GS.TS Võ Tòng Xuân - Chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Việt Nam

GS.TS Võ Tòng Xuân - Chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Việt Nam

Năm 2022, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Nam Cần Thơ tổ chức Lễ trao tặng “Huân chương Mặt trời mọc, Tia sáng vàng và Ruy băng cổ” của Chính phủ Nhật Bản cho Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư (GS), Tiến sĩ (TS) Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ.

GS. TS Võ Tòng Xuân là người đã góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo nổi tiếng thế giới.
Ảnh: Khánh Long

Ông Watanabe Nobuhiro, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, GS.TS Võ Tòng Xuân đã góp phần đưa Việt Nam từ một quốc gia nhập khẩu gạo trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo nổi tiếng thế giới. Thành tích nghiên cứu lúa gạo của GS.TS Võ Tòng Xuân không chỉ được ghi nhận ở Việt Nam mà còn ở Nhật Bản và nhiều nước trong khu vực. Cũng theo ông Watanabe Nobuhiro, GS.TS Võ Tòng Xuân du học ở Nhật Bản từ những năm 70 thế kỷ XX, nhưng đến nay mối quan hệ giao lưu học thuật của ông với Trường Đại học Kyushu ở Nhật Bản vẫn được duy trì. Nhiều nhà nghiên cứu tại Nhật Bản cũng nhận được sự hướng dẫn của GS.TS Võ Tòng Xuân. Chính vì lý do đó, ông được bạn bè quốc tế yêu mến đặt là “Dr. Rice”.

Năm 2006, ông Sahr Johnny, khi đó đang là Đại sứ của Sierra Leone tại Bắc Kinh (Trung Quốc) qua giới thiệu của một công ty đã sang Việt Nam gặp GS.TS Võ Tòng Xuân để trao đổi việc giúp nước này sản xuất lương thực. GS.TS Võ Tòng Xuân đã nhận lời giúp đỡ ngay bởi ông suy nghĩ: "Tôi nghĩ Việt Nam mình từ chỗ thiếu ăn đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo, đứng thứ hai trên thế giới thì mình có thể đem kinh nghiệm ra giúp Sierra Leone”.


GS.TS Võ Tòng Xuân tham gia vào các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế. Ảnh: Khánh Long

Một tuần ở Sierra Leone, GS.TS Võ Tòng Xuân đã đi khắp nơi tiếp xúc, trao đổi với các trưởng bộ lạc và nông dân để tìm hiểu tập quán làm ăn của họ, đồng thời thảo luận với các nhân viên nghiên cứu lúa ở Rokupr để tìm hiểu những khó khăn trong nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật. Hơn một năm sau chuyến khảo sát, “Nhóm công tác an toàn lương thực Sierra Leone” do GS.TS Võ Tòng Xuân đứng đầu được thành lập.

Trong lần đi thứ hai sang đất nước Tây Phi được xếp vào top những nước nghèo nhất thế giới này, hành trang của GS.TS Võ Tòng Xuân và các cộng sự mang theo lần này là 50 giống lúa cao sản và 10 giống lúa chất lượng cao của Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi trong chuyến khảo sát trước đó, GS.TS Võ Tòng Xuân nhận thấy Sierra Leone đất rộng, người thưa, điều kiện khí hậu khá giống với Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên hầu hết người dân vẫn trồng lúa quảng canh, một năm một vụ, chưa nắm được kỹ thuật trồng lúa tiên tiến. Nước tưới ở đây vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước trời, chưa có hệ thống thủy lợi nào được xây dựng, vì vậy năng suất chỉ đạt 2-3 tấn/ha.


Các giống lúa được ông mang sang sau đó được thử nghiệm tại khu Mange Bureh và trại nghiên cứu Rokupr, song song với đó là việc thiết kế hệ thống tưới tiêu tại khu vực thử nghiệm. Các chuyên gia Việt Nam ngày đó đã lập nên 2 kỳ tích. Thứ nhất là trồng được 2 vụ lúa, thời gian sinh trưởng của cây lúa chỉ từ 95-100, năng suất khoảng 4,7 tấn/ha. Thứ hai là các chuyên gia còn tích trữ được lượng lúa giống đủ để gieo trồng ở diện rộng. Sau bước đầu thử nghiệm thành công ở Sierra Leone, GS.TS Xuân và các cộng sự tiếp tục có mặt tại Nigeria, Sudan, Mozambique, Rwanda, Burundi, Liberia để khảo sát.

Câu chuyện tạo nên kỳ tích tại Sierra Leone đã được kể lại tại hội thảo quốc tế trực tuyến về an ninh lương thực và dinh dưỡng tổ chức vào cuối tháng 5/2022. GS.TS Võ Tòng Xuân đến giờ vẫn còn trăn trở với mong muốn hỗ trợ người dân châu Phi giảm nỗi lo về an ninh lương thực. Ông chia sẻ: “Ở châu Phi, lương thực nằm chính ở trong đất, lại có sẵn nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt là những người trẻ rất mong được làm việc. Chỉ cần trang bị cho họ kỹ năng, công cụ, công nghệ để sản xuất, chắc chắn châu Phi sẽ chiến thắng "giặc đói", bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững…".

 GS.TS Võ Tòng Xuân trao đổi với các đối tác tham gia dự án
"Chuỗi giá trị gạo bền vững cho nông hộ nhỏ tại ĐBSCL". Ảnh: Khánh Long

Sinh ra trong gia đình nghèo tại Ba Chúc, ngôi làng heo hút trong dãy Thất Sơn, nên tuổi thơ của GS.TS Võ Tòng Xuân gắn liền với cơ cực, thiếu thốn. Khi mới chỉ là cậu học trò cấp 2, GS.TS Võ Tòng Xuân đã phải làm đủ nghề trên đất Sài Gòn để có đủ tiền trang trải cho các chi phí sinh hoạt trên thành phố. Có những lúc cậu học trò cấp 2 đó phải làm việc đến mức kiệt sức phải vào viện cấp cứu, thế nhưng vẫn không nản lòng với hành trình kiếm tìm tri thức. Thậm chí trước ngày lên đường du học sau khi được nhận học bổng, cha của ông đã phải đi “gõ cửa” nhiều người thân mới có đủ tiền mua cho con vé máy bay, đôi giày da và bộ đồ veston.

GS.TS Võ Tòng Xuân nhận được sự yêu mến của những người nông dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Ảnh: Tư liệu

Đến nay, mặc dù đã 82 tuổi, nhưng “cha đẻ của cây lúa” ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn toát lên chất hào sảng của một “ông già Nam Bộ” với lịch làm việc dày kín với công tác quản lý, nghiên cứu, tư vấn về nông nghiệp, cây trồng…Ông vẫn còn nhiều ấp ủ với các dự án nông nghiệp ở các địa phương với mong muốn giúp người nông dân thoát nghèo, với tâm niệm: “Dù ở cương vị nào, tôi vẫn dốc toàn tâm, toàn lực chăm lo cho sự nghiệp trồng người, tạo nguồn nhân lực cho vùng sông nước cho đến khi nhắm mắt”.

Với những đóng góp quan trọng trong việc phát minh và phổ biến nhiều giống lúa năng suất cao - kháng bệnh tốt, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, tại Lễ trao giải thưởng VinFuture 2023 diễn ra tối 20-12 tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội, GS. Võ Tòng Xuân trở thành nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam giành giải thưởng VinFuture, giải đặc biệt dành cho các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, với công trình 'Phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh'./.

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Vũ Khánh Long & Tư liệu 


Top