Trái tim A Huynh

Trái tim A Huynh

 

A Huynh không học qua bất cứ trường lớp âm nhạc nào, cũng chẳng được ai chỉ dạy, chỉ vì cái tiếng tơ rưng, ting ning, k’ni, đàn đá… như thứ ma lực vô hình lôi cuốn trái tim anh, thổi bùng lên ngọn lửa đam mê để rồi dẫn dắt đưa anh trở thành một nghệ nhân ưu tú trẻ biết làm và chơi hầu hết các loại nhạc cụ cổ xưa của người Ja Rai.

Chiều muộn dần, ánh tối nhá nhem của núi rừng buông xuống như chực trùm lên con suối Ya Xiêr vào đang mùa cạn nước. Thấp thoáng xa xa có bóng người lom khom lội giữa dòng suối cạn. Thỉnh thoảng bóng người ấy lại cúi xuống lần giở các phiến đá trơn tuột lấp loáng nước như đang muốn tìm kiếm thứ gì. Lại gần hóa ra là A Huynh, anh đang đi kiếm vài viên đá để làm bộ đàn đá mới.

Thấy có người đến A Huynh ngẩng mặt lên cười bảo: “Đẽo được cục đá thì dễ mà kiếm được cục đá ưng ý khó quá. Nãy giờ chỉ tìm được cục này thôi!”. Vừa nói A Huynh vừa đưa ra trước mặt tôi một thanh đá sần sùi, xám xịt trông như cái đầu rìu đá của thời tiền sử. Anh lấy chiếc búa nhỏ thử gõ nhẹ lên thanh đá thì thấy nó phát ra những tiếng thánh thót như thể ai đó đang gõ lên phím dương cầm.

 

A Huynh đẽo các thanh đá để chỉnh âm cho giàn đàn đá. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Đàn đá (các dân tộc ở Tây Nguyên, Việt Nam gọi là goong lu, đọc là goòng lú, tức “đá kêu như tiếng cồng”) là một nhạc cụ gõ cổ nhất của Việt Nam và là một trong những loại nhạc cụ cổ thô sơ nhất của loài người. Đàn được làm bằng các thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau. Thanh đá dài, to, dày có âm vực trầm trong khi thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì tiếng thanh. Ở âm vực cao, tiếng đàn đá thánh thót xa xăm. Ở âm vực trầm, đàn đá vang như tiếng dội của vách đá. Người xưa quan niệm âm thanh của đàn đá như một phương tiện để nối liền cõi âm với cõi dương, giữa con người với trời đất thần linh, giữa hiện tại với quá khứ. Năm 2005, UNESCO đã xếp đàn đá vào danh sách các nhạc cụ trong “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”. 

Đứng ngay giữa dòng suối cạn, A Huynh cẩn thận bày ra một dãy các thanh đá to nhỏ, dài ngắn khác nhau và xếp thêm thanh vừa kiếm được vào thành một bộ. Vừa ngắm nghía A Huynh vừa dùng búa gõ nhẹ lên từng thanh. Đôi tay anh gõ nhịp mỗi lúc một nhanh dần. Và kì lạ thay, giàn đá sần sùi, thô ráp bỗng phát ra những thanh âm đầy mộng mị như tiếng của giàn cồng chiêng từ xa xăm vọng vào vách núi.

A Huynh sinh năm 1982, người dân tộc Ja Rai, sống ở làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Năm 2015, ngay trong lần xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú lần thứ nhất trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, anh đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú khi mới 33 tuổi vì có những cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.

 

A Huynh dành nhiều thời gian và công sức đi khắp các con suối trong vùng để tìm đá về làm đàn đá. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Ở Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung, hầu như lễ hội lớn nào anh cũng có mặt. A Huynh tuy trẻ nhưng từ lâu đã là một nghệ nhân nổi tiếng khắp vùng nên được nhiều nơi mời đến trình diễn các loại nhạc cụ truyền thống. Ngoài diễn xướng cồng chiêng, A Huynh còn có thể chế tác, cải tiến và sử dụng thành thạo hầu hết các loại nhạc cụ truyền thống cổ xưa của người Ja Rai.

