới quy mô từ 200 ha trở lên và 44 dự án khu dân cư, khu đô thị mới có quy mô nhỏ hơn 200 ha, với tổng dện tích đất khoảng 23.370 ha. Các khu đô thị mới đã và đang được đầu tư phát triển, góp phần đáng kể vào công cuộc Công nghiệp hóa và Hiện đại hóa Thành phố.

Thực hiện chiến lược kinh tế biển của cả nước, dự án nạo vét luồng Soài Rạp đã được khánh thành và đưa vào sử dụng giai đoạn 2, có ý nghĩa rất quan trọng, tác động rất lớn đến khối lượng hàng xuất nhập khẩu qua cụm cảng Tp. Hồ Chí Minh. Việc tàu có trọng tải lớn vào lấy hàng tại Cảng Hiệp Phước tạo điều kiện di dời các cảng sông Sài Gòn ra khỏi nội thành được nhanh hơn, góp phần giảm ùn tắc giao thông cũng như ô nhiễm môi trường, tạo động lực phát triển Khu đô thị cảng Hiệp Phước, hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế- xã hội Thành phố hướng ra Biển Đông.


Khu đô thị Phú Mỹ Hưng được xây dựng trên cơ sở quy hoạch mở rộng Tp. Hồ Chí Minh về phía Nam,
tiến ra Biển Đông, theo xu hướng phát triển đô thị hướng ra biển mà nhiều quốc gia đang làm. Ảnh: Kim Phương

Phóng viên: Để Tp. Hồ Chí Minh luôn là điểm đến đầy hấp dẫn của các nhà đầu tư, Tp. Hồ Chí Minh sẽ có những chính sách ưu tiên gì?

Ông Đinh La Thăng: Ngay từ những năm bắt đầu chuyển sang nền kinh tế thị trường, Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai nghiên cứu các loại hình quy hoạch đô thị. Chính vì sớm triển khai công tác nghiên cứu quy hoạch mà Tp. Hồ Chí Minh đã sớm đón nhận những làn sóng đầu tư nước ngoài khá lớn từ các quốc gia trên thế giới và nhất là từ các nước trong khối ASEAN.

Điểm nhấn đầu tiên được thực hiện từ ý tưởng phát triển Thành phố về phía Nam với việc xác định trục đường Nguyễn Văn Linh và Khu đô thị mới Nam Thành phố. Trục đường Nguyễn Văn Linh vừa đóng vai trò tuyến đường vành đai quan trọng, vừa là trục đường xương sống để phát triển một chuỗi, một hành lang đô thị trên diện tích gần 3000 ha ở phía Nam Thành phố.

Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, với việc Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã được công nhận là “Khu đô thị kiểu mẫu” đầu tiên trong cả nước cùng với trục đường Nguyễn Văn Linh đã trở thành những minh chứng sống động cho sự đột phá của Tp. Hồ Chí Minh trong công tác quản lý phát triển đô thị.

Thành phố đã tập trung mọi nguồn lực cho công tác lập quy hoạch và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch; chú trọng công tác cải tạo đô thị đi đôi với nâng cao chất lượng sống của người dân và bảo tồn di sản văn hóa - lịch sử - kiến trúc của Thành phố; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, từng bước xây dựng thành phố văn minh - hiện đại; phát triển hệ thống trung tâm đô thị và các khu đô thị mới để xứng tầm với một đô thị đặc biệt và tập trung phát triển các loại hình nhà ở để đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp dân cư đô thị

Bên cạnh đó, việc quyết liệt cải cách hành chính đã được Thành phố tập trung suốt thời gian qua để góp phần thu hút các nhà đầu tư. Thành phố thực hiện cải cách hành chính một cách đồng bộ trên các lĩnh vực với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử chuyên nghiệp, dân chủ, hiện đại, năng động, hiệu quả, phục vụ nhân dân không điều kiện. Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố. Các chương trình hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chương trình kích cầu, chương trình kết nối đã phát huy tốt những thế mạnh của Thành phố và có sức lan tỏa tích cực vào xã hội.

Có thể nói, xuyên suốt 40 năm qua, với vai trò là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh luôn phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, kiên cường, phấn đấu không ngừng với tinh thần “cùng cả nước, vì cả nước” vượt qua khó khăn, thách thức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với vinh dự được mang tên Bác và danh hiệu “Thành phố Anh hùng”, “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
 

Phối cảnh không gian quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh.
 
Thực hiện: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Kim Phương, Thông Hải


Top