Văn hóa

Tấm "giấy thông hành” MRA-TP

Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động du lịch trong ASEAN (MRA-TP) được xem như tấm giấy “thông hành” để người lao động trong lĩnh vực du lịch có thể tự do dịch chuyển tìm kiếm việc làm trong khu vực ASEAN, đồng thời nó cũng là chất xúc tác thúc đẩy các nước ASEAN cùng cạnh tranh nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn các dịch vụ du lịch của mình để phát triển.
Để thúc đẩy sự hình thành của Cộng đồng Kinh tế (AEC), các quốc gia thành viên ASEAN chú trọng tự do hóa ba lĩnh vực lớn là: thương mại hàng hoá; thương mại dịch vụ; đầu tư, tài chính và lao động.

Nhằm tạo điều kiện cho lao động lành nghề di chuyển trong khu vực, từ đó thúc đẩy đầu tư và thương mại, các nước ASEAN đã ký kết các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs-Mutual Recognition Agreement), cho phép chứng chỉ của lao động lành nghề tại một quốc gia sẽ được thừa nhận bởi các nước thành viên khác trong khu vực. Trong lĩnh vực du lịch là Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động du lịch trong ASEAN (MRA-TP).


Để người lao động có thể tự do tìm việc làm, các nước thành viên ASEAN phải xây dựng cho mình
bộ tiêu chuẩn 
nghề du lịch phù hợp theo quy định của MRA-TPẢnh: Hồ Cầu/TTXVN



Chẳng hạn, hướng dẫn viên du lịch được đào tạo bài bản và có chứng chỉ nghề
do VTCB cấp thì có thể tự do tìm việc ở tất cả các nước ASEAN. Ảnh: Nguyễn Luân


Trao đổi nghiệp vụ về pha chế đồ uống tại trường Trung cấp nghề Du lịch Sài Gòn. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

MRA-TP là một sáng kiến đã được Bộ trưởng Du lịch 9 nước ASEAN ký từ năm 2009 tại Hà Nội. Thái Lan là nước cuối cùng ký kết Thỏa thuận này vào tháng 11/2012 tại Bangkok. Theo đó, MRA-TP cho phép những người lao động trong khối ASEAN có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được Hội đồng cấp chứng chỉ nghề du lịch (VTCB) của các quốc gia thành viên chứng nhận có thể tự do tìm việc ở các quốc gia thành viên. Điều đó sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh của ngành du lịch trong khối ASEAN, đồng thời sẽ tạo điều kiện thu hút nhân tài để đáp ứng cho sự thiếu hụt về lao động có trình độ và kỹ năng cao tại các địa phương.

Sáng kiến này đã được chính phủ Úc hỗ trợ xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề chung ASEAN cho 6 nghiệp vụ gồm: lễ tân, buồng, bếp, dịch vụ ăn uống, đại lý du lịch, và điều hành tour với tổng số 32 chức danh nghề cụ thể. Trên cơ sở đó, giáo trình đào tạo nghề chung ASEAN cũng đã được xây dựng, liên kết chặt chẽ với khung trình độ ASEAN.

Trên cơ sở bản Thỏa thuận này, các nước thành viên ASEAN sẽ phê chuẩn và xây dựng cho mình bộ tiêu chuẩn phù hợp để được công nhận trong toàn khu vực, từ đó có thể giúp người lao động nước mình có thể hội nhập, tìm kiếm công việc dễ dàng tại các nước thành viên khác. Nói cách khác, MRA-TP sẽ giúp người dân ASEAN có thể tự do làm việc ở bất cứ nước nào trong khối ASEAN, nếu đáp ứng được yêu cầu về chuẩn nghề mà MRA-TP công bố.


Vẻ đẹp cổ kính của Cố đô Huế, Việt Nam. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam


Vẻ đẹp hoang sơ của đất nước Myanmar. Ảnh: Việt Cường


Tượng đài chiến thắng Pa Tu Xay, biểu tượng chiến thắng của người Lào,
được xây dựng vào năm 1958. Ảnh: Nguyễn Thắng


Vẻ đẹp hiện đại của đất nước Singgapore. Ảnh: Vũ Khánh


Một khu nhà nổi trên sông ở Brunei. Ảnh: Hoàng Quang Hà

Tham gia vào quá trình này, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các trách nhiệm của nước thành viên. Ngành du lịch cũng đã lựa chọn và đề cử nhân sự phù hợp tham gia các chương trình đào tạo do ASEAN tổ chức để phát triển đội ngũ Đào tạo viên ASEAN và Đánh giá viên ASEAN đối với các nghề buồng, chế biến món ăn, lễ tân và phục vụ nhà hàng. 

Việt Nam cũng tham gia xây dựng và phổ biến các tài liệu hướng dẫn đào tạo và đánh giá lao động du lịch theo các tiêu chuẩn nghề; giáo trình đào tạo du lịch chung trong ASEAN.

Ngành du lịch cũng đang xây dựng và phát triển hệ thống tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia (đã ban hành 8 bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia và đang trong quá trình chuyển đổi 10 bộ tiêu chuẩn nghề du lịch theo hệ thống VTOS do Liên minh Châu Âu hỗ trợ thành các bộ tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia) để có đủ các bộ tiêu chuẩn phục vụ so sánh và công nhận tương đương với các tiêu chuẩn nghề chung trong ASEAN...

Bên cạnh đó, thông tin về hệ thống tiêu chuẩn nghề du lịch và giáo trình đào tạo nghề du lịch chung ASEAN, sách hướng dẫn triển khai MRA-TP cũng được Tổng cục Du lịch đăng tải trên trang thông tin điện tử của mình để giúp người dân có thể tiếp cận một cách dễ dàng.

Trong suốt các năm qua, thông qua Ban Thư ký ASEAN và sự hỗ trợ của chính phủ Úc và các tổ chức quốc tế, các nước thành viên ASEAN đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm triển khai cụ thể từng mục tiêu đã xác định của MRA-TP.

Nhờ đó đến nay các “cơ sở hạ tầng” nhằm hỗ trợ triển khai MRA-TP trong ASEAN đã được hoàn tất. Vì thế, vào ngày 9/8 vừa qua, tại Jakarta (Indonesia), MRA-TP đã chính thức được ASEAN công bố tại Hội nghị quốc tế về Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động du lịch trong ASEAN (MRA-TP). Hội nghị lần này tại được xem là dịp để các nước ASEAN chính thức “bấm nút” triển khai đầy đủ các nội dung của Thỏa thuận quan trọng này.

Có thể nói, việc MRA-TP chính thức được công bố là một trong những thành tựu cụ thể của hợp tác ASEAN trong lĩnh vực du lịch, qua đó đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của Cộng đồng Kinh tế ASEAN./.

Thực hiện: TTXVN/Báo ảnh Việt Nam


Top