Chân dung

Nữ anh hùng chân phèn Bảy Hồng

Bà Bảy Hồng là người phụ nữ đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động đợt đầu tiên vào năm 1986 khi mới 36 tuổi. Bà có thành tích đặc biệt trong công cuộc khai hoang chinh phục Đồng Tháp Mười để trồng lúa.
Chúng tôi đến thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An, hỏi thăm nhà của bà Bảy Hồng thì hầu như bà con ở đây ai cũng biết. Cái tiếng “Bà Hồng lái máy cày” hay “Anh hùng chân phèn Bảy Hồng” là cách gọi thân thương mà mọi người dùng để khen ngợi bà, một người rất giỏi trong nghề khai hoàng trồng lúa.
 
Bà Bảy Hồng tên khai sinh là Võ Thị Hồng, sinh năm 1950, là con gái thứ sáu trong một gia đình nông dân nên được gọi là Bảy Hồng, theo cách gọi của người Nam Bộ. Lúc nhỏ, bà Bảy Hồng từng làm giao liên bơi xuồng ba lá trong vùng Đồng Tháp Mười để đưa thư từ, tài liệu phục vụ quân Giải phóng đánh Mỹ. Nhờ vậy mà cái tính gan góc, chịu khó và cẩn trọng của bà Bảy Hồng được hình thành từ thời đó.
 
Khi đất nước thống nhất, Nhà nước có chủ trương khai hoang Đồng Tháp Mười và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng lúa trên vùng đất phèn, bà Bảy Hồng thấy đây là lúc để dấn thân và làm chủ vùng đất quê hương. Với đôi tay không ngại khó bà đã khai hoang hơn 30 ha bần đước um tùm rồi thực hiện các biện pháp dẫn nước nhập điền, thau chua rửa phèn, sục bùn, rải phân để trồng lúa.

Vừa làm vừa học hỏi vừa rút kinh nghiệm, dần dần bà Bảy Hồng cũng biết rõ từng chứng bệnh của cây lúa, biết tất cả những gì liên quan đến năng suất lúa, sạ lúa, xổ phèn… Ngoài ra, bà Hồng còn tự học hỏi kỹ thuật và thành công trong việc trồng lúa hai vụ, rồi ba vụ trên vùng Đồng Tháp Mười nhiễm phèn nặng. Cả tỉnh Long An ngày đó chỉ có bà Bảy Hồng là người phụ nữ duy nhất biết lái máy cày để cày ruộng trồng lúa.


Bà Võ Thị Hồng là người phụ nữ đầu tiên của khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long
được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động khi mới 36 tuổi. Ảnh: Lê Minh



Bà Võ Thị Hồng cùng bà con nông dân ra thăm ruộng. Ảnh: Thông Hải


Bà bảy Hồng trao đổi kinh nghiệm trồng lúa trên đất phèn với bà con nông dân. Ảnh: Lê Minh


Mấy chục năm lăn lộn với xứ phèn nên bà nắm rất rõ đặc tính của cây lúa ở vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh: Lê Minh


Bà Võ Thị Hồng đã khai hoang hơn 30 ha đất cỏ dại, bần đước um tùm để trồng lúa. Ảnh: Lê Minh



Nhờ có thành tích đặc biệt trong việc khai hoang trồng lúa,
bà Bảy Hồng đã được được phong tặng rất nhiều danh hiệu cao quý. Ảnh: Thông Hải


Chuyện khai hoang trồng lúa tăng vụ, tăng năng suất để làm ra nhiều lúa gạo của bà Hồng lúc đó mang ý nghĩa tiên phong, là tấm gương trồng lúa thành công trên đất phèn khiến nhiều bà con nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngưỡng mộ, theo gương học tập.

Từ chỗ chỉ làm được 1 vụ/năm với năng suất khoảng 1 - 2 tấn/ha, bây giờ bà Hồng trồng được 2 vụ, thậm chí là 3 vụ lúa/năm, với năng suất trung bình khoảng 7 - 8 tấn/ha, cá biệt có năm lên tới 10 -11 tấn. 

Tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1986, cô gái nông dân Võ Thị Hồng ở Long An lúc đó mới 36 tuổi đời đã được Nhà nước phong tặng anh hiệu Anh hùng lao động đã khiến mọi người ngưỡng mộ, thán phục. Đặc biệt, khi đó, bà Bảy Hồng còn là một trong ba đại diện được mời lên báo cáo thành tích nông nghiệp trước Đại hội.
 
Nhắc chuyện cũ, bà Bảy Hồng chỉ khiêm tốn: “Tôi mần lúa không phải là để thi đua, mà là để thoát nghèo vượt khó, chinh phục thiên nhiên bằng chính bàn tay khối óc của mình”./.
 
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Lê Minh, Thông Hải

GS.TS Vũ Thị Thu Hà - Phù thủy chất xúc tác

GS.TS Vũ Thị Thu Hà - "Phù thủy" chất xúc tác

Bộ phụ gia đa năng thế hệ mới ECOAL và FNT6VN do GS.TS Vũ Thị Thu Hà (phó Viện trưởng Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ lọc hóa dầu) chế tạo hứa hẹn sẽ tạo ra một bước đột phá mới trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch dạng lỏng, rắn và khí của Việt Nam bởi khả năng tiết kiệm nhiên liệu, giảm khói thải mà chưa sản phẩm phụ gia nào trước đó đạt được. 

Top