“Nhạc cụ của người Ja Rai cái chi mình cũng làm được và chơi được hết. Đàn đá, đàn tơ rưng, đàn ting ning, đàn đinh pút, đàn k’ni… cái chi cũng biết. Chỉ có bữa nào bận việc lâu ngày không tập thì chơi lại cũng có khi quên một chút, nhưng tập một lúc là lại nhớ ngay thôi.” – Anh Huynh nhoẻn miệng cười.

Ngoài biệt tài diễn xướng cồng chiêng, làm và chơi điêu luyện đàn tơ rưng, A Huynh còn nổi tiếng là người duy nhất ở Kon Tum biết làm và chơi đàn đá, thứ nhạc cụ kì lạ nhất của người Tây Nguyên và cũng là thứ nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người.

 

Nghệ nhân Ưu tú A Huynh còn nổi tiếng với kĩ năng chơi đàn tơ rưng rất điêu luyện. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Đàn đá của Tây Nguyên nổi tiếng là vậy nhưng giờ cũng hiếm người biết làm, biết sử dụng. Việc A Huynh biết làm và chơi đàn đá cũng là sự tình cờ. Cách đây hơn chục năm, trong một lần qua suối, gặp những thanh đá hình thù lạ mắt, thấy hay hay A Huynh tiện tay nhặt về rồi tình cờ gõ thử thấy phát ra những âm thanh lạ nghe âm vang như tiếng cồng chiêng. Với sẵn máu âm nhạc trong người lại giỏi đánh cồng chiêng, A Huynh đã mày mò đẽo gọt rồi vận dụng kĩ thuật chỉnh âm của cồng chiêng để chỉnh âm cho bộ đàn đá. Dần dà rồi anh cũng làm được bộ đàn đá đầu tiên của mình.

Từ bấy đến nay A Huynh đã làm được nhiều bộ đàn đá khác nhau. Đàn đá của A Huynh không chỉ được anh đem đi thi và diễn xướng ở khắp nơi mà còn thu hút cả sự chú ý của các chuyên gia âm nhạc tại Viện Âm nhạc và Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tìm đến khảo sát, nghiên cứu.

 

Nghệ nhân A Huynh có biệt tài chế tác và cải tiến đàn tơ rưng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Có một điều lạ là tuy biết làm và chơi rất giỏi nhiều loại nhạc cụ cổ xưa như vậy nhưng A Huynh không hề được đào tạo qua một trường lớp âm nhạc nào, thậm chí cũng không được ai chỉ dạy. Tất cả chỉ bằng niềm đam mê, tài năng thiên phú cùng với sự kiên trì mày mò tự học, tự làm và tự thử nghiệm mà thành công.

A Huynh hồn nhiên bảo: “Mình chẳng học gì cả, cũng chẳng biết đồ rê, mi, pha, sol là cái chi. Thấy người ta chơi hay quá nên mình thích rồi tự học, tự làm để chơi thôi.”. Anh A Juil, người bạn thân hay chơi đàn cùng A Huynh cũng khẳng định: “Làm những thứ đàn khác thì còn có người biết chứ làm đàn đá thì chẳng có ai, chỉ có A Huynh thôi.”.

 

A Huynh hào hứng khi nói về những điều độc đáo của cây đàn tơ rưng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

A Huynh hiền từ như củ khoai, củ sắn. Anh ít nói, chỉ hay cười, một nụ cười tỏa sáng trên khuôn mặt góc cạnh và ám nắng mang đặc trưng của một chàng trai người Ja Rai đất Tây Nguyên đầy nắng và gió. Trái tim A Huynh luôn cháy đỏ ngọn lửa đam mê, ngọn lửa ấy không chỉ giúp anh thỏa mãn tình yêu say đắm với âm nhạc mà còn thắp lên hoài bão được giữ gìn, cống hiến và truyền bá những vẻ đẹp di sản âm nhạc truyền thống của quê hương. Vì thế, không chỉ say mê chế tác, diễn xướng các loại nhạc cụ, A Huynh còn rất nhiệt tình truyền dạy cho lớp trẻ trong làng và luôn sẵn lòng giới thiệu cho những ai yêu thích, muốn khám về nghệ thuật âm nhạc của người Ja Rai./.

  • Bài, ảnh:  Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Top